Thỏa ước LĐ tốt, quyền lợi NLĐ được nâng cao

15:46 | 24/03/2015
Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với những điều khoản có lợi cho người lao động luôn là vấn đề được tổ chức công đoàn quan tâm. Bởi trên thực tế, doanh nghiệp nào xây dựng được TƯLĐTT tốt, thì ở nơi đó quyền lợi NLĐ được đảm bảo, quan hệ lao động được hài hòa.

Những điểm sáng

Theo đánh giá của Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam,  năm 2014, kết quả thực hiện chương trình "Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT" đã có chuyển biến tích cực ở nhiều ngành, địa phương. Qua đó ở nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp, các bản TƯLĐTT đã có những nội dung có lợi hơn cho người lao động về thời giờ làm việc,  thời giờ nghỉ ngơi, bảo đảm việc làm, tiền lương, thưởng, cải thiện điều kiện làm việc v.v... Điển hình có thể kể đến bản thỏa ước của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An, tỉnh Hải Dương). CĐ công ty đã thỏa thuận, ký kết với lãnh đạo một bản thỏa ước với nhiều điều khoản mang đến cho người lao động quyền lợi cao hơn so với quy định của pháp luật. Cụ thể là mỗi tháng, CNLĐ được nghỉ thêm 2 ngày thứ 7, nâng tổng số ngày nghỉ trong tháng là 6 ngày. Hằng năm, người lao động đều được tăng lương. Ngày Quốc khánh 2-9, tết âm lịch hằng năm, CNLĐ được thưởng số tiền tương đương 1 tháng lương cơ bản. Vào các dịp lễ, tết khác, người lao động đều được tặng quà hoặc hỗ trợ tiền mặt. Lao động nữ có con nhỏ từ 1 - 36 tháng tuổi được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng. Hằng năm, công ty tổ chức cho người lao động đi tham quan, nghỉ mát ít nhất 1 lần; bảo đảm các chế độ trợ cấp ăn ca...  

CĐ ngành Dệt may tỉnh Bình Dương đã soạn thảo, lương thượng và ký kết TƯLĐTT cấp ngành lần thứ nhất, lần thứ hai và liên tục bổ sung, sửa đổi. TƯLĐTT ngành đã đưa ra một bản cam kết mang tính chất khung về các chính sách tốt hơn cho NLĐ như: việc trả lương cho NLĐ phải có hệ thống thang bảng lương và thấp nhất phải cao hơn 3% so với tiền lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Đối với lao động nặng nhọc, độc hại, ít nhất cao hơn 7%; lao động có tay nghề khi ký hợp đồng ít nhất cao hơn 10%;  việc xét nâng lương phải thực hiện hàng năm, chế độ ăn giữa ca quy định thấp nhất bằng 0,5% tiền lương tối thiểu vùng; định kỳ 6 tháng hoặc trong thời điểm lạm phát tăng cao, căn cứ vào khả năng tài chính của doanh nghiệp và giá cả sinh hoạt thì người sử dụng lao động và BCH CĐ bàn bạc để điều chỉnh cho phù hợp; tiền lương tháng 13 bằng lương cơ bản cộng với các khoản phụ cấp hoặc với các khoản vượt năng suất nhưng cũng không được thấp hơn lương cơ bản. 

Tại Hà Nội, theo Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đặng Minh Thuần, công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung vào những cam kết thiết thực, có lợi cho NLĐ.  Như tại Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handinco), hầu hết các  đơn vị trong tổng Cty đều xây dựng được bản TƯLĐTT có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Cũng chính vì vậy, đời sống CNLĐ luôn được đảm bảo. Trong nhiều năm qua không có đơn thư, khiếu nại liên quan đến quyền lợi, các chế độ chính sách đối với NLĐ.  Hay như  Tổng Cty Vận tải Hà Nội cũng rất chú trọng việc ký kết TƯLĐTT.  Hàng năm các đơn vị trong  tổng Cty đều tiến hành ký kết lại TƯLĐTT phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị hoặc sửa đổi bổ sung nội dung thỏa ước thông qua ý kiến đóng góp của NLĐ tại hội nghị CBCC, hội nghị NLĐ.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Tuy có chuyển biến tích cực, song cũng theo đánh giá của Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Ở nhiều nơi, thương thượng tập thể vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực chất, nội dung có lợi cho NLĐ chưa nhiều, chưa tập trung vào các vấn đề chính, quan trọng như TNLĐ, BNN...
Từ thực trạng trên, các chuyên gia về quan hệ lao động cho rằng, để có thể xây dựng được những bản TƯLĐTT thực sự vì quyền lợi NLĐ đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ nhiều phía. Trước hết, tổ chức CĐCS cần khẳng định vai trò đại diện của mình. Cán bộ CĐCS cần  học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, tham khảo những bản thỏa ước tiên tiến để kịp thời hướng dẫn người lao động thương lượng những điều khoản mang tính tích cực. Chủ động tham mưu để chủ sử dụng lao động thường xuyên có những thay đổi, bổ sung phù hợp thực tế vào thỏa ước.

Bà Phạm Thị Vân Anh - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Canon VN cho rằng, để xây dựng được bản TƯLĐTT có chất lượng, cán bộ CĐ phải tăng cường tiếp xúc lấy ý kiến của NLĐ, đàm phán, phân tích với chủ sử dụng LĐ về những lợi ích khi thực hiện kiến nghị của CN. Còn theo ông Phan Thanh Hải- Chủ tịch CĐ Cty điện tử Meiko VN (khu Công nghiệp Thạch Thất) trước khi gặp gỡ và thỏa thuận với chủ DN, cán bộ CĐ phải chuẩn bị thật kỹ những gì liên quan đến chế độ, chính sách mà nhà nước quy định cho NLĐ. Ngoài ra hầu hết cán bộ CĐCS đều mong muốn được tập huấn nhiều hơn kỹ năng thương lượng, đàm phán, thuyết trình. Đồng thời được đào tạo, bồi dưỡng ở các loại hình tổ chức công đoàn trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau.Việc trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng thương thảo sẽ giúp CBCÐ tự tin đàm phán với chủ DN, để có thể đưa ra những điều khoản, có lợi hơn cho NLÐ. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử lý thích đáng đối với DN có hành vi vi phạm pháp luật về ký kết, thực hiện TƯLĐTT, đồng thời các ban ngành chức năng cần tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra việc thực hiện TƯLĐTT.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này