Dở khóc, dở cười với biển báo giao thông

11:56 | 03/04/2015
Biển báo giao thông là để hướng dẫn người tham gia giao thông thực hiện đúng luật, đảm bảo an toàn nhưng theo phản ánh của người dân, hệ thống biển báo của thành phố đang lộ rõ nhiều bất cập khiến người tham gia giao thông cảm giác như bị “bẫy”.
Hà Nội: Người đi đường phải dùng “ống nhòm” nhìn biển báo giao thông

Những cái “bẫy”ngọt ngào

Trên đường vành đai 3 đoạn rẽ ra Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, tồn tại biển báo bất hợp lý gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Từ đường vành đai 3, nếu muốn rẽ phải sang Nguyễn Trãi các phương tiện sẽ được hướng dẫn đi vào làn trong (tức là leo lên vỉa hè), còn nếu đi ở làn ngoài phải đi thẳng. Những ai đã quen với cung đường này sẽ không sa vào “bẫy”, còn nếu chưa quen chắc chắn bị “tuýt còi”. Ngoài ra, việc thay đổi biển báo thường xuyên (2-3 tuần/ lần) tại khu vực này cũng khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi di chuyển.

Tương tự, từ đường Lê Văn Lương muốn rẽ phải sang Đường Láng, người đi đường được “hướng dẫn” đi lên trên vỉa hè để tránh ùn tắc, từ đó dẫn đến tình trạng cả đoàn xe kéo dài nối đuôi nhau đi trên vỉa hè trong khi đường ở dưới lại thông thoáng. Hay tại ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học (Văn Miếu - Hà Nội) trước đây được kẻ vạch chéo tại phần đường dành cho các phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ. Nhưng sau này chiếc biển báo “Đèn đỏ các phương tiện được phép rẽ phải” đã bị tháo bỏ, cột đèn được lắp thêm đèn rẽ phải nhưng chỉ bật xanh khi đèn đỏ chạy qua khoảng 10 giây. Chính điều này làm nhiều người tham gia giao thông bị “bẫy”, vì các phương tiện muốn rẽ phải sẽ phải chờ đèn đỏ ngay trên vạch này. Xét về luật thì người tham gia giao thông rẽ phải hay dừng xe chờ đèn cũng là vi phạm. Đi thì bị bắt vì lỗi vượt đèn đỏ, dừng thì vi phạm lỗi dừng đỗ trên phần đường không cho phép.

Dở khóc, dở cười  với biển báo giao thông
Ngã tư Văn Miếu – Nguyễn Thái Học, người tham gia giao thông có cảm giác bị “bẫy”.

Không chỉ trên các tuyến đường nội đô, tuyến đường mới cao tốc Nhật Tân – Nội Bài cũng có những biển báo “khó hiểu” tương tự. Theo anh Nguyễn Quốc Long (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đoạn đường Võ Văn Kiệt, từ ngã tư giao đường 2 vào sân bay Nội Bài cũng là cái bẫy ngọt ngào. Đường dành riêng cho ô tô, 3 làn xe 1 làn đỗ dừng theo tiêu chuẩn cao tốc nhưng lại cắm biển khu đông dân cư. Đường đang có làn xe máy thẳng tắp đến đây thì đột ngột hết làn xe máy nhưng lại không có biển cấm xe máy, xe mô tô, xe thô sơ. Ngoài ra, cũng không rõ vì sao 3 biển ô tô lại được dồn về 1 làn chứ không thẳng dưới 3 làn, cũng như không có mũi tên chỉ dẫn khiến người dân cảm thấy rất mơ hồ.
Đây chỉ là một vài thí dụ nhỏ trong đầy rẫy câu chuyện “dở khóc dở cười” về sự bất cập của biển báo giao thông hiện nay ở khắp các tuyến đường trong thành phố.

Cần sự đồng bộ

Lâu nay, nhiều người nhầm tưởng, những biển báo bất hợp lý do cảnh sát giao thông cắm, nhằm “bẫy” người dân. Thực chất, việc cắm biển báo là nhiệm vụ của ngành giao thông, lực lượng CSGT chỉ là người thực thi nhiệm vụ, xử phạt vi phạm người tham gia giao thông trên cơ sở căn cứ vào biển báo ở các tuyến đường. Theo Thượng úy Phạm Văn Chiến, Đội phó đội CSGT số 3 cho biết, nút giao thông Lê Văn Lương – Đường Láng thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm, Đội CSGT số 3 cũng đã phải bố trí 1 chốt trực thường xuyên tại khu vực này, đồng thời Sở GTVT cũng phải bố trí xây cầu vượt để giảm tình trạng trên. Về nguyên tắc các phương tiện tham gia giao thông phải tuân thủ các hiệu lệnh theo thứ tự là: Hiệu lệnh của CSGT, đèn tín hiệu giao thông, biển báo và vạch kẻ đường. Chính vì đoạn đường này thường xuyên ùn tắc nên các phương tiện vẫn được “linh động” di chuyển trên vỉa hè cầu vào các giờ cao điểm, còn bình thường thì không được. Đội 3 cũng đã kiến nghị cần có biển báo cụ thể ở khu vực này, việc để đèn tín hiệu giao thông không rõ ràng (đèn để sát thành cầu) và vạch sơn “phân làn” trên vỉa hè cầu khiến người đi đường dễ bị hiểu lầm. Do đó thường xuyên xảy ra tình huống đường dưới lòng cầu thì thênh thang nhưng trên vỉa hè cả đoàn xe xếp hàng dài, nhiều tài xế đến khi bị “tuýt còi” cũng không biết mình vi phạm lỗi gì.

Hệ thống biển báo, đèn tín hiệu trên các tuyến đường đều do sở GTVT quản lý, trong khi điều tiết hoạt động giao thông lại do lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện, dẫn đến sự không thống nhất trong việc điều hành giao thông. Trao đổi với PV LĐTĐ, Luật sư Trịnh Nam Ninh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Nghị định 71/2012 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức xử phạt đối với người điều khiển xe mà không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố từ 200.000 - 400.000 đồng. Đối với việc vi phạm xảy ra tại khu vực nội thành của TP, mức xử phạt sẽ tăng lên 400.000 - 800.000 đồng. Như vậy, lỗi vi phạm di chuyển trên vỉa hè là lỗi nặng, không rõ vì sao sở GTVT Hà Nội lại bố trí những biển chỉ dẫn “khó hiểu” như vậy.

Ðể sửa đổi những bất cập hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, cần làm biển báo lớn hơn và để trên cao ngang đường cho lái xe dễ quan sát từ xa. Ðồng thời, ngành giao thông cần nghiên cứu, đánh giá lại tính khả thi, hiệu quả của hệ thống biển báo giao thông hiện nay, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tế và nhu cầu của người dân. Việt Nam đã được Liên hợp quốc chấp nhận tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ, chính vì vậy các biển báo cũng cần phải theo các quy định quốc tế, tránh việc đánh đố hay “bẫy” người đi đường.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này