"Sao ngoại" bài toán khó của các bầu show Việt

14:28 | 14/01/2014
LĐTĐ - Trên con đường hội nhập chung của cả đất nước với thế giới nền công nghiệp giải trí bước vào những năm 201x đang chứng kiến sự cạnh tranh hết sức thú vị giữa các ca sĩ, nghệ sĩ trong nước với những tên tuổi đến từ nước ngoài.

 

"Sao ngoại" - họ là ai?

Sao "ngoại": Bài toán khó cho các bầu show Việt - Ảnh 1

SNSD - nhóm nhạc nữ Hàn Quốc được khán giả Việt yêu mến.

Điều dễ nhận ra nhất là đa số những ngôi sao "ngoại" đến Việt Nam trong thời gian gần đây đều là những tên tuổi hoặc vẫn còn mới mẻ nhưng được giới trẻ Việt Nam đặc biệt yêu thích hoặc đã qua thời kỳ đỉnh cao của mình.

Có thể kể ra những tên tuổi như Girl’s Generation (SNSD), Brown Eye Girls, T-ara, SuJu, hay thậm chí là Lady Gaga đã đến Việt Nam biểu diễn khi vẫn còn là những tên tuổi mới mẻ ít nhất là đối với khán giả Việt Nam. Thậm chí riêng với trường hợp của Lady Gaga mãi sau này khi cô bắt đầu nổi tiếng với sự quái dị cùng những bài hit của mình như Bad Romance, Telephone… người Việt mới bắt đầu ngỡ ngàng nhận ra: "thì ra cô gái này đã từng đến biểu diễn tại Việt Nam".

Ngay cả đến những gương mặt từ Mỹ hay Châu Âu như David Cook, Alexandre Burke và David Archuleta cũng vẫn là những nghệ sĩ đang chật vật ở những bước đầu tiên trên con dốc tìm đến đỉnh cao của mình.

Nhóm thứ hai của các ngôi sao nước ngoài là những tên tuổi đã qua rồi thời kỳ đỉnh cao. Mở đầu cho trào lưu này là đôi song ca Air Supply đến Việt Nam khi số tuổi của cả hai cộng lại đã vượt quá trăm từ lâu và thời gian cách xa thời hoàng kim của họ cũng đã ngót nghét đến con số 20. Tiếp sau đó có thể kể đến lão tướng Bob Dylan, Ronan Keating của Boyzone, nhóm nhạc một thời lừng lẫy Backstreet Boys của thập niên 90, và Westlife của đầu những năm 2000 cũng chọn Việt Nam làm sân khấu cho mình.

Khác với những ngôi sao mới đến Việt Nam thông qua những lời mời từ các chương trình giao lưu văn hóa, những sao "già" chọn Việt Nam như một sân khấu với các khán giả hoàn toàn mới mẻ để níu lại "những khoảnh khắc rực rỡ" của mình.

Hiếm hoi lắm mới có những trường hợp như Bi Rain với "Rain’s coming" và Super Junior với "Super show 3" đến Việt Nam biểu diễn khi tên tuổi của họ đang thật sự làm mưa làm gió không chỉ trong khu vực Châu Á mà còn trên khắp thế giới. Dù mới hay cũ, dù đang hot hay đã nguội dần, thì đối với khán giả Việt Nam những sao ‘tây’ vẫn có đầy sức thu hút lạ lẫm, mới mẻ, nhưng thực sự chưa là đủ để kéo khán giả đến với show diễn.

Sao "ngoại": Bài toán khó cho các bầu show Việt - Ảnh 2

 Bi-Rain vẫn luôn là 1 tên tuổi hút khách đối với fan Việt.

Sao "ngoại" có phải là sự lựa chọn khôn ngoan?

Nhưng sao "ngoại" không hoàn toàn là yếu tố đảm bảo sự thành công của một chương trình đứng trên hai phương diện, chất lượng nghệ thuật giải trí đối với khán giả và doanh thu phòng vé đối với nhà tổ chức.

Với những chương trình có sự tham gia của các sao "ngoại" giá vé rất dễ bị đẩy lên cao, trung bình là 2 – 3 triệu cho một khán giả để có thể tham gia đêm diễn. Điều đó cũng rất dễ để có thể thông cảm được với nhà tổ chức khi họ đã phải chi khá nhiều chi phí từ việc phương tiện di chuyển, đi lại, ăn ở của sao và thậm chí có một số trường hợp phải chịu luôn phí chuyên chở cơ sở vật chất và chuyên gia để đảm bảo chất lượng của chương trình.

Còn nhớ show diễn hoành tráng mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên tại Việt Nam của Bi Rain đã chứng kiến những màn hình LED hiện đại được mang theo đoàn trong chiếc chuyên cơ riêng của anh. Và thật sự những màn hình này đã mang đến cho khán giả tại sân vận động Quân Khu 7 thời điểm đó những trải nghiệm thật sự mới mẻ và khó quên tại thời điểm đó. Tuy nhiên, việc này cũng đã vô tình đẩy mức giá cho một khán giả vào xem trở nên quá xa vời đối với những người hâm mộ phần lớn thuộc lứa tuổi sinh viên, học sinh. Do đó, việc không thể lấp đầy khán đài bằng khán giả trong những chương trình có sao "ngoại" là điều dễ hiểu.

Đầu năm 2011, show diễn tại Việt Nam của David Archuleta đã công nhận những nỗ lực vượt bậc của nhà tổ chức khi giữ được mức vé thấp nhất 100.000 để có thể thu hút đối tượng khán giả học sinh sinh viên. Không chỉ có chàng á quân của American Idol, với giá vé này, khán giả còn được xem những tên tuổi đình đám của Vpop như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Ngô Thanh Vân, Uyên Linh… Thế nhưng sự thật là những hàng ghế trống vẫn xuất hiện trong chương trình. Có thể lý giải rằng cái tên David Archuleta không thật sự là một cái tên “nóng” ở Việt Nam và việc cắt giảm các chi phí trong đó có chi phí quảng bá sự kiện để giảm giá vé đã là một trong số những nguyên nhân dẫn đến việc khán giả vẫn tỏ ra thờ ơ với show diễn hoành tráng này.

Sao "ngoại": Bài toán khó cho các bầu show Việt - Ảnh 3

Nhóm nhạc Super Junior luôn có số lượng fan khủng tại Việt Nam.

Mặt khác, so sánh với sự thành công của “Super show 3” trước đó chúng ta cũng có thể nhìn thấy gu thưởng thức của khán giả ngày nay rất phong phú. So với 13 chàng trai đến từ Hàn Quốc lắm chiêu nhiều trò, từ ca hát, nhảy múa, giả trang, diễn hài kịch trên sân khấu thì chương trình chỉ toàn hát và hát của David Archuleta trở nên thật sự đơn điệu dù rằng so sánh về chất lượng nghệ thuật, khả năng ca hát và đẳng cấp âm nhạc thì Hàn Quốc vẫn không thể nào có thị trường rộng lớn như Mỹ được.

Lời kết...

Nhìn chung, sự xuất hiện của những ngôi sao nước ngoài vào nền công nghiệp biểu diễn của Việt Nam đã thổi vào đó một luồng gió mới. Khán giả giờ đây hoàn toàn có quyền mong đợi gặp gỡ những thần tượng của mình ngay tại đất nước của mình. Tuy nhiên, vấn đề này lại trở thành một bài toán cực kỳ khó đối với nhà tổ chức khi họ chẳng thể chắc chắn được khả năng thu hồi vốn của mình khi đầu tư không nhỏ đối với những chương trình này.

 

Nguồn ĐS&PL

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này