Cải cách hành chính khó hiệu quả nếu bộ máy cứ cồng kềnh

21:22 | 31/03/2015
Tại cuộc họp với các bộ, ngành địa phương vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu người đứng đấu các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải quyết liệt trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành  (CCTTHC) để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, Chính phủ lấy năm 2015 là năm trọng tâm trong CCTTHC. Tuy nhiên, vấn đề để CCTHCH hiệu quả, bộ máy hành chính cũng phải được xem xét theo hướng gọn nhẹ.

Tại Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng khoá XI, đề cập đến vấn đề tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: “Vì sao từ lâu và nhiều lần chúng ta đã bàn, thống nhất chủ trương và thực tế cũng đã tích cực triển khai thực hiện nhưng đến nay tổ chức bộ máy vẫn ngày càng phình to, biên chế tăng cao, cấp phó còn nhiều; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chậm được cải thiện?”. Và để trả lời câu hỏi này, vừa qua Bộ Nội vụ, với tư cách là cơ quan tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức nhà nước đã đề ra lộ trình về tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước đến năm 2020. Dẫu đã đề ra lộ trình, nhưng thực tế hiện nay bộ máy hành chính công vẫn quá cồng kềnh.

Ngoài việc không ít cơ quan, đơn vị có cấp phó quá nhiều, hiệu quả công việc thấp phải kể đến bộ máy hành chính vẫn không hề giảm. Theo thống kê, hiện cả nước có trên 2,8 triệu công chức, viên chức đang làm việc trong hệ thống chính trị, đoàn thể, bộ máy hành chính công. Điều đáng nói, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành lại đang có sự chồng chéo.

Cải cách hành chính khó hiệu quả nếu bộ máy cứ cồng kềnh
Ảnh minh họa

Đối với bộ máy công quyền, cũng cần phải sắp xếp theo hướng tinh gọn không chỉ về số lượng đơn vị mà ngay trong mỗi bộ ngành. Chẳng hạn, các bộ hiện nay ngoài các vụ chuyên môn, văn phòng, bộ nào cũng có một viện nghiên cứu chiến lược chính sách với số lượng biên chế cả trăm nhân viên; cạnh đó lại có cả các cục, tổng cục… Cơ cấu tổ chức, biên chế số lượng rất lớn. Trong khi đó, nếu xét công việc thực có thể rút gọn 30% số công chức, viên chức hiện có.

Cải cách bộ máy không chỉ mang lại hiệu quả trong công việc mà quan trọng hơn sẽ tiết kiệm chi tiêu ngân sách quốc gia, nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp. Nếu như bộ máy giữa các hệ thống được tinh gọn, chắc chắn chúng ta sẽ tiết kiệm được nguồn ngân sách lớn chi cho đầu tư phát triển.

Hà Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này