LĐLĐ Thành phố gặp mặt công nhân bị tai nạn lao động:

Sẻ chia để vượt qua nỗi đau

11:58 | 03/04/2015
Chiều ngày 2/4/2015, LĐLĐ Thành phố  tổ chức buổi gặp mặt 60 CNLĐ và thân nhân của CNLĐ bị tai nạn lao động nặng, chết người. Đây là hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ - PCCN lần thứ 17 năm 2015 đồng thời thể hiện sự quan tâm, sẻ chia thiết thực của tổ chức CĐ Thủ đô với những CNLĐ bị TNLĐ và người thân của họ,  động viên  họ vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Tai nạn lao động: Còn đó những nỗi đau khôn nguôi

Tận cùng những nỗi đau

Vóc dáng rụt rè, khắc khổ, gương mặt như còn thảng thốt, đượm buồn, những CNLĐ và người nhà CNLĐ bị TNLĐ nặng đến với buổi gặp mặt bằng niềm xúc động vì được quan tâm, thăm hỏi nhưng cũng mang theo cả những nỗi đớn đau, mất mát còn nguyên vẹn. Gặp những người có cùng cảnh ngộ, và lại được hỏi han, chia sẻ, những nỗi niềm chất chứa trong lòng họ có dịp vỡ òa.

Ngồi lặng lẽ ở một góc hội trường và cố gắng kìm nén tiếng nấc nghẹn, nhưng những hàng nước mắt vẫn liên tục tuôn trào trên gương mặt của chị Nguyễn Thị Nhài. Chỉ mới hai tuần từ ngày TNLĐ xảy ra khiến chồng Nhài là anh Cao Văn Thành - công nhân Công ty cổ phần Sao Việt (địa bàn huyện Thường Tín) tử vong tại chỗ, nên nỗi đau vẫn còn quá lớn trong lòng khiến chị chưa thể bình tâm để chia sẻ bất cứ điều gì. Bà Đỗ Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Thường Tín kể: Nhài là cán bộ của trung tâm y tế huyện Thường Tín, còn chồng Nhài quê ở Thanh Hóa. Hai vợ chồng mới có một cháu trai 28 tháng tuổi. Vì quê chồng ở xa, lương công nhân của Thành và lương nhân viên trung cấp của Nhài thấp nên cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng phải nhờ ông bà ngoại cho mảnh đất phần trăm để cất căn nhà cấp 4 làm chỗ an cư. "Vừa mới vay mượn, nhờ vả cất được căn nhà nhỏ chưa được bao lâu, vợ chồng bảo nhau phải cố gắng làm ăn để trả nợ rồi dần dần phấn đấu xây dựng cuộc sống... thế mà anh ấy lại đột ngột ra đi để lại mẹ con em bơ vơ thế này, giờ em cũng không biết sẽ sống ra sao"- Nhài nói trong tiếng nấc nghẹn.

Đối với Bùi Thị Hiền- công nhân công ty cổ phần Kim Khí Thăng Long, cái ngày định mệnh khiến cô bị dập nát đôi bàn tay đã diễn ra từ 4 năm trước (tháng 3/2011), nhưng khi nhắc lại, cô vẫn không giấu được sự bàng hoàng, thảng thốt. Hiền kể: "Ngày đó tôi mới vào làm tại phân xưởng cấp phôi của công ty được 20 ngày. Do là công nhân mới, chưa nắm vững quy trình, kỹ thuật lao động nên tôi đã sơ suất trong thao tác máy đột dập và bị máy cuốn dập nát hai bàn tay". Trải qua quá trình điều trị đầy gian nan, thử thách, hiện tại Hiền đã phục hồi được một bàn tay, còn một nửa bàn tay kia bị đứt lìa vĩnh viễn. "Dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tai nạn này cũng để lại nỗi đau tinh thần, thể chất không bao giờ nguôi đối với tôi bởi bây giờ, tôi không còn khả năng lao động sản xuất như trước, không tự lập được trong nhiều công việc và sinh hoạt hàng ngày mà phải dựa vào người thân trong gia đình"- Bùi Thị Hiền bộc bạch.

Cũng may, bên Hiền luôn có tình yêu thương của gia đình, sự quan tâm, thăm hỏi động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất của công ty và tổ chức CĐ, chẳng hạn như công ty đã sắp xếp cho chị làm công việc phù hợp với sức khỏe ở bộ phận kiểm hàng, còn tổ chức CĐ thường xuyên thăm hỏi, gặp mặt, tặng quà, động viên nên Hiền cũng được tiếp thêm niềm tin, nghị lực vượt lên trong cuộc sống. “Tôi vô cùng xúc động khi được đến dự buổi gặp mặt hôm nay. Món quà về vật chất dù chỉ một đồng cũng là rất quý báu, thiết thực đối với những người CNLĐ như tôi, nhưng điều quan trọng hơn là chúng tôi cảm thấy không bị bỏ rơi, mà được quan tâm, chia sẻ, được bù đắp những mất mát. Tôi rất cám ơn LĐLĐ Thành phố Hà Nội…”- Bùi Thị Hiền xúc động chia sẻ.

Tại buổi gặp mặt, 60 công nhân bị TNLĐ nặng và thân nhân của CNLĐ bị tử vong vì TNLĐ đã LĐLĐ Thành phố tặng một túi quà và 1.500.000 đồng.

Còn nhiều nữa những ký ức được tái hiện, những tâm tư, nỗi niềm được sẻ chia. Đồng thời cũng bộc bạch, được sự quan tâm của LĐLĐ Thành phố là sự sự bù đắp thiết thực nhất cho những mất mát, thiệt thòi mà họ đã phải gánh chịu. Và, dù mỗi câu chuyện một khác, mỗi nỗi niềm một khác, nhưng tất cả họ đều có chung thông điệp gửi tới các cơ quan, ban ngành chức năng và các doanh nghiệp: Hãy coi trọng, hãy quan tâm hơn nữa tới sức khỏe, tính mạng của người lao động, hãy chú trọng hơn tới việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, đẩy lùi nguy cơ TNLĐ.

Công đoàn luôn sát cánh người lao động

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đặng Thị Phương Hoa bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc nhất đối với những đau thương, mất mát, khó khăn mà những CNLĐ bị TNLĐ nặng cũng như gia đình họ phải gánh chịu. Phó Chủ tịch Đặng Thị Phương Hoa trăn trở: "Dù đã có nhiều cố gắng, song tình hình TNLĐ- Cháy nổ trên địa bàn cả nước nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng thời gian qua vẫn còn là một vấn đề xã hội bức xúc cần phải được giải quyết. TNLĐ đã để lại nỗi đau cho hàng vạn gia đình CNVCLĐ, có những gia đình đã mất đi người thân yêu nhất, có những người đã phải mang di chứng thương tật suốt đời. Họ đều là những trụ cột, là lực lượng lao động chính". Cũng theo Phó Chủ tịch Đặng Thị Phương Hoa, trong những năm qua, tổ chức CĐ Thủ đô với chức năng và nhiệm vụ của mình đã luôn sát cánh cùng với CNVCLĐ nói chung và những CNVCLĐ không may bị TNLĐ nói riêng vượt qua khó khăn thử thách. Hàng năm, CĐ Thành phố đã đến thăm hỏi, hỗ trợ, động viên trên 1700 trường hợp CNLĐ bị TNLĐ. Bên cạnh đó, LĐLĐ Thành phố cũng đã tích cực phối hợp điều tra, kết luận 100% các vụ TNLĐ nghiêm trọng, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. “Tôi tin tưởng rằng với truyền thống giai cấp, tinh thần tự lực, tự cường, các đồng chí chắc chắn sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống, nỗ lực cố gắng vươn lên, tiếp tục đóng góp cho xã hội”. Phó Chủ tịch Đặng Thị Phương Hoa khẳng định.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này