Xót xa bé trai bị bố đẻ bạo hành

15:12 | 24/03/2015
Sau khi ly dị, hai vợ chồng chị Hoài được tòa án xử mỗi người nuôi một con. Thời gian sau đó, chứng kiến đứa con lớn sống với bố thường xuyên bị bạo hành, chị Hoài nhiều lần khuyên can chồng cũ không được đành kêu cứu cơ quan chức năng

Những trận đòn roi

Chị Nguyễn Thị Hoài (SN 1976, trú tại xóm Vang, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) rất bức xúc trước việc chồng cũ liên tục có hành vi đánh đập cậu con trai lớn của 2 người. Theo tìm hiểu của PV, chị Hoài và anh Lê Văn Sinh (1973, trú tại thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội) kết hôn với nhau và có 2 con là Lê Văn Hào (SN 1999) và Lê Thanh Xuân (SN 2002). Vốn không có nghề nghiệp ổn định, chị Hoài buôn bán nhỏ ở chợ, chồng chị làm thuê làm mướn. Gia cảnh khó khăn nên nhiều lúc anh Sinh chán nản, thường xuyên uống rượu. Đáng buồn hơn, mỗi lúc say rượu anh Sinh lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ con khiến cuộc sống gia đình càng thêm nặng nề.

Theo chị Hoài, trong thời gian chung sống, hai vợ chồng liên tục xảy ra mâu thuẫn và chị thường xuyên bị anh Sinh bạo hành. Vì không chịu đựng được người chồng vũ phu, năm 2009, chị Hoài làm đơn xin ly hôn. TAND huyện Đông Anh đã xử cho cháu Hào ở với bố, còn cháu Xuân ở với mẹ. 5-6 tháng sau, anh Sinh cưới người vợ khác, còn chị Hoài tiếp tục ở vậy nuôi con.

Ly dị chồng, mẹ con chị Hoài ra đi với 2 bàn tay trắng. Người anh trai thương cảm em gái nên đón 2 mẹ con về ở chung. Sống nhà anh trai ở cách nhà cũ chừng 7km, chị Hoài vẫn thường xuyên tranh thủ đến thăm con bởi chị lo rằng con trai chị phải chịu cảnh mẹ ghẻ, con chồng. Và điều chị lo lắng đã thành sự thật khi cháu Hào thường xuyên bị anh Sinh trút giận bằng những trận đòn roi.  

“Mặc dù cháu Hào ở với bố nhưng tôi vẫn chắt chiu dành dụm lo cho cháu quần áo, sách vở. Thấy cháu hay bị bố đánh, tôi đau xót lắm muốn đón cháu về chăm sóc, song hoàn cảnh hiện tại của tôi không thể làm được điều này. Buồn hơn nữa, khi tôi muốn đón con về chơi, chồng cũ liền đe dọa nếu cháu Hào theo mẹ thì sẽ không có đường về. Con trai tôi thương mẹ lắm, thấy vậy đành cố gắng chịu đựng để tôi không phải lo lắng. Giờ đây tôi không biết làm sao…”, chị Hoài đau khổ chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hoài mẹ của cháu Hào

Hết nghĩa cạn tình

61004

Trao đổi với PV, luật sư Trung Kiên, đoàn luật sư Hà Nội cho biết:
Khoản 1, Điều 104, bộ luật Hình sự quy định: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp: dùng hung khí nguy hiểm; gây thương tật cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần với một người; đối với trẻ em; phụ nữ đang có thai... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Trong trường hợp trên, nếu cháu Hào đi bệnh viện khám và điều trị , thì giấy chứng thương của bệnh viện là chứng cứ, nhưng để có căn cứ xử lý hình sự thì phải trưng cầu giám định pháp y, để có kết luận về tỷ lệ thương tật. Nếu tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp dưới 11% thì phải thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần thì mới cấu thành tội cố ý gây thương tích. Trường hợp anh Sinh chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi bạo lực gia đình.

Chị Hoài cho biết thêm, trong thời gian ở với bố, cháu Hào thường xuyên bị ngược đãi nên ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe. Việc học tập của cháu vì thế cũng sa sút. Năm 2009 sau khi bố mẹ ly hôn được ít tháng, cháu Hào bị bố đánh rách tai, người thâm tím. Khi tới thăm thấy con chảy máu đầu chị Hoài đã trình báo công an xã. Cơ quan công an đã gọi anh Sinh lên nhắc nhở. Những tưởng sau sự việc đó, cháu Hào sẽ không còn bị bố đánh đập nữa nhưng đến ngày 3-3-2015 chị Hoài được hàng xóm cũ báo tin anh Sinh lại đánh đập dã man cháu Hào. Khi chị đến nhà, anh Sinh và vợ mới nói dối cháu Hào đang đi chơi. Chị Hoài nghe thấy tiếng khóc của con nên lao vào nhà thấy cháu Hào đang nằm trên giường, người đầy thương tích và đã đưa cháu lên trạm y tế xã khám.

Trao đổi với chúng tôi, cháu Hào kể lại: Hôm đó, cháu đi chăn trâu và để sổng mất trâu. Khi về nhà cháu đã bị bố đánh đập rất dã man, bố dùng dây điện đánh vào mặt mặc dù cháu đã hết lời van xin. Sau đó, bố đã cấm cháu đến lớp và bắt cháu tự tay đốt hết sách vở. Chiếc điện thoại của cháu được mẹ mua cho cũng bị bố đập nát, giờ cháu không thể liên lạc được với mẹ để cầu cứu khi bị bố đánh.

Hào cho biết, hằng ngày cháu phải làm tất cả các công việc trong gia đình, từ giặt dũ, nấu nướng và trông em. Mỗi đêm bố đi đánh cá thì cháu phải thức trắng đêm. Cháu không có thời gian để ôn luyện bài vở, chỉ tranh thủ học những giờ ra chơi. Tuy nhiên, càng lên lớp cao thì chương trình học càng khó, dù cháu đã cố gắng nhưng vẫn khó để theo kịp các bạn. “Những năm trước cháu còn được học sinh tiên tiến, nhưng năm nay cháu đã để tuột mất thành tích đó. Cháu thường xuyên phải chịu sự mắng nhiếc của mẹ kế và những trận roi vọt của bố. Bây giờ cháu chỉ muốn về sống với mẹ thôi”, cháu Hào tâm sự.

Chị Hoài cho biết, trước những hành động dã man của chồng cũ, chị đã gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị can thiệp để con trai không phải tiếp tục hứng chịu những trận đòn roi của bố. “Hy vọng các tổ chức xã hội sẽ sớm vào cuộc để giúp cháu Hào thoát khỏi người bố nhẫn tâm. Mặc dù cuộc sống tôi còn khó khăn, nhưng tôi sẽ thuê một căn phòng, mẹ con rau cháo nuôi nhau sống qua ngày cũng được. Dù có vất vả đến mấy thì tôi vẫn cố gắng nuôi con ăn học”, chị Hoài nói.
Ông Trương Hữu Nhung, công an viên xóm Vang (xã Xuân Canh) cho rằng, do ông ở khác xóm nên không kịp can thiệp. “3 ngày sau đó nhận được thông tin chúng tôi lập tức đã có mặt giải quyết. Chúng tôi đã lập biên bản và chuyển hồ sơ lên xã. Chính quyền xã cũng cảnh cáo anh Sinh không được tái phạm hành vi bạo lực với cháu Hào”, ông Nhung cho biết.

Gia Hân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này