Kinh hoàng chợ thịt lợn bẩn

08:39 | 17/03/2015
Gần 10 năm nay, từ 2h – 5h30’ sáng, trước cây xăng ở xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội thường diễn ra phiên chợ “lợn bẩn” với quy mô lớn. Giá thịt lợn ở đây rẻ đến khó tin, chỉ từ 20. 000 đồng – 70. 000 đồng/1 kg.

Lợn “nguội” giá… 20.000 đồng

3h sáng một ngày đầu tháng 1, mưa phùn ướt nhẹp, dưới ánh đèn vàng vọt tại tỉnh lộ 419 đoạn qua xã Phú Bình huyện Thạch Thất, hàng trăm con lợn đã được mổ phanh, đặt tạm trên phản, bao tải cáu bẩn, thậm chí là dưới nền đất đầy rác rưởi. Lại gần, mùi tanh nồng, ngái ngái bốc lên.

Cảnh mua bán ở đây thật lạ, người mua lật qua lật lại tảng thịt, xem màu, ấn, cấu và… ngửi để trả giá. “Sở dĩ phải dùng “biện pháp nghiệp vụ” như vậy vì ở đây có nhiều loại thịt như thịt lợn “nguội” (chết – PV), lợn ốm, thịt lợn sề, thịt lợn ế. Tùy loại thịt mà có giá khác nhau. Nếu không tỉnh táo và có kinh nghiệm chọn hàng thì lỗ chổng vó”, một người đàn ông vừa cúi mặt xuống tảng thịt để ngửi vừa nói.

Trong vai một người cần mua lượng thịt lợn lớn, thường xuyên để đưa vào công ty, chúng tôi tiếp cận với chủ hàng. Theo đó, giá cả mỗi loại mỗi khác, từ 20 – 70. 000 đồng/kg. Cần bao nhiêu, chỉ cần gọi điện trước là có ngay. Một số chủ hàng còn gợi ý cách tẩy mùi, đánh lừa thị giác người tiêu dùng bằng cách vảy máu tươi, ướp hàn the, muối diêm để “phù phép” thịt lợn “bẩn” thành thịt lợn tươi.

3h30 sáng, theo quan sát của chúng tôi, hai người đàn ông và một phụ nữ đi trên chiếc xe tải, mua một lượng lớn thịt lợn ở đây, quẳng lên xe một cách nhanh chóng. Chỉ khoảng 30 phút, chiếc xe lao vội ra Đại lộ Thăng Long, phóng thẳng vào trung tâm thành phố. Bám theo chiếc xe này, chúng tôi đến chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm). Tại đây, số thịt lợn này được bán cho nhiều tiểu thương. Người mua nhiều thì 1 – 2 con, người ít thì 1/4 hoặc 1/2 con. Mua xong họ quẳng lên xe máy, tỏa đi mọi ngóc ngách ở Thủ đô.

Không dừng lại ở đó, tối 15/3/2015, phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã trở lại khu chợ này. Mới chỉ 2h30, người mua, kẻ bán đã tập trung kín hai bên đường trước cây xăng Bình Phú. Trong vai một tiểu thương, chúng tôi tiếp cận khu chợ. Tình trạng vẫn thế, vẫn để thịt dưới đất hoặc trên tấm bạt xanh đỏ, tạm bợ, bẩn thỉu. Giá bán kiểu “đổ đồng”, ước lượng và không bán riêng từng loại thịt như chúng ta thường thấy ở chợ.

Bên cạnh một số người bán thịt “tươi”, nhiều người lại bán loại thịt lợn có màu trắng bệch, bốc mùi. Thậm chí có con, người bán còn khoét chỗ thịt thối, đã phân hủy vứt đi. Chỗ còn lại vẫn gạ bán cho mọi người với giá ưu đãi. Khi chúng tôi lại gần hỏi giá, người đàn ông mặt quắt, đen đúa, nói gọn lỏn: “20”. Một người phụ nữ đứng cạnh chúng tôi, vội ngồi xuống, cúi rạp người, hít một hơi rồi quay ngoắt mặt, nhăn mũi: “Thịt thối quá”. “Thịt nguội tôi mới bán giá 20 chứ. Không mua thì thôi”, người đàn ông vẻ khó chịu đáp.

Quan sát, thấy người đàn ông và phụ nữ mua 4 con lợn ở các hàng khác nhau, vứt lên chiếc xe “cải tiến”, không có bạt che, buộc sau chiếc xe máy, chuẩn bị đi. Chúng tôi vội lên xe, ra đại lộ Thăng Long chờ trước. Khoảng 10 phút sau, chiếc xe xuất hiện, bám theo chiếc xe, chúng tôi có mặt tại chợ Quốc Oai. Đứng từ xa để ý, chúng tôi thấy hai vợ chồng này nhanh tay “pha” thành các loại, xếp ngay ngắn trên phản thịt. Trời hửng sáng, nhiều người đến lấy lượng thịt lớn để đi bán rong. Thỉnh thoảng có người phụ nữ đi thể dục sáng sớm cũng ghé qua mua vì tưởng… thịt lợn tươi mới mổ.

Liệu có bảo kê?

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, ông Hoàng Vĩnh Hiền, Đội trưởng Đội QLTT số 21 (Chi cục QLTT Hà Nội) khẳng định: “Thịt lợn bán về đêm ở Bình Phú do UBND xã Bình Phú và trạm thú y quản lý, thu phí và kiểm dịch rồi nên không có vấn đề gì đâu. Còn đối với Đội quản lý thị trường thì về ban đêm không làm việc, chỉ khi nào có yêu cầu phối hợp mới làm. Theo quy định thì chỉ có cơ quan thú y mới được phép kiểm tra kiểm dịch việc giết mổ. Nếu phát hiện bất thường thì báo cho quản lý thị trường xử lý”.

Còn theo ông Nguyễn Duy Đáng, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Thạch Thất thì điểm bán thịt lợn ban đêm tự phát tại Cống Đặng, xã Bình Phú hoạt động từ năm 2008 đến nay. Khi chợ hoạt động, lúc nào cũng có cán bộ thú y để nắm bắt tình hình nên không thể có chuyện buôn bán lợn ốm chết.

Khi phóng viên hỏi thịt lớn có đóng dấu kiểm dịch tại chợ hay không, ông Đáng cho biết là không được phép đóng dấu, mà chỉ đóng dấu ở cơ sở giết mổ. Cán bộ thú y túc trực ở đó chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm. Khi chủ lò đổ hàng xuống bán, cán bộ thú y sẽ nhìn bằng cảm quan, trình độ chuyên môn thấy thịt đảm bảo ATVSTP thì mới cho giao dịch. Người này cũng kiêm luôn việc thu phí vệ sinh thú y với mức135 đồng/kg. Mỗi tháng, cán bộ này nộp khoán vào ngân sách 1,5 triệu đồng và có trách nhiệm tẩy rửa, khử trùng sạch sẽ sau khi chợ tan.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, việc kiểm dịch ở đây lỏng lẻo, đa phần chủ lò mổ thường đem hàng đến, bán ngay cho người đến lấy. Mỗi con lợn đem đến đây đóng phí 10. 000 đồng. Người đến mua, phải trả tiền trông xe 3.000 đồng.

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: Người ăn thịt lợn ốm chết nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Có thể chia ra thành hai loại như sau: Loại thứ nhất là lợn ốm, chết do các bệnh như than, lở mồm long móng, nhiễm khuẩn, tai xanh, người ăn có thể lây bệnh liên cầu khuẩn, lở mồm, tả, tụ huyết trùng. Còn đối với lợn chết trong quá trình vận chuyển do để lâu ngày không mổ ngay dễ sinh ra vi khuẩn và gây các chứng bệnh liên quan đến đường ruột, tiêu hóa.

Tuấn Trung – Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này