Kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước: Tây Nguyên đang cất cánh

09:50 | 20/03/2015
Trong chiến tranh chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Tây Nguyên đã trở thành địa bàn chiến lược, chiến thuật nổ phát súng đầu tiên trong tiến trình giải phóng miền Nam.

40 năm đã trôi qua, sau thời gian không quá dài “ngủ quên” đến nay Tây Nguyên đã, đang trở mình thức giấc và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.  Tây Nguyên, vùng đất gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng - là giao điểm của hai khu vực kinh tế trọng điểm gồm khu vực kinh tế phía Nam và khu vực kinh tế ven biển miền Trung. Với diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, dân số trên 5,3 triệu người, Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Tây Nguyên cũng là vùng có tiềm năng rất lớn trong phát triển nông, lâm, thủy sản, thủy điện, khai khoáng và du lịch.  Với tài nguyên đất đai phì nhiêu, Tây Nguyên hiện là thủ phủ của các cây công nghiệp cà phê, cao su, hồ tiêu, chè; cạnh đó là tài nguyên rừng, khoáng sản…

Những năm qua, nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước, nhờ khai thác lợi thế tài nguyên các tỉnh, Tây Nguyên đã vươn lên phát triển không ngừng. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các địa phương Tây Nguyên vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình. Kinh tế vẫn dựa trên nông nghiệp, sản xuất thô nên giá trị gia tăng không cao. Vì thế, với một địa bàn có lợi thế tiềm năng rất lớn, nhưng GDP đóng góp cho cả nước mới đạt gần 5%, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn khiêm tốn. Đến nay, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Tây Nguyên đã đạt 12%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 15,5 triệu đồng (năm 2010) lên tới 26,9 triệu đồng (năm 2012), tương đương 1.287 USD. Kinh tế Tây Nguyên cũng đã chuyển dịch đúng hướng, phát triển theo hướng đa dạng hóa, nâng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông-lâm nghiệp.

Mục tiêu đặt ra trong 10 năm tới là xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước; có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu  năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng (tương đương 1.720 USD), kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD; từng bước thu hẹp khoảng cách tỷ trọng thu/chi ngân sách. Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng Tây Nguyên đạt 40% .

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này