Nhân lực ngành du lịch: Đã sẵn sàng cho hội nhập khu vực?

22:52 | 03/04/2015
Năm 2015 đánh đấu bước phát triển mới trong hợp tác phát triển du lịch ASEAN bởi thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch sẽ chính thức có hiệu lực. Đây sẽ là nền tảng để tăng cường chuyển dịch lao động trong ngành du lịch giữa các nước ASEAN, cân bằng cung cầu đối với các nghề du lịch. Đồng thời, sự ra đời của tiêu chuẩn nghề chung khu vực cho 32 chức danh nghề trong lĩnh vực này khiến sức ép cạnh tranh cơ hội việc làm  của lao động Việt Nam ngày càng lớn nếu không chủ động nâng cao năng lực của chính mình…
Nhân lực cho hội nhập
Thị trường lao động năm 2015: Chú trọng chất lượng nhân lực

30 -70% nhân sự không đạt chuẩn ngoại ngữ

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm, 346 lượt cơ sở tham gia đào tạo du lịch cho khoảng 22.000 lượt người ra trường với trình độ từ sơ cấp đến sau ĐH. Thế nhưng, nhân lực có trình độ ĐH và sau ĐH chỉ chiếm 3,2% tổng số nhân lực, còn trình độ sơ cấp (dưới 3 tháng) chiếm tới 45%. Điều này cho thấy nhân lực của ngành vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ (kiến thức lịch sử văn hóa, ngoại ngữ), lại vừa thiếu kỹ năng mềm. Đơn cử, việc sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ trong công việc này là tất yếu nhưng số lao động biết tiếng Anh và có khả năng tạm đáp ứng được nhu cầu chỉ chiếm 52%, còn số người biết tiếng Pháp chỉ đáp ứng được 27%, tiếng Trung là 26%, tiếng Nhật 17%, tiếng Hàn 8%, tiếng Thái 7%. Điều đáng nói, tỷ lệ lao động biết ngoại ngữ lại là những người tốt nghiệp từ các trường không đào tạo về ngành du lịch.

Thậm chí, một cuộc khảo sát mới đây của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM cho thấy, có tới 30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70 - 80% nhân viên lễ tân nhà hàng trên địa bàn không đạt chuẩn ngoại ngữ. Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng… nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ. Trình độ ngoại ngữ yếu, kỹ năng nghiệp vụ còn thiếu cũng diễn ra phổ biến ở các địa phương khác như Hà Nội, Quảng Ninh… khiến các đơn vị du lịch lữ hành cũng như du lịch VN khó có thể khai thác được triệt để nguồn lợi từ du khách nước ngoài cũng như không thể quảng bá chuyên sâu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…

Nhân lực ngành du lịch: Đã sẵn sàng  cho hội nhập khu vực?
Ảnh minh họa

Như vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự cạnh tranh gay gắt của ngành “công nghiệp không khói” và đặc biệt, năm 2015 này đánh đấu bước phát triển mới trong hợp tác phát triển du lịch ASEAN bởi Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch sẽ chính thức có hiệu lực. Đây sẽ là nền tảng để tăng cường chuyển dịch lao động trong ngành du lịch giữa các nước ASEAN, cân bằng cung cầu đối với các nghề du lịch. Điều này có nghĩa là những người lao động của Việt Nam có thể sang làm việc tại các nước ASEAN và ngược lại, người lao động trong khối ASEAN có thể sang làm việc tại Việt Nam.

Theo Tổng cục Du lịch, từ chỗ chỉ có 12.000 lao động vào năm 1990 đến nay ngành du lịch đã có 1,8 triệu lao động, trong đó lao động trực tiếp là 570.000 người, chưa tính đến lao động liên quan và lao động không chính thức. Mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Cấp thiết nâng cao chất lượng nhân lực du lịch

Đây được coi là lộ trình để phát triển và triển khai thực hiện nghề du lịch ở cấp quốc gia. Bởi việc triển khai Thỏa thuận trên ở nước ta sẽ vừa là thời cơ mang lại lợi ích, vừa là thách thức lớn nếu không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh thì du lịch Việt Nam sẽ thua trên chính sân nhà. Chính vì thế, lần đầu tiên một hội nghị về nguồn nhân lực du lịch do Tổng cục Du lịch phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức mới đây nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này. Tại đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Năm 2015 là năm ngành du lịch Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen… và nhân lực là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của mọi ngành nghề, đặc biệt là ngành du lịch. Đối với các nước ASEAN nói chung hay Việt Nam nói riêng thì việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo khung trình độ đã được thừa nhận là điều kiện tiên quyết để xây dựng ngành du lịch hội nhập quốc tế.

Theo các tiêu chuẩn chung của ASEAN, tiết kiệm được rất nhiều chi phí xây dựng các bộ tiêu chuẩn. Mặt khác, các doanh nghiệp và người lao động sẽ có điều kiện phát triển năng lực, được thừa nhận trình độ chuyên môn. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, việc có bộ tiêu chuẩn này được áp dụng đào tạo tại chỗ, người lao động đáp ứng được kỹ năng nghề trong bộ tiêu chuẩn chung ASEAN sẽ đáp ứng hơn tốt nhu cầu của khách du lịch quốc tế và trong nước. Doanh nghiệp thêm nhiều cơ hội tuyển dụng trong ASEAN. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch sẽ tăng lên và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp cũng sẽ được nâng cao...

Được biết, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành du lịch tại Việt Nam, Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, do Liên minh châu Âu tài trợ đã sửa đổi bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS). Bộ tiêu chuẩn VTOS mới giúp người lao động, người sử dụng lao động, giáo viên và học sinh các trường du lịch tiếp cận, áp dụng và thực hiện theo tiêu chuẩn VTOS nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cũng như hiệu quả đào tạo nghề du lịch một cách thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng của ngành du lịch thông qua việc triển khai thực hiện, định hướng công tác đào tạo và hội nhập khu vực.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này