Giải tỏa chợ cóc, chợ tạm: Cần giải pháp đồng bộ

10:45 | 08/04/2015
Hà Nội đã quyết liệt với việc dẹp chợ cóc, chợ tạm nhưng chỉ được một thời gian ngắn đâu lại vào đấy. Nhiều người cho rằng, nếu không giải quyết được gốc rễ của vấn đề thì tình trạng chợ cóc, chợ tạm sẽ vẫn còn tái diễn.
Kiên quyết giải tỏa chợ cóc, chợ tạm
Chợ cóc cản trở giao thông
Chợ cóc “quây” bệnh viện

Một lý do khiến chợ cóc vẫn tồn tại, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đó là do quá thiếu chợ dân sinh. Sau khi giải tỏa chợ cóc, các quận, huyện không đủ địa điểm, diện tích để bố trí các hộ đang kinh doanh tại các tụ điểm di chuyển vào, nhất là trong khu vực nội thành. Mặc dù Hà Nội đã xây dựng một số chợ truyền thống thành trung tâm thương mại trị giá vài trăm tỷ đồng, nhưng do bố trí gian hàng không hợp lý, giá thuê đắt, người tiêu dùng phải gửi xe máy khi vào, khiến các trung tâm thương mại này ế ẩm.

Trên thực tế, ở nhiều nơi người dân thực sự có nhu cầu nhưng lại chưa được đáp ứng nên phát sinh chợ cóc, chợ tạm. Chị Trần Thanh Vân, bán rau tại chợ cóc Trung Tự cho biết, chị đã nhiều lần di chuyển quanh các khu chợ tạm ở gần đây, không chỗ nào ngồi được lâu vì cứ được một thời gian là chính quyền dẹp bỏ. “Vẫn biết mình ngồi bán hàng ở đây không ổn nhưng nếu di chuyển sang chỗ khác thì vắng khách. Khu vực này đông dân cư, nhu cầu mua bán của người dân cao nên cũng đành “tặc lưỡi” để mưu sinh” - Chị Vân bộc bạch.

Chuyên bán rau củ tại chợ cóc này, chị Nguyễn Thị Loan chia sẻ, “Tôi rất lo khi biết Hà Nội quyết dẹp chợ cóc. Hầu hết mọi người bán hàng ở đây đều buôn bán nhỏ lẻ, ít vốn, nên không có tiền thuê sạp hàng trong chợ, chúng tôi mong thành phố có những giải pháp phù hợp vừa thuận tiện cho người dân cũng như giúp chúng tôi có chỗ mưu sinh”. Thực hiện năm trật tự và văn minh đô thị UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ thị rà soát, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm báo cáo TP trước ngày 15/4. Theo đó yêu cầu các quận, huyện, thị xã, lập kế hoạch đăng ký chỉ tiêu giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, nhất là đối với các tụ điểm dọc quốc lộ, tỉnh lộ, đầu mối giao thông. Tinh thần chỉ đạo của thành phố khá quyết liệt, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên, từ thực tế trong thời gian qua, rất cần những cách làm sáng tạo, thiết thực, sâu sát để đạt sự đồng thuận.

Giải tỏa chợ cóc, chợ tạm: Cần giải pháp đồng bộ

Hàng bày bán tràn xuống cả lòng đường, hè phố gây mất vệ sinh và ANTT.

Theo ông, Đinh Quốc Trung, Phó chủ tịch UBND phường Trung Tự, chợ cóc Trung Tự đã nhiều lần bị dẹp bỏ, chính quyền phường ra quân quyết liệt nhưng cũng chỉ được vài ngày sau đó, kẻ bán người mua lại tấp nập. Nguyên nhân là do xung quanh toàn nhà tập thể, dân cư tập trung đông và người dân có nhu cầu mua bán cao. Nếu không có chỗ này, người dân sẽ phải di chuyển rất xa thì mới mua được thực phẩm hàng ngày, trong bối cảnh mọi người đều bận bịu với công việc và con cái nên tâm lý “tranh thủ” thường trực, khiến cho chợ cóc dẹp mà không xóa được. UBND phường đã rà soát và lập danh sách chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn để báo cáo quận, phương án như thế nào thì vẫn còn chờ chỉ đạo. Trước mắt, phường sẽ “quản” để chợ không phát sinh tình trạng gây mất vệ sinh và an ninh trật tự”, ông Trung cho biết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, có lẽ Hà Nội nên thay biện pháp “cấm” thành “quản”, bố trí một số khu đất trống chưa sử dụng làm chợ tạm, có BQL để giữ trật tự vệ sinh môi trường, hoặc lập tổ tự quản từ chính các hộ kinh doanh. Cần áp dụng mức phí hợp lý, vừa phải với những hộ kinh doanh trong khu vực chợ này, bởi nếu thu phí cao thì sẽ không giữ họ ở lại lâu, rồi họ lại ra vỉa hè. Ngoài ra, TP cũng có thể lấy một quận làm thí điểm để rút kinh nghiệm, đánh giá, tìm ra cơ chế phối hợp hiệu lực, hiệu quả từ đó triển khai, mở rộng ra toàn thành phố.

Địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm chợ cóc, chợ tạm tự phát, dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vào cuộc, nhưng nếu không có biện pháp giải quyết phù hợp thì rất khó dẹp bỏ. Điều đáng nói, dù Hà Nội đã xây dựng một số chợ truyền thống thành trung tâm thương mại trị giá vài trăm tỷ đồng, như Trung tâm thương mại chợ Mơ, Trung tâm thương mại chợ Hàng Da, Trung tâm thương mại Cửa Nam…, nhưng do bố trí gian hàng không hợp lý, giá thuê đắt nên hoạt động kinh doanh tại các công trình chợ kết hợp trung tâm thương mại nói trên hầu như không hiệu quả, chưa thu hút được người dân đến đây mua bán.

Đô thị văn minh, hiện đại thì không thể để tình trạng chợ cóc, chợ tạm phát triển tràn lan, tự phát. Do đó cùng với việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng, nâng cấp, bổ sung những chợ dân sinh phù hợp, đáp ứng nhu cầu mua bán, sinh hoạt của người dân, bảo đảm đúng công năng, yêu cầu và cả điều kiện hạ tầng. Được biết, hiện nay trên địa bàn có 426 chợ, trong đó có 160 chợ tại khu vực thành thị (chiếm trên 37%), 266 chợ tại khu vực nông thôn (chiếm trên 62%). Theo tiêu chuẩn phân hạng chợ, Hà Nội có 14 chợ hạng một, 68 chợ hạng hai, 309 chợ hạng ba và 35 chợ chưa phân hạng.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này