Dân bất an vì nguồn nước ô nhiễm trầm trọng

17:56 | 31/03/2015
Suốt hàng chục năm qua, người dân ở thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) lúc nào cũng sống trong hoang mang, lo lắng vì căn bệnh ung thư rình rập. Ước mơ giản đơn của hàng nghìn người dân nơi đây là được sống trong môi trường trong sạch, để có sức khỏe lao động và sản xuất.
Công bố danh sách “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng

Nỗi đau từ căn bệnh ung thư

Chúng tôi tới thôn Lũng Vị vào một ngày trời mưa phùn nhưng mùi xú uế từ cống rãnh quanh thôn vẫn bốc lên nồng nặc. Cùng với đó là những bãi rác tự phát khắp nơi từ ao hồ, đường nội thôn khiến môi trường càng thêm ô nhiễm. Theo danh sách do ông Nguyễn Văn Trụ (trạm trưởng trạm y tế xã Đông Phương Yên) cung cấp, từ năm 1990 đến nay, thôn Lũng Vị có 45 người chết vì căn bệnh ung thư. Người dân thì lo, không biết căn bệnh ung thư xuất phát từ đâu. Họ nghi ngờ nhiều khả năng do nguồn nước ô nhiễm gây ra. Trên đường dẫn chúng tôi đi tìm hiểu về nguồn nước sinh hoạt của người dân trong thôn cũng như nguyên nhân gây ra nhiều cái chết do căn bệnh ung thư, ông Trụ nói: “Từ khi có kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lũng Vị là một trong 10 địa phương có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất cả nước. Rất nhiều đoàn cán bộ về y tế, môi trường, truyền thông đã về gặp gỡ chính quyền và người dân trong thôn để phỏng vấn, tìm hiểu. Đến giờ vẫn chưa có kết luận nên người dân cũng đã mệt mỏi khi nhắc lại những chuyện này”.

Dân bất an vì nguồn nước ô nhiễm trầm trọng
Giếng sử dụng chung của 9 hộ gia đình, nước đỏ ngầu vì ô nhiễm

Chúng tôi có mặt tại nhà bà Nguyễn Thị Tuất, bà tâm sự: “Tôi sinh được 5 con trai, thì 4 đứa đã mất vì ung thư còn đứa nữa cũng bị ung thư gan sắp mổ. Chồng tôi cũng đã mất vì ung thư phổi”. Con gái, con dâu bà Tuất bức xúc cho biết, nhiều đoàn khảo sát đã tới gia đình để tìm hiểu chất lượng nước nhưng đến giờ vẫn không có gì thay đổi. Mỗi lần đến là lại nhắc lại những cái chết do căn bệnh ung thư quái ác gây nên mà gia đình không muốn nhớ lại…

Chị Đỗ Thị Hòa năm nay 38 tuổi nhưng trông như ở tuổi 50, nỗi đau về cái chết vì ung thư của hai người chú ruột sống cùng nhà lúc nào cũng ám ảnh chị. Chị Hòa cho biết: “Không biết có phải nguyên nhân dẫn tới cái chết của hai người chú là do nguồn nước ô nhiễm hay không nhưng suốt hàng chục năm nay, bố tôi, con trai tôi lúc nào cũng mẩn ngứa khắp người, tay chân lở loét. Nước giếng khoan thì lúc nào cũng đục, không đảm bảo nhưng cũng chẳng có đủ để mà dùng”. Chị Hòa là một trong số những người có hoàn cảnh bi đát nhất thôn. Chồng và con trai đầu của chị bị nhiễm chất độc màu da cam. Nhìn cảnh sống, nhìn vào ánh mắt của những người trong gia đình chị Hòa, đều thấy rõ sự lo lắng, bất an. Chị và nhiều người dân khác trong thôn Lũng Vị, khi được hỏi đều mong trước mắt có nguồn nước sạch để sinh hoạt hàng ngày.

Dân bất an vì nguồn nước ô nhiễm trầm trọng
Lũng Vị là “rốn” của rác thải khắp nơi đổ về

Bao giờ người dân mới có nước sạch?

Theo kết quả điều tra, khảo sát tại các xã có 37 làng ung thư thuộc dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, có trên 1.000 người chết vì các bệnh ung thư sinh sống ở nơi ô nhiễm nguồn nước. Điểm chung ở những người mắc bệnh là sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, có những chỉ tiêu vượt mức cho phép nhiều lần. Làng Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ là một trong 10 làng có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất cả nước.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Huấn (phó chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên) cho biết: “Lũng Vị có địa hình thấp nhất trong 7 thôn ở xã Đông Phương Yên. Vì thế, bao nhiêu chất thải, chất bẩn của các khu vực lân cận đổ ra đều tích tụ về đây và ngấm sâu vào lòng đất. Đó là nước thải của những lò giết mổ gia cầm, nhà máy bia (nay đã đóng cửa), nhà máy sữa trên địa bàn xã Trường Yên. Chưa kể, rác thải ứ đọng làm các dòng nước bao quanh làng không lưu thông. Người dân trong thôn, đặc biệt là phụ nữ, rất nhiều người bị bệnh ngoài da, nguyên nhân là do nước ở dưới đồng ruộng ô nhiễm mà họ phải tiếp xúc hàng ngày. Nguyên nhân dẫn đến nhiều cái chết vì căn bệnh ung thư của người dân trong thôn thì vẫn chưa ai khẳng định, chỉ nghi vấn là do nguồn nước gây nên. Chúng tôi vẫn đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng nhưng suốt hàng chục năm qua, bao nhiêu đoàn khảo sát về rồi lại đi và người dân thì vẫn phải mòn mỏi sống trong lo âu”.

Ông Lã Văn Tùng (cán bộ phòng Tài nguyên và môi trường huyện Chương Mỹ) cho biết: “Chúng tôi là cơ quan tham mưu về công tác quản lý môi trường trên địa bàn huyện. Trong thời gian qua, công tác môi trường ở huyện đã có những tiến bộ. UBND huyện đã thành lập đề án thu gom, vận chyển và xử lý rác thải và yêu cầu các xã đều phải có điểm tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường bằng hình thức xây nổi. Về công tác quản lý môi trường đối với doanh nghiệp, chúng tôi thường xuyên tham mưu cho huyện kiểm tra, xử lý đối với những đơn vị gây ô nhiễm. Riêng đối với xã Đông Phương Yên, doanh nghiệp đóng trên địa bàn không nhiều, hiện nay chỉ còn một số hộ kinh doanh cá thể sản xuất hàng mây tre đan. Thời gian gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường về đây và đánh giá, làng Lũng Vị là một trong số 10 làng có nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng trên toàn quốc. Tuy nhiên, vì sao nguồn nước ô nhiễm thì chưa có kết luận. Hiện nay, phòng Tài nguyên môi trường huyện đang chờ khi nào có kết luận cuối cùng về nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước, chúng tôi sẽ tham mưu cho các cấp chính quyền để có biện pháp xử lý.

“Trước mắt, giải pháp cấp bách là phải xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch tập trung trên địa bàn xã. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nguồn nước ngầm từ đó cải tạo giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Chúng tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cung cấp nước sạch tập trung ở thôn Lũng Vị”, ông Tùng cho biết.

Là dân của Thủ đô nhiều năm rồi nhưng mơ ước đơn giản là được sử dụng nước sạch cũng vẫn chỉ là “ước mơ” đối với người dân xã Đông Phương Yên. Thiết nghĩ, các ban ngành, các tổ chức xã hội cần phải vào cuộc quyết liệt hơn để hơn 2.000 dân thôn Lũng Vị có nước sạch sinh hoạt.

Võ Hoàng – Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này