Bảo hiểm xã hội: Tìm giải pháp khả thi

11:22 | 19/03/2015
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH là một mục tiêu lớn nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong tương lai. Thế nhưng, nếu không có giải pháp đồng bộ, tích cực và minh bạch thì mục tiêu rất khó thực hiện thành công.

Không tham gia khi chưa yên tâm

Trước chia sẻ của những người có trách nhiệm trong việc triển khai Luật BHXH mới, ông Nguyễn Anh Sơn- đại biểu QH tỉnh Nam Định băn khoăn: “Luật sắp có hiệu lực thi hành thì lẽ ra giờ này chúng tôi phải nghe được những lời phát biểu rõ ràng dứt khoát rằng sẽ triển khai tốt luật này để mở rộng đối tượng lên  28 -29 triệu người vào năm 2020. Nhưng với những khó khăn mà Bộ LĐTBXH và BHXH Việt Nam nêu ra, tôi không biết Luật BHXH có thực hiện được những mục tiêu của Quốc hội đã thông qua ? Hay để vài năm nữa lại xin Quốc hội sửa nếu không thực hiện được?”. Ông Sơn thẳng thắn cho rằng, hiện nay cả nước có 16 triệu LĐ có liên quan đến BHXH nhưng ngành BHXH mới chỉ thực hiện được hơn 11 triệu người. Giờ mở rộng ra 28 triệu người với thời gian không  nhiều (5 năm), thì không biết bao giờ mới thực hiện được?

Cũng băn khoăn, ông Nguyễn Hữu Đoan – Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng người sử dụng lao động tỉnh Hải Dương đặt vấn đề, chủ trương mở rộng đối tượng tham gia BHXH là đúng nhưng mở rộng bằng cách nào trong khi hai đối tượng chính tham gia BHXH là người sử dụng lao động và NLĐ lại không mặn mà ? Là bởi vì họ thấy chưa yên tâm khi bỏ tiền tham gia BHXH. NLĐ chưa thực sự yên tâm khi tham gia BHXH vì thực tế hiện nay mỗi khi đi viện khám chữa bệnh, người dân ngoài chế độ khám và phát thuốc theo thẻ BHYT thì vẫn phải bỏ thêm tiền để chi trả vài dịch vụ khám chữa bệnh khác. Hiện nay, có nhiều NLĐ sau một thời gian làm việc tại DN (có thể là vài tháng, vài năm) nhưng khi thôi việc, bỏ việc thì bỏ luôn thời gian đã tham gia đóng BHXH tại DN bởi những thủ tục nhiêu khê, rườm rà khi chốt sổ do chủ sử dụng lao động hoặc quy trình giải quyết chế độ BHXH gây ra. Cơ hội để NLĐ có thể khôi phục lại thời gian đã tham gia BHXH lúc trước phụ thuộc nhiều vào thiện chí của chủ sử dụng lao động.

Theo ông Đoan, đối với người sử dụng lao động mỗi khi triển khai, thi hành chính sách luật mới thì  ai sẽ là người bảo vệ họ (như NLĐ thì có tổ chức công đoàn). Bởi chế độ, chính sách gì xây dựng lên cũng phải đảm bảo hài hòa quyền lợi của NLĐ với lợi ích của DN. Chưa kể, trường hợp DN có sai phạm thì phải xử phạt công bằng như nhau chứ không nên để tình trạng xuê xoa DN thực hiện nghiêm túc và những DN chây ỳ không thực hiện trích nộp BHXH cho NLĐ theo quy định. Chính vì thế, ở Hải Dương có những DN có tới 500 -700 lao động đang làm việc nhưng danh sách đóng BHXH chỉ kê khai có 100 -200 lao động mà thôi.

Cần giải pháp tích cực, minh bạch

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội  lo lắng: “ Chúng tôi cũng rất lo lắng, vì chưa bao giờ Ủy ban đứng ra chủ trì cùng với cơ quan Chính phủ để tuyên truyền Luật BHXH tại 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam như lần này. Nếu không có giải pháp, rất khó đạt được mục tiêu tăng  16 triệu người trong 5 năm tới”.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ TBXH  thẳng thắn nhìn nhận rằng, mở rộng đối tượng chính là câu chuyện khó khăn mà hiện Chính phủ cũng  đang  lúng túng.  Bởi trong đó có những nhóm đối tượng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, phải tính toán đến khả năng của ngân sách. Thứ nữa, đã đến lúc cần giúp người dân thấy rõ được bài toán tham gia bảo hiểm xã hội: mức đóng bao nhiêu và mức hưởng như thế nào, thời gian đầu tư bao lâu thì được hưởng và khoản tiền đóng bảo hiểm của họ sẽ về đâu... Mục tiêu lớn, đầy tham vọng nếu không có giải pháp tích cực thì rất khó thực hiện.

Đồng quan điểm và đứng ở góc độ DN, ông Đoan đề xuất: “ Cần có cơ chế phối hợp thực hiện luật này hết sức rõ ràng, minh bạch chứ không được chung chung để tình trạng không triển khai được thì đổ hết lên đầu NLĐ và người sử dụng lao động”.

Còn theo bà Cù Thị Hậu – Chủ tịch Hội Người cao tuổi VN, hiện cả nước có  9 triệu người cao tuổi, trong đó có nhiều người (khoảng 1,4 triệu người) từ 80 tuổi trở lên đang nhận được sự hỗ trợ xã hội của nhà nước hàng tháng với mức 270.000 đồng. Thời gian tới, số đối tượng này còn tăng lên, lúc đó sẽ trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Vậy thì, thay vì hỗ trợ xã hội cho NLĐ khi cao tuổi thì Nhà nước nên tính toán lại việc hỗ trợ trước để cho những đối tượng này cùng tham gia đóng BHXH, để hưởng chế độ lúc cuối đời.

Theo ý kiến của các đại biểu, khả năng mở rộng đối tượng rất khó thực hiện nếu như BHXH VN không cải tiến cung cách, thái độ làm việc. Bà Nguyễn Thị Thùy - Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP Hà Nội góp ý, BHXH muốn mở rộng đối tượng phải bắt đầu đổi mới từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ. “Nhân viên BHXH hiện  vẫn đang ngồi phòng máy lạnh chờ người dân tới nộp hồ sơ. Ngay thủ tục đăng ký và thanh toán cũng rất phức tạp, người dân muốn nộp cũng không biết nộp vào đâu, lại phải hỏi qua người này, người khác. Thậm chí có người bỏ không muốn nhận tiền bảo hiểm vì thủ tục  phức tạp. Tại sao chúng ta không thay đổi cơ chế , tiến tới có bộ phận mở rộng thị trường. Nếu muốn đạt mục tiêu phải đến gần với người dân hơn”, bà Thùy thẳng thắn chỉ ra.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này