Gian nan đòi nợ bảo hiểm xã hội

Nên coi trốn đóng BHXH là tội phạm

19:57 | 10/04/2015
Với số nợ BHXH tăng đều qua các năm không chỉ gây ảnh hưởng tới an toàn của Quỹ BHXH hay xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng triệu người lao động mà còn thể hiện sự coi thường luật pháp. Do đó, trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) mới đây đã đề nghị quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với trốn đóng BHXH.
Trốn đóng BHXH, trả lương không đúng bị phạt tới 75 triệu đồng
Trước tình trạng trốn đóng BHXH

Quyền lợi NLĐ bị ảnh hưởng

Theo Ban Thu - BHXH Việt Nam, tình trạng thu nộp BHXH của các DN hiện nay khá phức tạp. Cả nước hiện có trên 500.000 DN đăng ký thành lập nhưng mới chỉ có một nửa số DN đang hoạt động đóng BHXH. Tuy nhiên, tình trạng nợ, chiếm dụng tiền BHXH lại xảy ra phổ biến và trở thành căn bệnh trầm kha. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó ban Thu - BHXH VN cho hay: “Có thời điểm số tiền nợ BHXH lên đến con số 11.300 tỉ đồng. Trong mấy tháng cuối năm 2014, cơ quan BHXH đã phối hợp với các cơ quan chức năng, dùng mọi biện pháp quyết liệt mới truy thu được và rút xuống còn 5.500 tỉ đồng. Ngành đang phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH từ 4,1% hiện nay xuống còn khoảng 3,5% trong năm 2015. Đồng thời, công tác đốc thu nợ cũng tập trung vào các DN khối nhà nước và ngoài quốc doanh”.

Hiện tượng chủ các DN chây ì, không đóng BHXH, thậm chí nhiều chủ DN bỏ trốn khi cơ quan BHXH đòi, đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động. Đơn cử như tại TP HCM, kiểm tra một số DN nợ đọng BHXH trên địa bàn đã phát hiện có tới 8 DN (Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thanh Tiên, Công ty TNHH MTV Trương Anh, Công ty cổ phần Lai dắt và vận tải chim ưng - Falcon T&T, Công ty TNHH E-WON VN...) mặc dù hoạt động kinh doanh có lãi nhưng cố tình không nộp BHXH cho người lao động. 6 DN hoàn toàn không kê khai và không nộp đồng bảo hiểm nào cho 409 lao động. Còn 4 DN trích nộp BHXH thấp hơn quy định đối với 168 lao động. Hậu quả là 495 lao động tại các DN này đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng đến nay vẫn bị treo sổ, chưa thể hưởng lương hưu, BHTN và đặc biệt là không được gia hạn BHYT.

Nên coi trốn đóng BHXH là tội phạm
Hàng ngàn CNLĐ đang bị nợ đọng BHXH. Ảnh minh họa

Điều đáng nói là nhiều trường hợp khi chủ DN bỏ trốn mới phát hiện còn nợ BHXH của người lao động. Tháng 4/2014, Giám đốc người Hàn Quốc của Công ty TNHH MTV PIA Toàn Cầu (100% vốn Hàn Quốc, có trụ sở tại Q.12- TP HCM) đột ngột “mất tích” cũng đã để lại khoản nợ công nhân 2,5 tỉ đồng tiền lương và nợ 2,8 tỉ đồng tiền BHXH.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được các chuyên gia chỉ ra là mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này còn quá thấp, chế tài xử phạt nhẹ nên không đủ mức răn đe.

Đã đủ yếu tố cấu thành tội hình sự

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết: “Thời gian qua, ngoài việc yêu cầu BHXH các địa phương hàng tháng có kiểm tra và báo cáo bằng văn bản về tình hình nợ đọng BHXH trên địa bàn về BHXH Việt Nam và chuyển sang UBND tỉnh để đôn đốc kịp thời, chúng tôi đã ký kết hợp đồng hợp tác thu hồi nợ với 4 ngân hàng lớn như: VCB, BIDV, Agribank và Vietinbank nhằm truy thu nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của những DN có tài khoản tại các ngân hàng này; cung cấp đầy đủ thông tin của DN cho cơ quan BHXH; cho DN vay vốn đóng bảo hiểm với lãi suất ưu đãi... Nhờ sự phối hợp này, số nợ từ quý 3/2014 đến quý 1/2015 giảm tương đối nhưng DN vẫn tìm cách lách khi có thể như mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nên cũng khó kiểm soát”.

Tính toán của Tổ chức lao động thế giới (ILO) cho hay, nếu giữ nguyên mức thu chi như hiện hành thì tới năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thu bằng với chi và tới năm 2034 sẽ không còn nguồn để cân đối nữa. Còn theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu, BHXH VN, số tiền mà DN trốn đóng mỗi năm khiến quỹ bảo hiểm mất khoảng 56.000 tỷ đồng. Đồng thời, các DN hiện nay chủ yếu đóng bảo hiểm theo mức thấp nhất, chứ không phải dựa trên lương thực tế. Khoản chênh lệch này vào khoảng một triệu đồng khiến số thu BHXH và BHYT mất tương ứng 24.000 tỷ đồng/năm.

Vì thế, để đạt được mục tiêu giảm số nợ xuống còn 3,5% trong năm 2015, BHXH VN đang dự thảo quy trình quản lý nợ (dự kiến sẽ ban hành trong tháng 4/2015). Trong đó sẽ quy định chi tiết quy trình quản lý nợ từ cấp quận, huyện đến tỉnh thành và trung ương. Đặc biệt, quy trình này sẽ giao việc quản lý, đốc thúc cho các địa phương chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đồng thời, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định của nhà nước đối với các chủ thể là DN trong lĩnh vực này cần làm quyết liệt hơn. “Qua kiểm tra các địa phương cho thấy, tình trạng DN chây ỳ không thực hiện việc trích đóng BHXH cho người lao động là do ý thức của chủ sử dụng lao động về vấn đề này không tốt”, bà Lan khẳng định. Bởi ngay cả khi cơ quan BHXH khởi kiện DN ra tòa, TAND đã ra bản án buộc DN phải đóng tiền BHXH song DN vẫn phớt lờ hoặc bỏ trốn. Do đó, đến lúc cần phải có biện pháp mạnh và nghiêm khắc để công tác thi hành bản án trong trường hợp DN nợ tiền BHXH hay việc chấp hành pháp luật của những DN này nghiêm túc hơn.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia đề xuất nên trao thêm quyền cho BHXH như phát mại tài sản khi DN phá sản hoặc bỏ trốn (giống như ngân hàng), bên cạnh việc trao quyền thanh tra chuyên ngành cho BHXH VN để có quyền xử phạt hành vi vi phạm trong vấn đề này vừa được quy định trong luật BHXH sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/1/ 2016.

Gần đây, BHXH VN đã đề xuất bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội chây ì, trốn đóng BHXH của các DN, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH… Ngày 7/4/2015, thay mặt Chính phủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sửa đổi Bộ luật hình sự (BLHS), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chính thức đề xuất đưa hành vi trốn đóng BHXH vào BLHS (sửa đổi), coi đây là hành vi phạm tội nghiêm trọng cần phải trừng trị. Không chỉ quy định hành vi phạm tội, dự thảo BLHS cũng quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với trốn đóng BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đề xuất trên của Chính phủ nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra dự án BLHS (sửa đổi) cũng như các thành viên UBTVQH. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai còn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục phân chia tội danh chiếm dụng BHXH bên cạnh tội danh chiếm đóng BHXH khi tổ chức, doanh nghiệp trích đóng BHXH rồi nhưng vẫn chiếm dụng để phục vụ cho kinh doanh, sản xuất.

Kim Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này