Thị trường lao động đón vận hội Cộng đồng kinh tế ASEAN: Mỏi mắt tìm chuyên gia

10:16 | 10/03/2015
Theo lộ trình vào cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời. Đối với nền kinh tế nói chung, thị trường lao động nói riêng, cơ hội nhiều, thách thức cũng không ít. Tận dụng cơ hội thế nào để không bị thua ngay trên sân nhà là vấn đề thời sự, cần lời giải!

Nếu so với các nước trong khu vực, Việt Nam có số lượng các giáo sư (GS); phó giáo sư (PGS); tiến sỹ (TS), thạc sỹ (Ths) nhiều nhất. Tuy nhiên, so sánh với các nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thailand hay Philipiness…  thì nước ta lại đang rất thiếu chuyên gia. Bức tranh giáo dục – đào tạo thời gian qua dường như đang có vấn đề.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục- Đào tạo, hiện cả nước có trên 400 trường đại học- cao đẳng (ĐH- CĐ), hàng năm cung cấp hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư. Chỉ riêng đội ngũ GS, PGS, TS Việt Nam có số lượng đông đảo. Hiện Việt Nam có hơn 24 ngàn TS, hơn 9.000 GS.

Với một lực lượng đông đảo  GS, PGS, TS như vậy, chúng ta phải là lò đào tạo ra các chuyên gia, nguồn nhân lực có chất lượng cao trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, mỗi năm có hàng chục vạn sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; doanh nghiệp phải đào tạo lại, còn chuyên gia vẫn rất hiếm.

Nhìn nhận góc độ này, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, với số dân trên 90 triệu người, Việt Nam chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS/vạn dân (kể cả GS, PGS đã mất hoặc nghỉ hưu),  không quá 5,6% giảng viên đại học là GS hoặc PGS và 416 sinh viên/1 GS hoặc PGS. Trong khi đó, ở CHLB Đức, số lượng và cả chất lượng GS cao hơn Việt Nam nhiều (trong 1 vạn dân có 3 GS và cứ 59 sinh viên có 1 GS). Như vậy, đội ngũ GS, PGS ở nước ta, khá mỏng về số lượng và cả chất lượng.  Đã thế, cơ cấu phân bổ không đều, có nơi, có trường, có viện, cơ quan nhiều GS, PGS, TS, song có nơi rất ít. Như khoa tâm lý giáo dục một trường ĐH ở Hà Nội có đến gần 20 GS, PGS, nhưng cũng khoa này ở ĐH Sư phạm TP HCM chỉ có 1 đến 2 người. Còn ở những vùng sâu, vùng xa như Phú Yên, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hà Giang… số lượng GS, PGS rất ít, thậm chí học vị TS cũng đếm trên đầu ngón tay. Điều này là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục bậc ĐH, CĐ.

Dưới góc độ chuyên môn, một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ nước ta nhiều GS- TS là do cơ chế. Trước đây, những học vị, học hàm này chỉ có ở các trường đại học, viện nghiên cứu. Nay thì ở các cơ quan nhà nước cũng tràn lan. Đã thế, những GS, PGS, đặc biệt là TS, Ths trong các ngành khoa học cơ bản, công nghệ thì ít, các ngành kinh tế, luật, khoa học xã hội nhân văn lại quá nhiều.

GS, PGS, TS nhiều, các trường đại học, cao đẳng mọc lên ngày một lắm, nhưng việc đào tạo lại nặng về lý thuyết, chất lượng kém. Lãnh đạo một công ty trong lĩnh vực phần mềm tâm sự:  Đến hết năm 2015, công ty cần tuyển dụng thêm khoảng 9.000 người. Nhưng vấn đề đặt ra là nguồn cung về nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) lại chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là vấn đề chất lượng. Thống kê gần đây cho thấy, có tới 72% sinh viên ngành công nghệ thông tin không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết lĩnh vực hành nghề, 70% sinh viên không thành thạo ngoại ngữ. Trong khi, hiện có đến 70% số trường đại học hiện nay đều có khoa cộng nghệ thông tin.

Muốn CNH- HĐH thành công, vai trò của lao động có trình độ cao và chuyên gia rất quan trọng. Đặc biệt, trong tiến trình hình thành AEC, trên bình diện lao động, quốc gia nào có trình độ tay nghề cao, chuyên gia nhiều sẽ thắng thế trong cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động. Việt Nam rất ít chuyên gia, nhưng khi cộng đồng kinh tế hình thành, rất có thể các chuyên gia của ta lại sang các thị trường có mức thu nhập cao hơn để làm. Điều này, dẫn đến tác động ngược, nền kinh tế trong nước, cụ thể các phân ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp không những không thu hút được nhân tài mà còn bị chảy máu chất xám. Trong khi, chúng ta không đủ tài chính để thuê các chuyên gia giỏi của các nước vào làm việc.

Hà Lê- A. Tùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này