29 triệu lao động tham gia BHXH vào năm 2020 có khả thi?

10:06 | 17/03/2015
Tính đến hết năm 2014, cả nước có hơn 11,6 triệu người tham gia BHXH.Tỷ lệ này mới chiếm hơn 20% tổng lực lượng lao động. Theo mục tiêu của Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, hướng tới năm 2020 sẽ có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH (tương đương khoảng 28-29 triệu lao động). Rất nhiều chuyên gia bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi để triển khai được mục tiêu này

Kì 1: Những thách thức trước mắt

Luật Bảo hiểm xã hội đánh dấu một bước tiến trong việc mở rộng đối tượng áp dụng BHXH và bổ sung nhiều quyền lợi cho người lao động (NLĐ). Thế nhưng, những khó khăn và thách thức trước mắt trong việc triển khai luật cũng được chính những “người trong cuộc” chỉ ra .

Xây đã khó, thực hiện còn khó hơn

Mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội đã đánh dấu một bước tiến trong việc mở rộng đối tượng áp dụng BHXH (đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2016 sẽ được mở rộng tới tất cả những người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tới những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Từ ngày 01/01/2018 tiếp tục mở rộng tới những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên và người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; đối tượng áp dụng BHXH tự nguyện từ ngày 01/01/2016 trở đi là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc (bỏ quy định giới hạn về trần tuổi trong tham gia BHXH tự nguyện). Cùng với đó là việc quy định linh hoạt về mức đóng, phương thức đóng góp và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ tạo cơ hội rộng mở hơn cho người dân khi tham gia và thụ hưởng BHXH...  Mục đích để hướng tới năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.

Thế nhưng, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, để đạt được con số 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, tương đương với 29 triệu người vào năm 2020 là điều không dễ. Bởi hiện nay mới chỉ có hơn 11 triệu người trên tổng số trên 50 triệu người lao động của cả nước tham gia BHXH, chiếm tỷ lệ 20%. Chưa kể, theo chỉ tiêu của Chính phủ giao cho ngành BHXH thời gian tới, mỗi năm chỉ phát triển thêm  500 nghìn đối tượng mới tham gia BHXH. Mà từ nay đến năm 2020 chỉ còn 5 năm. “Với tốc độ như vậy, làm sao cán mốc được 29 triệu người tham gia BHXH thì phải tính làm quyết liệt hơn, cũng như tính tuân thủ pháp luật cao hơn mới có thể làm được", ông Lợi cho hay.

Còn theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTBXH, trong 125 điều của Luật BHXH mới 2014 thì có tới 35 điều cần phải có các nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm, nếu không khi triển khai sẽ bị tắc như Luật Việc làm hiện đang triển khai.

Hiện nay, có tình trạng người sử dụng lao động và người lao động tự thoả thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động thấp hơn mức lương thực tế nhằm giảm thấp số tiền đóng BHXH. Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đây là một thoả thuận sai quy định pháp luật. Luật BHXH mới ban hành có điểm mới là đã trao quyền thanh tra về BHXH cho cơ quan BHXH. Như vậy, cơ quan BHXH có quyền tiến hành thanh tra doanh nghiệp về BHXH, yêu cầu doanh nghiệp xuất bảng lương và các chứng từ liên quan như bảng kê khai thuế… để buộc doanh nghiệp phải đóng BHXH theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Nguy cơ hàng triệu lao động không có lương hưu

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân thừa nhận, việc thực hiện mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó nhất là mở rộng đối tượng bảo hiểm tự nguyện. Phải có sự thay đổi lớn trong cách làm thì người dân mới tham gia. Bởi nhiều năm qua, tỉ lệ đối tượng này tăng rất thấp. Còn đối với đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc thì việc thực hiện một số thay đổi trong chính sách có tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Đơn cử như hơn 100.000 NLĐ nghỉ chế độ từ các DN nhà nước chuyển sang cổ phần hóa. Hay quy định lộ trình về tiền lương đóng tiệm cận dần với tiền lương và thu nhập thực tế của NLĐ có tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, trong đó DN nhà nước là đối tượng chịu tác động nhiều nhất... Một khó khăn lớn khác là huy động lực lượng thanh tra BHXH vào cuộc nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng của doanh  nghiệp. “Xây dựng luật đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn. Do đó, để thực hiện được mục tiêu đề ra, nhất là trong việc mở rộng đối tượng thì chính sách phải rõ ràng; cần phải tăng cường thanh tra, sửa đổi hệ thống chế tài; đẩy mạnh tuyên truyền; đặc biệt là cả hệ thống chính trị - xã hội phải cùng vào cuộc với quyết tâm cao”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân  khẳng định.

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTBXH , báo cáo của BHXH  Việt Nam, hiện ngành mới quản lý được có 37% số DN tham gia đóng BHXH (trong khi đó theo báo cáo của Tổng cục Thống kê thì có tới 65% trong tổng số DN hiện nay có quy mô dưới 10 lao động trở xuống). Hay hiện cả nước có tới 13.000 hợp tác xã (HTX) nhưng BHXH mới chỉ quản lý 5.000 HTX. Đồng thời, BHXH cũng mới chỉ quản lý được có 0,7% số hộ kinh doanh cá thể có tham gia BHXH trong số 7 triệu hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn cả nước hiện nay. “Điều này cho thấy, tiềm năng đối tượng tham gia BHXH rất lớn nhưng ngành BHXH vẫn chưa quản lý được”, ông Tân nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, tỷ lệ người tham gia BHXH hiện nay vẫn còn quá thấp. Điều này có nghĩa trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, đó là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người. Do đó, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh diện bao phủ BHXH đồng thời Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện để hướng tới năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH là mục tiêu cần hướng tới của chính sách Luật BHXH mới. Còn ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, phải tăng số người tham gia BHXH mới có nguồn để lo cho an sinh, tuy nhiên có tăng diện bao phủ của BHXH trong thời gian sắp tới hay không tùy thuộc rất lớn vào nỗ lực của ngành bảo hiểm.

Kỳ 2: Giải pháp nào hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người dân

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này