Cả xã ngập mặn vì nghề ủ da trâu bò... thối

09:33 | 17/03/2015
Nghề ướp da trâu, bò xuất khẩu sang Trung Quốc để thuộc da ở làng Thụy Ứng, xã Hòa Bình (Thường Tín – Hà Nội) được cho là giải pháp xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Nhưng mặt trái của nghề là ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt, cây trồng và tiềm ẩn dịch bệnh truyền nhiễm

Nguy cơ dịch bệnh

Toàn xã Hòa Bình có gần 30 hộ chuyên làm nghề ướp da trâu, bò và theo ước tính mỗi tháng xuất khẩu vài chục tấn da trâu bò, doanh thu cả tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong xã với 200 ngàn đồng/ngày công. Chúng tôi đến xã Hòa Bình thăm gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, một hộ làm nghề ủ da trâu bò hơn 20 năm nay. Chúng tôi chứng kiến bà Lộc cùng con trai đang ướp da trong căn xưởng chừng hơn 100m2, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bay vo ve… cạnh đó 2 – 3 dãy lớp da trâu, bò ước tính hàng chục tấn xếp cao quá đầu gối, đang ủ muối được vài ba hôm, rỉ nước ô nhiễm lênh láng khắp xưởng... Theo quan sát của chúng tôi, dưới nền gạch của xưởng, nước da trâu bò thối đang phân hủy hòa lẫn với muối chảy lênh láng.  Phía đầu cửa là lỗ cống thoát nước muối hỗn hợp đưa thẳng ra hệ thống tiêu nước của làng. Trước cửa nhà bà Lộc, một ô tô tải chất các loại da trâu, bò, lợn tươi, ruồi nhặng bay vo ve, mùi xú uế nồng nặc. Tuy nhiên, nhìn bàn tay của bà Lộc cùng con trai đưa từng bộ da xếp thành hàng vào xưởng và phủ lớp muối mặn lên chúng tôi càng thấy được vất vả và nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh cao.

Bà Lộc cho biết: “Gia đình tôi chuyên đi thu gom da trâu, bò tươi từ các lò mổ trong cả nước sau đó đưa vào xưởng ướp muối. Cứ mỗi bộ da phải ướp từ 3 -5kg muối, từng lớp từng lớp như vậy xếp chồng đến vài chục bộ...”. Quy trình ướp muối này diễn ra từ 2 -3 ngày, sau đó lại đảo đi đảo lại, cho đỡ… bốc mùi thối. Sau khoảng 10 - 15 ngày thì thương lái Trung Quốc đến thu mua. Mỗi tấn da ướp sau khi trừ chi phí thu lãi 2 -3 triệu đồng…

60552

Chúng tôi tìm đến cơ sở nhà anh Nguyễn Văn Thông, một trong những hộ theo nghề lâu năm và gần như lớn nhất trong làng. Xưởng nhà anh khá quy mô, diện tích khoảng 700m2 có thể ủ ướp vài chục tấn da trâu bò. Vừa bước chân vào cổng, chúng tôi đã ngửi thấy mùi hôi thối của da trâu bò nồng nặc cùng với nước thối rỉ lênh láng. Kinh hoàng hơn, những đám dòi trắng bò lổm ngổm trên nền nhà xưởng

Khi được hỏi: “Làm nghề này không sợ dịch bệnh truyền nhiễm sao?” anh Thông cho biết: “Phần lớn các cơ sở giết mổ đều có kiểm dịch, nên hầu như không có dịch bệnh?”. Nói rồi, anh Thông chỉ tay ra chiếc xe ô tô với hàng chục công nhân mà anh thuê đang bốc dỡ da trâu bò, xung quanh ruồi nhặng bay vo ve… Theo quan sát, hầu hết công nhân lao động ở đây không dùng dụng cụ bảo hộ lao động, không găng tay, không khẩu trang vô tư tiếp xúc với các loại da trâu, bò nên nguy cơ tiềm ẩn nhiễm dịch bệnh từ động vật đã giết mổ rất cao. Bên cạnh đó, những đống nước thải mặn chát chảy xuống cống rãnh, nhiều thửa ruộng, hệ thống nước ngầm sinh hoạt của người dân nơi đây đang đứng trước nguy cơ bị xâm mặn…

60549

Chính quyền xã nói gì?

Ông Vũ Văn Đang – Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: “Nghề ướp da trâu, bò, lợn…  đã giải quyết được bài toán phát triển kinh tế, nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng, nhưng tình trạng xâm mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, hệ thống nước ngầm, ảnh hưởng đến môi trường sống thì không thể tránh khỏi, thậm chí một số thửa ruộng ven làng không thể cấy trồng sản xuất vì quá mặn từ nước thải lẫn muối.

Khi PV đề cập đến nguy cơ xã thành ổ dịch từ các loại gia súc, ông Đang cho biết, mấy năm gần đây, xã Hòa Bình là điểm được Trạm thú y huyện Thường Tín quan tâm thường xuyên cung cấp thuốc sát trùng để tránh lây lan dịch bệnh...  UBND xã đã có chủ trương xây dựng điểm công nghiệp làng nghề quy mô khoảng 6ha, liên quan đến khoảng 200 hộ dân để tập trung các hộ làm nghề ra xa khu dân cư, tránh ô nhiễm, lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình vận động người dân giao đất để xây dựng dự án, nên chính quyền còn bế tắc trong quy trình xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Thiết nghĩ, việc xây dựng điểm công nghiệp làng nghề cách xa các hộ dân cho người dân làm nghề là hết sức cần thiết. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh vận động bà con, đồng thời dùng biện pháp mạnh để thực hiện chủ trương này, tránh dịch bệnh cũng như đảm bảo môi trường sống không bị ô nhiễm.

Trung Hiếu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này