Sự thật về “thuốc tiên” chữa bách bệnh: Treo đầu dê bán thịt chó

09:22 | 12/03/2015
Không cửa hiệu, không bác sĩ khám bệnh mà vẫn có thể bán thuốc cho người bệnh. Đó là tình trạng tại cơ sở bán thuốc của bà Lê Thanh X., ở đường Vũ Ngọc Phan (Láng Hạ, Đống Đa). Chỉ cần bỏ ra 100 nghìn đồng là có trong tay một gói “thuốc tiên” chữa được bách bệnh. Trong quá trình thâm nhập, điều tra PV đã phát hiện ra nhiều nghi vấn về xuất xứ và tác dụng phụ của mớ thuốc “hổ lốn” này

Diện kiến thầy thuốc rởm

Qua lời giới thiệu của H, một cô bạn đã từng dùng thuốc tại nhà bà Xuân, chúng tôi được H cho biết: “Cơ sở bán thuốc ởngay nhà bà Xuân đã bán nhiều năm nay, với giá 100 nghìn đồng một gói mà hiệu quả lắm”. Cũng theo lời H, cơ sở này luôn đóng cửa im ỉm, nếu muốn gặp bà Xuân mua thuốc thì phải gọi điện trước, sau đó sẽ được hướng dẫn tìm đến nhà.

Trong vai một người đang bị bệnh khớp đến mua thuốc, trước khi tới tôi đã gọi điện thoại trao đổi trước về tình trạng bệnh của mình với bà X. Tôi cũng bày tỏ nguyện vọng có bệnh thì vái tứ phương, mong gặp được thầy, gặp thuốc. Nghe chúng tôi nói vậy, bà X. khẳng định tối đến lấy thuốc về uống nhất định sẽ khỏi. “Bệnh khớp hả, vậy anh tìm đến đúng địa chỉ rồi đấy. Gì chứ bệnh về xương khớp thì thuốc của tôi trị được hết, đảm bảo chỉ dùng hai gói thuốc là đi lại bình thường”. Sau lời chào hàng, bà X. không quên nói với theo: “Đến thì cứ bấm chuông cửa, có người trong nhà sẽ ra đưa thuốc cho”.

Nằm ngay đầu phố Vũ Ngọc Phan, không khó để chúng tôi tìm ra cơ sở này. Sau nhiều lần bấm chuông trong nhà có một người đàn ông đi ra, cẩn trọng nhìn xung quanh. Sau khi chúng tôi nói là bệnh nhân muốn tới mua thuốc thì người đàn ông mới vào trong nhà và gọi một người phụ nữ tầm 50 tuổi đi ra. Thấy chúng tôi bà đưa ánh  mắt dò xét rồi hỏi: “Thế ai bị bệnh? Bị bệnh gì? Lấy mấy gói thuốc?”, thái độ của bà cho thấy chỉ trao đổi mua bán ngoài cổng, chứ không được vào nhà.
Với lý do lần đầu tìm đến mua thuốc, chưa biết công dụng và cách dùng của thuốc như thế nào, nên dù không được thoải mái nhưng người phụ nữ đành miễn cưỡng mời chúng tôi vào trong nhà. Theo giới thiệu, chúng tôi được biết bà chính là Lê Thanh X., người đã nói chuyện điện thoại với tôi lúc trước. Sau khi hỏi tình trạng bệnh của tôi, một lần nữa bà X. không ngớt miệng quảng cáo về phương thuốc mà mình đang bán. Bà ta đặt trước mặt chúng tôi một gói thuốc bọc bằng túi nylon, trong đó có 20 gói thuốc nhỏ với những viên thuốc đủ các màu xanh, đỏ, trắng, vàng... chia ra thành từng phần đều nhau mà theo lời bà, “Mỗi gói nhỏ là một liều uống”. Trước sự bỡ ngỡ của tôi, bà X. tiếp lời: “Đây là bài thuốc đông y gia truyền, được kết hợp với một số vị thuốc tây y đều do các công ty dược trong nước sản xuất, và đang được phép lưu hành. Dùng được cho mọi lứa tuổi, già trẻ trai gái, nhẹ như sổ mũi, nhức đầu, nặng như tê liệt, bệnh hiểm nghèo...”.

Bà X. cho biết thêm: “Đây là bài thuốc của người nghèo, rẻ tiền và hiệu quả kì lạ”. Thuốc dạng viên dễ uống, không gây nghiện, không nhờn thuốc, không tác dụng phụ lại không phải kiêng khem, nên người bệnh dễ sử dụng. “Thường mỗi người bệnh tìm đến nhà tôi mua thuốc chỉ một đến hai gói là khỏi bệnh. Người yếu thì uống một gói chia thành hai buổi sáng và tối. Nhớ uống thuốc sau khi ăn no và phải uống nhiều nước để giúp gan giải trừ các chất độc trong người. Khi uống thuốc chỉ cần tránh uống rượu bia là được”, bà X. hướng dẫn.

Sợ chúng tôi quên, bà X. còn đưa cho chúng tôi một tờ giấy A4 dày đặc chữ in hướng dẫn sử dụng, công dụng, cách dùng của thuốc. Không chỉ dừng ở đó bà X. còn quảng cáo: “Một gói thuốc to như thế này có 100 nghìn đồng thôi. Thuốc rẻ nhưng không có nghĩa là không quý, thuốc quý không nhất thiết phải đắt tiền mà điều đặc biệt là khỏi bệnh”. Nhưng khi được hỏi về việc một gói thuốc giống nhau mà lại có thể chữa nhiều bệnh bà X. lại lắp bắp, khó trả lời và không có một lời giải thích thỏa đáng nào khác ngoài câu nói: “Uống khỏi là tốt, tôi không biết thuốc gì chỉ biết là thuốc đông tây y kết hợp. Thuốc tốt nên nó có thể chữa được nhiều bệnh, cứ hợp thuốc là khỏi”.

Mơ hồ về nguồn gốc “Thuốc tiên”

Theo quan sát của PV, mỗi buổi chiều có khoảng 10 người tới gọi cửa nhà bà X. để lấy thuốc. Người thì lấy một gói, người thì lấy nhiều hơn. Có thể dễ dàng nhận thấy số tiền thu được từ việc bán thuốc của bà X. là không ít. Mỗi cuộc mua bán giao hàng diễn ra nhanh chóng chỉ vỏn vẹn trong vòng 5 phút và giao dịch chỉ diễn ra ở ngoài cổng. Đối với những người lần đầu đến lấy thuốc thì bà X. đưa thêm tờ giấy hướng dẫn sử dụng để người bệnh tiện về uống thuốc. Không những vậy bà luôn miệng khẳng định với người bệnh đây là bài thuốc “thần dược”, “thuốc tiên”. Bà cho biết đã có nhiều bác sĩ có tiếng công nhận tác dụng tuyệt vời của bài thuốc này.

Hàng ngày bà X. chỉ bán hàng trong nhà, khi có khách gọi mới ra đưa thuốc mà không hề mở cửa hàng bán. Bà X. lí giải: “Tôi bán thuốc nhiều năm rồi, mặc dù thuốc tốt nhưng mình không phải bác sĩ nên không được phép mở cửa hiệu. Hơn nữa mở cửa hiệu lại phải đóng thuế. Trong khi thuốc của tôi toàn người quen dùng, họ thấy hiệu nghiệm nên rỉ tai nhau tìm đến tôi mua chứ đâu phải quảng cáo gì”. Khi chúng tôi thắc mắc về thành phần, nguồn gốc xuất xứ của thuốc bà X. ấp úng không trả lời. Bà X. chỉ cho biết: “Đây là thuốc đông tây y kết hợp và là bài thuốc gia truyền của bác sĩ Cao Xuân Lung chế ra”. Khi hỏi về thành phần thuốc thì bà X. tỉnh bơ: “Tôi chỉ là đại lý phân phối thuốc, là người bán thuốc không phải bác sĩ nên tôi không rõ”. Theo như tờ hướng dẫn sử dụng thuốc mà bà X. đưa cho chúng tôi, tên tuổi và địa chỉ của vị bác sĩ chế ra bài “thuốc tiên” nay rất là mơ hồ: “Bài thuốc của cố BSCKII- Cao Xuân Lung- cán bộ LTCM 60 tuổi Đảng, huy chương BVSKND và nhiều huân chương khác…”.

Ngoài ra trên tờ quảng cáo còn có thông tin về bác sĩ Bùi Huy Hùng – giảng viên Học viện Quân y (nhà số 5 khu A7 tập thể Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) đã có bài viết ca ngợi tác dụng và sự kết hợp hài hòa sáng tạo của bài thuốc. Để xác minh thông tin, chúng tôi lại tiếp tục tìm đến nhà bác sĩ Bùi Huy Hùng và ở đây chúng tôi  được bác sĩ cho biết, ông từng giảng dạy trong Học viện Quân y nhiều năm, ông cũng đã có nhiều bài viết về các loại bệnh đăng trên các báo và ghi rõ địa chỉ cụ thể để người bệnh có thể gọi đến nhờ ông tư vấn. Trước việc có người đăng thông tin của mình trên tờ quảng cáo, trong khi sự thực thì không phải như thế, ông Hùng bức xúc: “Vài ngày trước cũng có hai cô sinh viên cầm tờ quảng cáo đến nhờ ông tư vấn, đồng thời cũng nói là ở khu vực Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) đang truyền tay nhau về tờ quảng cáo có 1 loại thuốc chữa “bách bệnh”, thực sự đó là một sự bịa đặt  trắng trợn”. PV sẽ tiếp tục thông tin về những phản ứng của vị bác sĩ bị mượn danh và hậu quả của việc dùng thứ thuốc này.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này