Lừa đảo trong bệnh viện

Những "chiếc bẫy" táng tận lương tâm

20:01 | 10/04/2015
Có người thân phải nằm viện đã là điều quá vất vả cho bất cứ gia đình nào. Vậy nhưng còn đau khổ hơn khi những người dân quê chân lấm tay bùn ấy lại bị đám người bất lương vào tận bệnh viện để lọc lừa những đồng tiền một nắng hai sương. PV báo Lao động Thủ đô đã tìm hiểu và nhận biết mánh khóe lừa đảo của những kẻ vô lương tâm! 
Thủ đoạn lừa đảo mới trên Facebook
Mang đôla âm phủ vờ là thiếu gia Hà Thành để lừa đảo
Chiêu lừa bán xe Lexus khó tin của 'nữ quái'
Xét xử vụ lừa đảo lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long

Nỗi đau nơi cổng viện

Trong vụ tai nạn nghiêm trọng vào ngày 1/4, em Chu Văn Long (13 tuổi, học sinh lớp 7B, Trường THCS Thanh Hà, Thanh Ba, Phú Thọ) là nạn nhân nặng nhất. Long bị gãy xương đùi phải, cẳng chân trái, tổn thương gan, lá lách và xương sườn, xương chậu do bị bánh xe chèn lên. Được gia đình đưa xuống Bệnh viện Việt Đức điều trị, những tưởng tai họa của gia đình em Long sẽ dừng ở đây, nào ngờ khi chân ướt chân ráo tới cổng viện, người thân của em Long đã bị kẻ gian lừa mất sạch số tiền mang theo.

Trao đổi với PV Lao động Thủ đô, chị Trịnh Thị Liên (mẹ của Chu Văn Long) vẫn chưa hết buồn lo, thẫn thờ. Nhìn cậu con trai đang thiêm thiếp ngủ trên giường bệnh, khắp người quấn băng trắng xóa, chị Liên sụt sùi kể lại vụ việc chị và người thân bị sa vào bẫy của những kẻ mất hết lương tri khi cố tình lừa lấy đi những đồng tiền cuối cùng mà gia đình chị đã phải chạy vạy khắp nơi mới có được.

Sự việc xảy ra khoảng 19h30 ngày 4/4, lúc ấy Long mới được chuyển từ khoa Nhi Bệnh viện Việt Đức xuống khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình 2 chưa đầy 1h đồng hồ. “Đưa cháu xuống bệnh viện ngoài tôi còn có bác của cháu tên là Sơn và chị cháu là Hà. Khi bác Sơn ra ngoài mua cơm thì có một phụ nữ trạc 50 tuổi, tóc cắt ngắn lại gần hỏi chuyện. Chị ta biết rất rõ tình trạng bệnh, họ tên của cháu Long, thậm chí cả địa chỉ nhà và tên trường. Người phụ nữ này tự xưng là bác sỹ của khoa Lọc máu và nói rằng quen biết nhiều lãnh đạo của Bệnh viện Việt – Đức. Chị ta còn tỏ vẻ quan tâm và tốt bụng khi nói thấy hoàn cảnh gia đình quá đáng thương, cháu Long liên tục kêu đau nên hứa sẽ giúp đỡ nhiệt tình trong việc sắp xếp kíp mổ sớm nhất…”.

Những
Bệnh nhân Chu Văn Long đang điều trị tại bệnh viện Việt Đức

Vốn là người quê, chân chất thật thà nên chị Liên và người nhà mừng lắm khi đã gặp được “cứu tinh”. Tiếp đó người đàn bà kia tỏ vẻ quan tâm hơn khi nói nếu để chậm, bệnh trạng cháu Long sẽ chuyển biến xấu. Nếu gia đình muốn mổ sớm cho Long thì chị ta sẽ can thiệp giúp giải quyết ngay trong ngày với điều kiện là giao cho chị ta tiền chi phí phẫu thuật.

Thấy cháu đau đớn quá, anh Sơn xót ruột và tin ngay lời hứa của vị nữ “bác sỹ” nọ. Lập tức anh Sơn kéo chị Liên ra góc cầu thang “hội thảo” nhanh và quyết định thu gom toàn bộ số tiền mang theo là 10,3 triệu đồng để đưa cho “vị cứu tinh” kia. “Khi đó tôi nghĩ rằng, đã đưa con tới đây, đằng nào cũng phải phẫu thuật. Sớm lúc nào con mình đỡ đau đớn lúc ấy nên lập tức đồng ý với anh Sơn”. Sau khi gom tiền, chị Liên giao ngay cho anh Sơn và con gái để đưa “bác sĩ” đi làm thủ tục phẫu thuật. Khi ấy những con người đáng thương này chưa hay biết họ đã bị rơi vào chiếc bẫy “bất nhân” của những kẻ lừa đảo. Khi nhận tiền xong thì vị “bác sỹ” nói trên mất hút không thấy đâu nữa. Thậm chí khi gia đình chị Liên sang tận khoa Lọc máu để tìm thì tại đây cũng không có bất kỳ bác sỹ nào như vậy cả. Đến lúc này chị Liên mới hoảng hốt khi biết đã bị lừa và trình báo với bộ phận bảo vệ và cơ quan công an.

Mưu ma chước quỷ

Theo ông Hoàng Trung Đông, Đội trưởng đội bảo vệ Bệnh viện Việt - Đức, hiện nay có rất nhiều đối tượng lưu manh, lừa đảo trà trộn đóng giả làm người nhà bệnh nhân vào để lừa đảo, trộm cắp. Ngoài công tác tuần tra, giám sát, tổ bảo vệ liên tục phát loa nhắc nhở cảnh báo người dân tại nơi đăng ký khám chữa bệnh của viện tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. Đặc biệt là không tin những người lạ mạo danh bác sỹ hoặc quen biết lãnh đạo bệnh viện để cò mồi, môi giới khám nhanh, mổ sớm. Tại Bệnh viện Việt Đức tuyệt đối không có kiểu dịch vụ đóng thêm tiền sẽ được phẫu thuật trước mà lịch mổ sẽ tùy thuộc vào bệnh trạng và thời gian nhập viện của mỗi bệnh nhân.

Cũng theo ông Đông, các đối tượng xấu có rất nhiều thủ đoạn. Đơn cử, ngày 22/10/2013, anh Hoàng Mai Hà (trú tại xóm 9, Thanh Vân, Thanh Chương, Nghệ An) đang trông mẹ điều trị tại khoa Phẫu thuật thần kinh trình báo với phòng bảo vệ có một phụ nữ mặc áo blu trắng tự giới thiệu là bác sỹ có thể giúp mẹ anh mổ sớm với chi phí là 3,5 triệu đồng. Kẻ lừa đảo này sau khi ẵm của nạn nhân số tiền còn dùng số điện thoại 0914883486 nhắn lại cho anh Hà biết lịch mổ rồi biến mất. Đến ngày hẹn mà mẹ anh không được mổ, anh Hà lên thắc mắc với trưởng khoa thì mới té ngửa khi biết mình đã bị lừa.

Theo tìm hiểu của PV, hình thức phổ biến nhất là kẻ gian để ý bệnh nhân hoặc người nhà dùng điện thoại đắt tiền để tìm cơ hội ra tay. Vụ việc xảy ra ngày 10/1/2013 là một ví dụ. Lực lượng bảo vệ bệnh viện đã bắt giữ đối tượng gần 70 tuổi là Giang Mạnh Phúc (trú tại Kim Hoa, Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) đã lừa đảo điện thoại Iphone của bệnh nhân Đỗ Bích Hoa (trú tại Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Hôm đó, đối tượng Phúc ăn mặc lịch sự, đóng giả là một ông già đi chăm con cùng khoa điều trị với chị Hoa. Sau đó dùng chiêu điện thoại hết pin, cần mượn điện thoại Iphone của chị Hoa để gọi người nhà vào gấp. Phúc tranh thủ lúc chị Hoa không chú ý đã lén ra cửa rồi chuồn thẳng. Khi bị tổ bảo vệ phát hiện truy đuổi, Phúc đã định ném chiếc điện thoại ra xa để phi tang nhưng vẫn bị phát hiện và bắt giữ.

Ngoài những thủ đoạn trên còn một chiêu khác mà đôi khi các nạn nhân cũng sập bẫy là chiêu nhờ mua thuốc. Ngày 7/8/2013, anh Nguyễn Bá Hệ (trú tại Nguyên Giáp, Tứ Kỳ, Hải Dương) được một phụ nữ tới làm quen và tự nhận là đồng hương. Chị này hỏi han tình trạng bệnh tật của người thân anh Hệ rất kỹ rồi tự giới thiệu hiện đang làm tại khoa Thận lọc máu có thể giúp anh mua thuốc với giá ưu đãi tới 50%. Tin lời vị bác sỹ, anh Hệ đã giao cho chị ta số tiền 6,3 triệu đồng rồi chờ dài cổ nhưng không bao giờ thấy vị “bác sỹ” kia quay lại như đã hẹn.

Quay trở lại vụ việc gia đình chị Liên. Có lẽ, với nhiều người, số tiền hơn 10 triệu đồng không phải là lớn, nhưng với gia đình chị Liên thì để có được khoản tiền ấy chị đã phải vay nóng của những người quen biết. Chồng bị tai nạn không còn sức khỏe lao động, giờ đây miếng cơm manh áo của gia đình phụ thuộc cả vào chị Liên. Sau khi bị cú lừa “sạch như chùi”, chị Liên vội về quê bán ngay tài sản có giá trị nhất trong nhà là con bò rồi vội vàng mang tiền xuống Hà Nội chạy chữa cho con.

Để không dính bẫy của các đối tượng lừa đảo, trộm cắp, người dân khi tới bệnh viện đặc biệt cần cảnh giác, chú ý lắng nghe những thông báo bệnh viện phát trên loa hay các bảng hướng dẫn hoặc cẩn thận hơn nên tìm đến phòng bảo vệ để tìm hiểu nhanh những thủ đoạn mà kẻ xấu thường áp dụng nhằm tránh những tính huống đáng tiếc xảy ra.

Phước Long -Ngô Hùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này