Nhiều doanh nghiệp “phớt lờ” thống kê, báo cáo về TNLĐ

09:54 | 17/03/2015
Khai báo, thống kê về tình hình tai nạn lao động (TNLÐ) là một trong những việc làm bắt buộc để các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt giải quyết sự việc trước mắt hoặc đưa ra các giải pháp hữu hiệu, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay việc khai báo, thống kê, báo cáo tình hình TNLĐ vẫn bị nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả cấp quản lý về ATLĐ một số địa phương "phớt lờ"...

90% số vụ TNLĐ “để ngoài sổ sách”

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, năm 2014, cả nước xảy ra 6.709 vụ TNLĐ làm 6.941 người bị nạn, trong đó có 592 vụ TNLĐ chết người làm 630 người chết. Tuy chỉ tăng 14 vụ (0,2%) so năm 2013, nhưng số người bị nạn do TNLĐ năm 2014 tăng 56 người (tăng 0,8%), số vụ có người chết tăng 30 vụ (tăng 5,3%), số người chết tăng ba người (tăng 0,47%). Trong đó, Đồng Nai là địa phương có số vụ TNLĐ nhiều nhất (1.462 vụ) và TP Hồ Chí Minh là địa phương có số vụ TNLĐ chết người cao nhất cả nước (100 vụ). Một số địa phương khác cũng xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người như: Hà Nội (33 vụ), Bình Dương (31 vụ), Quảng Ninh (31 vụ)... TNLĐ đang xảy ra nhiều và nghiêm trọng trong các lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm hơn 33% tổng số vụ tai nạn và 33,9% tổng số người chết, tiếp đó là lĩnh vực khai thác khoáng sản chiếm 11% tổng số vụ và 12% số người chết. Tuy nhiên, những con số đáng giật mình nói trên vẫn chưa phản ánh chính xác thực trạng TNLĐ hiện nay. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, phần chìm của tảng băng - khoảng 90% số vụ TNLĐ trên cả nước mỗi năm đã bị "để ngoài sổ sách" .

TS khoa học Phạm Quốc Quân (Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhận định: "TNLĐ trên cả nước nhiều, thiệt hại lớn, nhưng không được thống kê đầy đủ. Chỉ khoảng 10% số vụ TNLĐ được báo cáo. Ngay những số liệu được nêu ra trong Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ hằng năm về số người chết, số vụ TNLĐ, số ngày công bị mất, thiệt hại... cũng không phản ánh đúng thực tế". Trong khi đó, theo phản ánh của người dân thì khi để xảy ra TNLĐ có người chết hoặc bị thương, nhiều đơn vị sử dụng lao động có xu hướng "giấu nhẹm", thỏa thuận đền bù riêng với gia đình người bị nạn, hay điều chỉnh sai lệch hồ sơ, tính chất vụ việc, chứ không trung thực báo cáo, nhằm che đậy sai sót trong công tác bảo đảm ATLĐ. Những vụ tai nạn xảy ra trong khai thác khoáng sản tư nhân, xây dựng nhà ở dân dụng càng khó kiểm soát và hầu như không có báo cáo.

Rõ ràng, tình hình điều tra TNLĐ và việc thực hiện khai báo, thống kê, báo cáo TNLĐ của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, năm 2014, mặc dù cả nước có gần 600 vụ TNLĐ nhưng đến đầu tháng 2/2015, Bộ mới nhận được 202 biên bản điều tra, liên quan đến 224 nạn nhân bị chết, chỉ chiếm 34% tổng số vụ TNLĐ chết người. Cũng theo Bộ LĐ-TB và XH, năm 2014, cả nước chỉ có 19.780 doanh nghiệp trong tổng số 269.554 doanh nghiệp (khoảng 6,9%) có báo cáo về tình hình TNLĐ.

Cần xử phạt nghiêm khắc

Theo các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân gây ra những bất cập, hạn chế trong công tác khai báo, thống kê, báo cáo về TNLĐ. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc khai báo, thống kê, báo cáo. Họ e ngại việc để các cơ quan chức năng biết những thiếu sót và sự cố về ATVSLĐ, TNLĐ, BNN sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của DN và bản thân họ.  Bên cạnh đó, nhiều DN thiếu hiểu biết do không tìm hiểu, cập nhật các văn bản pháp luật về khai báo, thống kê, báo cáo trong công tác BHLĐ. “Tôi tưởng chỉ khi nào có TNLĐ chết người thì mới phải báo cáo” hoặc “không thấy cơ quan nào nhắc nhở cần phải báo cáo”... Đó là cách lý giải thông thường của DN trước những câu hỏi của đoàn thanh tra, kiểm tra về BHLĐ. Một nguyên nhân nữa là sự thiếu ý thức chấp hành đến mức coi thường các quy định của pháp luật của NSDLĐ. Nhiều NSDLĐ biết đến các quy định của pháp luật nhưng do việc thực hiện công tác BHLĐ còn nhiều sai phạm, thiếu sót nên khi TNLĐ xảy ra, họ thường tìm mọi cách có thể để che dấu và thỏa thuận bồi thường với nạn nhân hoặc gia đình họ. Ngoài ra, việc các cơ quan quản lý chưa có  giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh; các đoàn thanh tra, kiểm tra về BHLĐ xử lý chưa  nghiêm minh; những biểu mẫu về thống kê, báo cáo TNLĐ hiện hành còn rườm rà, khó thực hiện, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ tích răn đe... là những nguyên nhân dẫn đến những vi phạm về BHLĐ.

Theo Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB và XH) Hà Tất Thắng, những bất cập trong công tác khai báo, thống kê, báo cáo về TNLĐ đã gây khó khăn trong việc tổng hợp, đánh giá tình hình TNLĐ trên toàn quốc. Trước thực trạng này, Cục An toàn lao động đã đề nghị thanh tra Sở LĐTB và XH các địa phương kiên quyết xử phạt doanh nghiệp không báo cáo định kỳ về TNLĐ theo quy định của Chính phủ. "Đã đến lúc các ngành chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, phải có những chế tài mạnh để răn đe, xử lý tận gốc các hành vi vi phạm pháp luật về ATLĐ, nhất là các hành vi vi phạm dẫn đến TNLĐ chết người của các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động; hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo TNLĐ... Đồng thời, các cơ quan liên quan cần tăng cường phối hợp trong việc điều tra, xử lý nhanh và dứt điểm các vụ TNLĐ", ông Hà Tất Thắng nhấn mạnh. 

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này