Vụ giúp tỷ phú Việt kiều thâu tóm DNNN ở Tiền Giang

Tại sao hơn 5 năm mới công bố kết quả xử lý?

11:24 | 09/04/2015
Sai phạm trong thương vụ giúp cho đại gia Việt kiều Mỹ Hoàng Kiều thâu tóm Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang (Tigi Tour) từng ầm ĩ trên báo chí hơn 5 năm trước, giờ mới chính thức được Tỉnh ủy Tiền Giang ra thông báo.
Tiền Giang: Bắt đối tượng giả nhà sư đi lừa đảo
Tiền Giang: Ghi số đề trên vé số kiến thiết
Tiền Giang: Xử phạt 65 quái xế tham gia 'bão đêm'

Sai phạm nghiêm trọng

Theo quyết định kỷ luật được Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang vừa công bố ngày 6/4, hai thủ phạm được xác định giúp đại gia Hoàng Kiều thâm tóm trọn Tigi Tour là ông Trần Thanh Tiến - nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), nguyên tổng giám đốc Tigi Tour và ông Ngô Hoài Nam, nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn, dịch vụ tài chính trực thuộc Sở Tài chính tỉnh.

Theo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, những sai phạm, khuyết điểm của hai vị cán bộ này được xác định xảy ra trong giai đoạn 2008-2010, khi làm lợi cho đại gia Hoàng Kiều và gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội. Cụ thể, từ năm 2006-2009, Tigi Tour đã tổ chức ba lần bán đấu giá cổ phần vốn nhà nước ra bên ngoài. Cả ba lần ông Tiến đều tham gia với tư cách được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là thành viên bán đấu giá, xét kết quả đấu giá. Trong lần thứ hai bán 147.000 cổ phần năm 2006, giá sàn được xác định là 11.600 đồng/cổ phần. Có 29 người tham gia. Kết quả người trúng đấu giá cao nhất là 60.100 đồng/cổ phần, người thứ hai là 55.100 đồng/cổ phần. Sau đó người mua cao nhất từ chối mua. Lẽ ra phải chọn bán cho người thứ hai thì ông Tiến và các thành viên trong hội đồng lại đề nghị cấp trên cho đấu giá lại với giá sàn chỉ 45.100 đồng/cổ phần. Chỉ có hai người tham gia và người trúng đấu giá chỉ bỏ cao hơn giá sàn 100 đồng/cổ phần. Người đó không ai khác là ông Hoàng Kiều. Ở thương vụ này, ông Tiến đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1,5 tỉ đồng.

Tại sao hơn 5 năm  mới công bố kết quả xử lý?
Công trình thi công dang dở tại cù lao Thới Sơn để tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010

Sau việc dàn xếp giúp ông Hoàng Kiều mua được cổ phần, ông Tiến tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho ông Hoàng Kiều thâu tóm Tigi Tour. Đến tháng 3/2010, toàn bộ cổ phần công ty này đã thuộc về gia đình ông Hoàng Kiều. Chưa dừng ở đó, từ tháng 4/2008 đến tháng 4/2009, ông Tiến với vai trò là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Tigi Tour đã mở tài khoản cá nhân tại ngân hàng để nhận tiền của ông Hoàng Kiều chuyển từ nước ngoài về mua hơn 5,4ha đất của người dân tại cù lao Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).

Còn ông Ngô Hoài Nam được xác định có hành vi sai phạm trong quá trình bán đấu giá 147.000 cổ phần nhà nước tại Tigi Tour và là đồng phạm cùng ông Tiến đã gây thiệt hại cho ngân sách gần 1,5 tỉ đồng. Ông Nam cũng là người đề xuất cho UBND tỉnh chọn giá thầu khởi điểm xuống 45.100 đồng/cổ phần (giảm 10.000 đồng/cổ phần). Trong thương vụ giúp gia đình ông Hoàng Kiều thâu tóm trọn Tigi Tour nổi lên sự hoài nghi về cái bắt tay của ông Tiến và ông Nam. Trong lần bán đấu giá 30% cổ phần nhà nước còn lại (210.000 cổ phần) sau đó thì ông Hoàng Sammy Hùng (con ông Hoàng Kiều) đã trúng đấu giá chỉ với 36.000 đồng/cổ phần. Khi nắm 51% cổ phần chi phối công ty thì cha con ông Hoàng Kiều tiếp tục thu gom 20% cổ phần bán ra lần đầu và 20% cổ phần ưu đãi bán cho cán bộ, nhân viên công ty. Ngay cả ông Trần Thanh Tiến cũng đã bán hết cổ phần cho ông Hoàng Kiều.

“Hạ cánh” an toàn?

Mặc dù sai phạm và gây thiệt hại cho Nhà nước chỉ xác định trong thương vụ trao Tigi Tour cho gia đình ông Hoàng Kiều khoảng 1,5 tỉ đồng, song hai ông Tiến và Nam chỉ nhận hình thức kỷ luật. Ông Tiến bị cảnh cáo còn ông Nam bị khiển trách. Riêng hành vi sai phạm của ông Tiến được xác định rõ, ngoài việc gây thất thoát cho nhà nước số tiền tỉ nói trên thì còn là một số hành vi khác như mở tài khoản giao dịch tiền, vàng với người nước ngoài (ông Hoàng Kiều) với số lượng lớn không báo cáo tổ chức; thiếu trung thực trong kê khai tài sản và thu nhập; để vợ con trốn thuế kinh doanh.

Chưa hết, theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, cơ quan này còn phát hiện trong thời gian từ năm 2008-2009, ông Trần Thanh Tiến có nhận chuyển số tiền 12 tỉ đồng vào sổ tiết kiệm cá nhân do ông đứng tên. Cũng trong thời gian này, ông Tiến còn được một cổ đông sau này là chủ tịch HĐQT Tigi Tour “tặng” một thửa đất rộng 1.680m2 (ở khu vực phường 9, thành phố Mỹ Tho). Mặc dù nghi ngờ về tính minh bạch của số tiền này nhưng cả cơ quan điều tra và Ủy ban kiểm tra không làm rõ được nên chỉ kết luận ông Tiến nhận đất và tiền của người có liên quan đến công việc mình đang quản lý, giải quyết là vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng. Hành vi của ông Tiến vi phạm quy định của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ, vi phạm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của đảng viên và vi phạm Luật đất đai.

Tại sao vấn đề được xem là nghiêm trọng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng và xảy ra khá lâu tại Tiền Giang nhưng tại sao đến giờ Tỉnh ủy mới công bố kết quả kỷ luật với hai vị cán bộ? Theo ông Đoàn Thanh Liêm - Giám đốc Sở Nội vụ Tiền Giang trả lời với báo chí thì sau những vụ “lùm xùm” của ông Hoàng Kiều mà truyền thông nêu dồn dập thời điểm năm 2010, tỉnh đã điều ông Trần Thanh Tiến về Sở Nội vụ để phục vụ cho công tác điều tra của cơ quan công an vào tháng 6/2010 (ông Tiến là cán bộ do tỉnh ủy quản lý). Vụ việc cho đến hôm nay mới xử lý dứt điểm được là do trong quá trình kiểm tra, ông Tiến….không trung thực, giải trình quanh co. Và suốt thời gian đó cho đến nay, Sở Nội vụ không phân công ông Tiến làm gì hết mà chỉ ngồi không để…giải trình. Và khi có quyết định kỷ luật, ngày ông Tiến nghỉ hưu chỉ còn 8 tháng.

Có thể nói thời điểm trước khi xảy ra thương vụ lùm xùm này, cái tên Hoàng Kiều nổi lên như một đại gia giàu có và chịu chơi. Sinh ra tại Việt Nam, ông sang Mỹ định cư năm 1975 và hiện sống ở Los Angeles (Mỹ). Tỷ phú này bắt đầu sự nghiệp tại phòng thí nghiệm của Abbott ở Newbury Park (bang California, Mỹ). Khởi nghiệp từ năm 1980, sau một thời gian, ông được quản lý phòng thí nghiệm đầu tiên về huyết tương đạt chuẩn của Cơ quan Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA). Năm 1989, ông sáng lập và là chủ tịch tập đoàn thành lập Rare Antibody Antigen Supply (RAAS) và bắt đầu mua hàng loạt trung tâm huyết tương tại Mỹ. Năm 1987, ông Hoàng Kiều đầu tư sang Trung Quốc bằng cách hợp tác với Trung tâm Huyết học Thượng Hải (Shanghai Blood Center). Năm 1992, sau nhiều năm phân phối albumin (protein quan trọng nhất trong huyết thanh) nhập ngoại, ông thành lập Shanghai RAAS Blood Products, hãng chuyên nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối các sản phẩm huyết học. Sản phẩm chính là albumin, immunoglobulin (một loại thuốc kháng thể) và các chất làm đông máu.

Sau khi bị phanh phui ở thương vụ Tigi Tour, ông Hoàng Kiều đã chuyển nhượng hết cổ phần Tigi Tour cho người bà con và rút hoàn toàn khỏi công ty này từ tháng 7/2013.

Trần Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này