Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cá nhân được bảo mật thông tin như thế nào?

08:21 | 07/04/2015
 Là câu hỏi mà nhiều đại biểu nêu ra liên quan đến Dự thảo Luật An toàn thông tin vừa được Ban soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 37 diễn ra sáng 6/4.
Cẩn trọng biến tướng trong hành vi đánh cắp tài khoản cá nhân

Lý do phải tiến hành soạn thảo dự luật trên, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son chưa bao giờ mạng Internet trở thành trung tâm của nền kinh tế - xã hội của mọi quốc gia như hiện nay. Tuy nhiên, mạng Internet cũng đang trở thành môi trường cho những mối đe dọa mới mà chúng ta phải tìm cách vượt qua, đó là bài toán an ninh mạng.

Do đó, cần xây dựng Luật An toàn thông tin nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Mục tiêu của dự thảo Luật như vậy song vấn đề mà đại biểu quan tâm làm thế nào để bảo mật thông tin; đặc biệt là thông tin cá nhân trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những vụ tấn công mạng bởi những hắc- kơ được đào tạo chuyên nghiệp.

Về phạm vi điều chỉnh, dẫu nội hàm của an toàn thông tin là khái niệm rất rộng, trong khi đó nội dung dự thảo chủ yếu đề cập đến an toàn thông tin trên mạng; vì vậy nhiều đại biểu đặt vấn đề dự thảo Luật phải làm thế nào điều tiết, quản lý được tất cả những xa lộ thông tin đang có hiện nay, nhưng đồng thời phải đảm bảo quyền tự do thông tin của cá nhân.

Về vấn đề này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân, nên nếu chúng muốn quản lý và đề ra những mục gọi là cấm thì dự thảo phải ghi rõ, sao cho phù hợp với Hiến pháp hiện hành”.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý Luật liên quan đến việc triển khai Hiến pháp và có sự liên quan nhiều luật, đặc biệt là luật dân sự nên cần nghiên cứu để quy định cho chặt chẽ. Phó Chủ tịch nhấn mạnh: “Quyền tiếp cận thông tin và thông tin là quyền cơ bản của con người. Các quy định đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng không được ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền con người và trật tự xã hội”.

Theo chương trình, tại phiên họp thứ 37 UBTVQH cho ý kiến về 5 dự án Luật gồm: dự án Luật An toàn thông tin; dự án Luật Phí, lệ phí; dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý 4 dự án luật gồm: dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. UBTVQH cũng sẽ nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) tại Hà Nội; cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH, UBTVQH năm 2016; các Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình và thị xã Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh; nghe Đoàn giám sát của UBTVQH báo cáo về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này