Lo lắng trước tăng giá điện

11:20 | 17/03/2015
Từ ngày 16/3, chính thức áp dụng mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 7,5% so với giá điện bình quân hiện hành là 1.508,85 đồng/KWh, khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng.

Theo quyết định, giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 6 bậc: bậc 1 cho kW từ 0-50 là 1.484 đồng/kWh; bậc 2 cho kW từ 51 - 100 là 1.533 đồng/kWh; bậc 3 cho kW từ 101 - 200 là 1.786 đồng/kWh; Bậc 4 cho kW từ 201 - 300 là 2.242 đồng/kWh; bậc 5 cho kW từ 301 - 400 là 2.503 đồng/kWh; bậc 6 cho kW từ 401 trở lên là 2.587 đồng/kWh. Cấp điện áp 110 kV trở lên, giờ bình thường là 1.388 đồng/kWh; giờ thấp điểm là 869 đồng/kWh; giờ cao điểm là 2.459 đồng/kWh.

Việc tăng giá điện cũng như cách tính giá mới khiến nhiều hộ gia đình lo lắng phát sinh thêm các khoản chi phí. Bà Phạm Thị Nga, xã Hữu Hòa, Thanh Trì lo lắng: “ Gia đình tôi trung bình mỗi tháng dùng trên dưới 400kWh, nếu tính với giá bán điện mới và đợt tăng giá lần này áp dụng trên 2.500 đồng/kWh thì gia đình tôi phát sinh thêm chi phí vào từ 80 - 100.000 đồng/tháng. Nhất là mùa hè, gia đình dùng nhiều thiết bị, lượng điện sẽ nhiều lên…”.

Còn với những lao động nghèo, ngoại tỉnh lên Thủ đô thuê trọ để kiếm sống hàng ngày càng thêm lo lắng. Vợ chồng chị Tuyết, quê Thanh Hóa, thuê nhà ở Thanh Xuân mấy ngày nay ăn ngủ không yên  khi chủ nhà thông báo sẽ tăng giá điện lên 5.000 đồng/kWh.

Chị Tuyết chia sẻ: “Chồng tôi hàng ngày chạy xe ôm, tôi bán rau ở chợ mỗi ngày cả hai vợ chồng kiếm được 200 – 300.000 đồng. Hàng tháng, hai vợ chồng sử dụng khoảng trên dưới 150kWh điện. Nếu theo giá điện mới chủ nhà trọ báo 5.000 đ/số thì gia đình tôi phải mất thêm 150.000đ mỗi tháng. Tiền chi phí ăn ở là vậy, còn chi phí sinh hoạt, tiền nuôi 2 cháu ăn học ở quê, gia đình càng thêm gánh nặng…”.

Lao động phổ thông, sinh viên nghèo là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều từ việc giá điện, xăng cùng tăng. Đoàn Mạnh Thắng, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ chia sẻ: “Cách đây mấy hôm nghe tin chủ nhà trọ đòi tăng giá điện lên 5.000đ/kWh, chúng em phải thống nhất lại cách dùng điện làm sao cho thật tiết kiệm, rồi phải xin thêm tiền bố mẹ để bù vào tiền điện phát sinh hàng tháng. Chúng em bàn với nhau hàng ngày chỉ cắm nồi cơm điện, còn đun nước thì dùng bếp than, hạn chế thắp nhiều bóng điện…”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nêu quan điểm:  “Việc giá xăng và giá điện cùng bắt tay nhau tăng mạnh rõ ràng sẽ mang lại nhiều cái mất hơn là được. Tuy nhiên khi chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế thì phải chấp nhận thực tế này. Khi hai mặt hàng thiết yếu này cùng nhau tăng giá, chi phí sản xuất của nhiều ngành sẽ bị đội lên đáng kể, gánh nặng đè lên vai người tiêu dùng. Về lâu dài, điều này có thể dẫn tới việc phát triển kinh tế bị ảnh hưởng, GDP sẽ giảm. Đây là điều mà không ai mong muốn…”

Cũng theo ông Long, giá thành điện hiện nay của EVN chưa thực sự minh bạch gồm nhiều yếu tố như quản trị kém, thất thoát lớn, đầu tư ngoài ngành, chi phí bất hợp lý nên phải có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng… Ông Long lo ngại việc tăng giá ồ ạt của các mặt hàng nhu yếu phẩm khác theo giá xăng và điện. Đồng thời, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn hơn và phải thay đổi chính sách giá của mình để phù hợp với các biến động.

Trung Hiếu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này