Nhiều KCN bị thu hồi đất do không có nhà đầu tư thuê

10:09 | 26/03/2015
Không ai phủ nhận các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất và khu kinh tế (KKT) đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế đất nước.

Song, việc hàng chục KCN bị thu hồi,hoặc buộc phải chuyển đổi nhà đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, là cái kết tất yếu  của  việc xây dựng KCN, cụm công nghiệp, khu kinh tế… tràn lan nhưng lại triển khai chậm tiến độ, đất để hoang hóa.

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo về phát triển KKT, KCN lần thứ 5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cho biết, qua kiểm tra, rà soát, hiện có 14 KCN trên toàn quốc có tỷ lệ lấp đầy thấp.

Nhiều KCN chưa đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), thậm chí, xong đền bù GPMB nhưng chưa đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong số đó có 5 KCN đã được giải quyết theo hướng giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi nhà đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bao gồm: KCN Quang Minh 2 (Hà Nội), Cộng Hòa - Chí Linh (Hải Dương), Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương), Kim Động (Hưng Yên), Phong Phú (TP. Hồ Chí Minh)…

Điều đáng nói, quỹ đất tại các  KCN rất lớn, trong số này chủ yếu là đất ruộng được thu hồi như:  KCN Quang Minh, với diện tích 325 ha; KCN Vĩnh Phúc 383 ha:  KCN Ngọc Long149 ha, KCN Long Sơn 1.250 ha; KCN Bắc Thường Tín 429 ha; KCN Phụng Hiệp 175 ha… Điểm chung nhất của các KCN này là chưa được triển khai, lấp đầy, do nhiều nguyên nhân nhưng căn nguyên bởi "tính công nghiệp địa phương” hoặc năng lực chủ đầu tư chưa đảm bảo.

Được biết, tính đến cuối năm 2014, cả nước đã có 295 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 84.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê 56.000 ha, chiếm 66% tổng diện tích đất tự nhiên. 212 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60.000 ha và 83 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 24.000 ha.

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sẽ có 14 địa phương nữa được điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN trong năm 2015. Việc rà soát lại quy hoạch các KCN được cho là sẽ loại bỏ phần lớn các dự án quy hoạch treo, hoặc hoạt động không hiệu quả gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng tới diện tích đất trồng lúa. 

“Chắc chắn tổng diện tích đất khu công nghiệp sẽ còn giảm khi Chính phủ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tại 14 tỉnh còn lại. Nguyên tắc chung khi điều chỉnh là sẽ giảm bớt chứ không tăng lên”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh.

Còn nhớ trước đây, không ít chuyên gia kinh tế  đã từng trăn trở về  "cuộc chạy đua” KCN của nhiều địa phương và hệ lụy là quỹ đất ruộng,  đất màu bị thu hẹp, và nguy hiểm hơn là để hoang hóa, lãng phí.  Các địa phương khi ấy không nhìn đúng vào bản chất có thực sự cần thiết mở KCN hay không, mà cứ kêu gọi, cứ đầu tư, cứ giao đất, trong khi bản thân chủ đầu tư "có đất” là tối thượng, còn năng lực và thu hút đầu tư chưa tính kỹ.

Chính vì vậy, khi kinh tế kém đi, nhiều KCN chỉ có cái vỏ bọc hào nhoáng. Còn các giá trị kinh tế đem đến cho địa phương và doanh nghiệp, nhiều nơi, thậm chí là con số không. Điều này khiến những người dân nơi dự án KCN vô cùng bức xúc,  vì  đất đã giao cho dự án nếu triển khai, đời sống sẽ được cải thiện, nhưng bao năm vẫn phơi mình cho  cỏ mọc. Vì thế, việc rà soát lại quy hoạch các KCN được cho là sẽ loại bỏ phần lớn các dự án quy hoạch treo, hoặc hoạt động không hiệu quả gây bức xúc cho người dân là một việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Lê Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này