Trăn trở làng nghề gốm Gia Thủy

06:38 | 30/08/2014
Được hình thành từ những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX, làng nghề gốm Gia Thủy (Nho Quan) trước kia được nhiều người biết đến là một làng quê nổi tiếng về các mặt hàng gốm như nồi, niêu, chum, vại...

Những năm gần đây, sự khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, thu nhập bấp bênh… và sự thờ ơ của thế hệ trẻ là những nguyên nhân làm cho làng gốm đứng trước nguy cơ bị mai một.

Xưởng chế tác đồ gốm Gia Thủy.

 

Một ngày đầu thu, chúng tôi có dịp về thăm làng gốm Gia Thủy, không khí tĩnh mịch, lặng lẽ bao trùm cả làng gốm. Con đường vắng vẻ bước chân người qua lại, có vài cái đầu thập thò sau cánh cửa khi có người lạ đến. Nếu như mấy chục năm trước, đây là thời điểm rôm rả nhất, đâu đâu cũng rộn rã tiếng nói cười, là thời điểm mà nhiều hộ ở làng gốm Gia Thủy “ăn nên làm ra”...

Nhưng năm nay, làng gốm vắng tanh, những thợ gốm đa phần kiếm sống bằng nghề khác. Thế hệ con cháu của làng gốm hầu như không chịu kế thừa nghề truyền thống này. Có những người thợ trước đây làm gốm, nhưng vì thu nhập quá thấp, nên đã từ bỏ nghề và đổ dồn về các khu công nghiệp để làm thuê. Bởi nghề gốm vừa cực khổ, lam lũ, lại thu nhập bấp bênh, không thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống - một nghệ nhân gốm khẳng định.

Để đảm bảo môi trường, những năm gần đây UBND xã Gia Thủy đã ưu tiên dành 5.000 m2 mặt bằng, xa khu dân cư để đưa các hộ làm nghề gốm đến đây sản xuất. Ngoài ra, UBND xã cũng đã dành riêng những diện tích đất nhất định để các cơ sở gốm khai thác nguồn đất sét trắng phục vụ cho sản xuất làng nghề. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chỉ thu hút được 7-8 hộ với vài chục lao động. Khác với trước đây, vào thời kỳ “hoàng kim” của nghề gốm Gia Thủy, cả làng có trên 40 xưởng sản xuất gốm, có xưởng lên tới hàng trăm người làm thường xuyên. Làm ra sản phẩm đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Khách hàng từ các tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An… đều đổ về đây lấy hàng, trong đó có một số khách hàng của Nhật.

Bác Trịnh Thị Vân (56 tuổi) ở đội 7, xóm Mỹ Lộc, xã Gia Thủy cho biết: Gia đình bác 3 đời nay theo nghề làm gốm, nhưng tiếc là hiện nay chỉ còn cô con dâu đi theo nghề này. Điều mà bác trăn trở và lo lắng nhiều nhất, đó là việc truyền nghề cho thế hệ sau, vì hầu như rất ít con cháu chịu kế thừa nghề làm gốm. Nghề gốm Gia Thủy trước đây có thương hiệu nổi tiếng, đã được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng do những đặc điểm riêng về hình thức, chất lượng và mẫu mã.

 

a

Thợ làm gốm ở  Gia Thủy.


Theo các nhà khoa học, bình rượu bằng gốm có thể khử các chất độc hại như Andehit gây đau đầu sau khi uống rượu và làm giảm nồng độ Methanol trong rượu. Nhưng hiện nay, theo thói quen, người dân vẫn ngâm rượu bằng các bình thủy tinh và bình nhựa. Do đó, số lượng người sử dụng đồ gốm ít đi, thị trường tiêu thụ giảm, các cơ sở sản xuất gốm khó khăn khi tìm đầu ra…

Ông Đinh Quang Hà, 55 tuổi, Phó chủ nhiệm HTX gốm Gia Thủy, với hơn 40 năm gắn bó với nghề làm gốm cho biết: Khó khăn lớn nhất là trong thời kỳ đồ nhựa phát triển, các vật dụng bằng nhựa vừa rẻ, vừa tiện lợi. Mặt khác, trước sự đa dạng của mẫu mã bày bán trên thị trường vừa rẻ lại vừa đẹp của Trung Quốc tràn lan, nên sản phẩm gốm nhiều khi không còn là sự lựa chọn của người dân như trước đây. Sản phẩm gốm dường như không còn phù hợp với thị trường như hiện nay nữa, gốm chỉ dùng trong các việc trang trí, nặng tính hình thức chứ ít có tính sử dụng hoặc chỉ để phục vụ cho sinh hoạt của người dân quê.

Ông Hà cũng cho biết thêm, ông có 4 người con, 3 cháu đã đi làm cho nhà nước và các doanh nghiệp, cháu nhỏ nhất đang học cấp III nhưng cũng không có ý theo nghề làm gốm. Điều này làm ông rất buồn, nhưng biết làm thế nào. Cũng chẳng trách được chúng bởi nghề làm gốm mưa nghỉ, nắng làm, lúc nào cũng lam lũ, vất vả, lại độc hại, trong khi đó thu nhập cũng thấp…

 Cũng theo ông Đinh Quang Hà, thì khó khăn trong việc phát triển làng nghề gốm cổ truyền còn có một nguyên nhân khác, đó là việc cấp đất vùng nguyên liệu, cấp đất làm nhà xưởng và khó khăn trong việc vay vốn phát triển sản xuất. Vùng nguyên liệu đất sét chỉ rộng 1 mẫu, nếu sản xuất liên tục thì 5 năm là cạn. Cả Gia Thủy có 7-8 gia đình làm gốm tập trung vào một khu vực cũng chỉ rộng 5.000 m2, trong đó có cả xưởng chế tác, sân phơi, lò nung, nơi đặt nguyên vật liệu…

Diện tích đất này được cấp phép sử dụng trong khoảng thời gian rất ngắn, vì xã chỉ có thẩm quyền cấp phép trong thời hạn 5 năm. Do đó, các hộ làm gốm chưa thực sự yên tâm để đầu tư vào sản xuất. Việc vay vốn ngân hàng của HTX hiện nay cũng là điều không thể bởi không đủ điều kiện. Cho nên, tất cả các gia đình làm gốm ở đây đành phải mang bìa đỏ ở nhà ra thế chấp vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất.  

Một trong những nguyên nhân làm cho nghề gốm Gia Thủy không giữ được truyền thống như trước đây là do kiểu dáng và mẫu mã không thay đổi bắt kịp với xu hướng thị trường. Số lượng nghệ nhân làm gốm hiện nay không nhiều, nhiều kinh nghiệm quý của cha ông không được truyền dạy cho đời sau nên ngày càng mai một, thiếu sự kế thừa và phát triển. Hầu hết các sản phẩm được sản xuất ở đây chủ yếu là theo lối cũ, các loại mặt hàng tinh xảo không nhiều.

 Làng nghề gốm Gia Thủy là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Ninh Bình. Nhưng sự khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, thu nhập bấp bênh… và sự thờ ơ của thế hệ trẻ hôm nay với nghề làm gốm là những nguyên nhân làm cho làng gốm đứng trước nguy cơ bị mai một. Do đó, cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp chính quyền, nhất là trong việc hỗ trợ vốn, có chính sách ưu đãi, đào tạo nghề… để nghề gốm Gia Thủy hưng thịnh như xưa và thương hiệu gốm Gia Thủy được lưu truyền mãi mãi cho thế hệ mai sau.

Nguồn Baoninhbinh.org.vn

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này