Sách điện tử: Nỗi lo xâm hại tác quyền

10:36 | 08/05/2014
LĐTĐ -Ngay sau khi sách in, sách điện tử chính thống được phát hành, những phiên bản điện tử bất hợp pháp được phát tán trên mạng internet. Điều này gây thiệt hại không nhỏ đến các công ty kinh doanh sách điện tử chân chính.

Thách thức cơ quan chức năng

Trong những năm gần đây, thị phần sách điện tử đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với sách in. Với nhiều bạn đọc, nhất là học sinh, sinh viên, việc bỏ vài trăm nghìn để mua một cuốn sách đã trở thành xa xỉ. Trong khi sách giấy đắt đỏ thì sách điện tử lại là sự lựa chọn của nhiều người nhằm tiết kiệm chi phí. Chỉ cần bỏ ra số tiền ít ỏi so với sách in là có thể sở hữu được sách điện tử với nội dung như mong muốn.

Nhanh, tiện ích, tiết kiệm chi phí là những lợi thế nổi trội của sách điện tử. Với nội dung đa dạng, cập nhật liên tục, giá cả phải chăng, sách điện tử đang trở thành xu thế tất yếu của văn hóa đọc. Tuy nhiên, sách điện tử đang phải đối mặt với nỗi lo lớn, đó là sách lậu và vi phạm bản quyền. Có thể kể ra các dạng vi phạm điển hình như: tiến hành số hóa các tác phẩm văn học; kinh doanh sách văn học điện tử (ebook) thông qua việc cho phép đọc, truy cập, sao chép và lưu trữ trên các website, sao chép cá nhân bằng các kỹ thuật hiện đại... mà không xin phép tác giả và không hề trả tiền bản quyền. Khác với sách in lậu, việc phát tán sách điện tử lậu đơn giản và không tốn kém về chi phí cũng như công sức, thời gian.

Phạm vi vi phạm của sách điện tử lậu khá rộng. Hơn nữa Luật Xuất bản hiện nay vẫn chưa có những quy định rõ ràng, chế tài xử phạt thực tế chưa đủ răn đe khiến cho sách điện tử lậu ngày càng trở nên công khai và trắng trợn, thách thức cơ quan quản lý và cơ quan chức năng.

Sách lậu và nhận thức

Công bằng mà nói, phần lớn người dân đều thích đọc “sách chùa”,  sách không mất tiền. Thêm nữa là sự phát triển của công nghệ điện tử, thiết bị cá nhân như Iphone, Ipad, Kindle, smartphone... giúp người đọc thỏa sức tìm kiếm, đọc sách online mọi lúc mọi nơi, khiến cho sở thích dùng “sách chùa” ngày một phổ biến. Thực tế, có khá nhiều trang web cho phép người đọc online và tải về các tác phẩm “hot” và mới mà không mất khoản phí nào.

Hiện nay đang tồn tại sự thật đáng buồn, đó là có nhiều tác giả trẻ muốn “câu” độc giả, lợi dụng công nghệ để đánh bóng tên tuổi. Họ dễ dãi chấp nhận, thậm chí cung cấp các ấn phẩm miễn phí, hậu thuẫn cho nạn xâm hại tác quyền trên internet. Những tác giả trẻ này coi đây là một bí quyết để lăng xê tác phẩm cũng như tên tuổi.

Nhiều nhà xuất bản lớn bức xúc vì sách của mình vừa mới ra thị trường đã bị phát tán tràn lan trên mạng. Tuy có nhờ luật sư khởi kiện nhưng vẫn không đủ lực, các ebook bất hợp pháp vẫn ngang nhiên không dỡ bỏ. Để chống lại vấn nạn sách lậu, một số nhà xuất bản nổi tiếng, như NXB Trẻ đã tự giảm giá bán mỗi bản ebook với giá rẻ, chỉ 5.000 - 10.000 đồng/bản, thậm chí có thể sẽ bán chỉ 1.000 đồng/bản với hi vọng với mức giá thấp này sẽ không còn ai tiếp tay cho sách lậu nữa.

Để sách điện tử có bước phát triển vững chắc hơn, không chỉ cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ với chế tài mạnh, mà quan trong hơn ở mỗi bạn đọc cần phải trang bị cho mình văn hóa đọc lành mạnh, ý thức hơn về tác quyền để đảm bảo quyền tác giả.

Hy vọng thông qua ngày sách và Ngày bản quyền thế giới 23.4 có thể nâng cao nhận thức và văn hóa đọc của người Việt.

Nguyễn Hoài
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này