Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Cần sự chung tay của cả xã hội

11:20 | 03/04/2015
Thực trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam rất nặng nề, tai nạn do bom mìn sót lại liên tục xảy ra, đã tác động nhiều mặt đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đức hỗ trợ Việt Nam 6 triệu Euro rà phá bom mìn

Để đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21/4/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 – 2025” trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu: “Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế- xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập đời sống xã hội” cùng các nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn (2010 – 2015 & 2016 - 2025).

Trong hơn 04 năm qua, BCĐ, CQTT/BCĐ (Cơ quan thường trực/Ban chỉ đạo) đã chủ động phối hợp các Bộ, ngành triển khai đồng bộ có hiệu quả các hoạt động của BCĐ và CQTT, trong đó Bộ Quốc phòng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương giữ vai trò nòng cốt trong tất cả các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Kể từ năm 2010 đến hết 2014, CQTT/BCĐ đã phê duyệt kế hoạch rà phá bom mìn được 400 nghìn ha trên toàn quốc. Tiếp nhận tài trợ nước ngoài thông qua các Dự án tài trợ của các nước, các tổ chức phi chính phủ như: Mỹ, Anh, Đức, Na Uy trị giá hàng trục triệu USD. Tính đến 29/11/2014 đã tiếp nhận ủng hộ chương trình của các tổ chức cá nhân 02 lần gần 14 tỷ đồng.

Năm 2015, sẽ chú trọng xây dựng Nghị định quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn (KPHQBM) sau chiến tranh; trình thẩm định, ký ban hành Quy chế hoạt động của Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Quy chế quản lý, điều phối và Quy chế vận động tài trợ; xây dựng kế hoạch, làm việc với các nhà tài trợ để đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ tài trợ cho Chương trình; triển khai thành lập và đưa Trung tâm Cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia vào hoạt động; xây dựng, trình phê duyệt dự án “Khảo sát kỹ thuật để xác định khu vực thực sự ô nhiễm bom mìn sau kết quả điều tra” chuẩn bị kinh phí để thực hiện; tổ chức Hội nghị quốc tế về kỹ thuật, công nghệ RPBM kết hợp trình diễn trang thiết bị RPBM dưới biển; công bố Chiến lược vận động tài trợ; phối hợp vận động tài trợ trong nước; xây dựng chiến lược tuyên truyền;…

Theo đó, chương trình giao lưu “Vì một cuộc sống bình yên và phát triển” do BCĐ Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội , Hội khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra vào tối mùng 3/4, được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, tiếp sóng trên các kênh truyền hình Quốc phòng, Công an nhân dân , với sự tham gia của các nạn nhân bom mìn ở ba miền tổ quốc, thực sự sẽ góp phần đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Bởi lẽ, thông điệp mà họ mang đến cuộc giao lưu này đặt ra rất nhiều vấn đề cần suy ngẫm và cho thấy, việc tìm ra cách giải quyết hợp lý trong khi nhu cầu làm sạch bom mìn để đầu tư phát triển kinh tế của đất nước cũng không phải là nhỏ.

40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, có lẽ với không ít người đang ngồi tại Hà Nội, tại TP. HCM hoặc tại một TP lớn nào khác, bom đạn sau chiến tranh có thể sẽ là một câu chuyện lạ lẫm. Nhưng sự thực nó lại là nỗi đau, sự ám ảnh thường trực, hàng ngày, hàng giờ của không biết bao nhiêu gia đình từ Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, tới các tỉnh miền trung Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi cho đến các tỉnh cực Nam của Tổ quốc. Ở những miền đất đó, có rất nhiều số phận không may mắn bị tai nạn bom mìn, vật nổ đang phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày. Và còn hàng triệu người dân vẫn đang sinh sống, lao động và sản xuất bên cạnh những quả bom, quả mìn chưa nổ và họ có thể bị tai nạn bất kỳ lúc nào. Ngày 4/4 hàng năm là ngày thế giới nâng cao nhận thức về phòng chống bom mìn, với thông điệp "Bình yên và phát triển”, thể hiện sâu sắc trách nhiệm của cộng đồng xã hội sẽ tiếp tục được chuyển đi để VN khắc phục triệt để hậu quả của bom mìn sau chiến tranh. Điều đó cũng có nghĩa, bên cạnh những đóng góp tích cực từ cộng đồng quốc tế đối với việc khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam, cần lắm sự chung tay đóng góp của cộng đồng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm,…trong nước.

Lê Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này