Truyền hình thực tế đang tuột dốc không phanh?

09:57 | 22/01/2014
LĐTĐ - Những năm gần đây, các chương trình giải trí mang tính thực tế, đặc biệt là những chương trình mua bản quyền nước ngoài ồ ạt đổ bộ trên sóng truyền hình Việt Nam. Không phủ nhận, các chương trình này trở thành những món ăn tinh thần mới mẻ cho khán giả Việt. Thế nhưng, sau màn ra mắt đầy hấp dẫn ở mùa giải đầu tiên, ở những mùa giải tiếp theo, hầu hết các chương trình đều có những bước thụt lùi về chất lượng, sự nhàm chán về nội dung và đi liền với chúng là hàng loạt những lùm xùm, scandal.

Những màn kịch vụng về, đơn điệu

Cái tên được nhắc đến đầu tiên về sự "mất khách” với khán giả truyền hình đó chính là cuộc thi Giọng hát Việt (The Voice). So với mùa đầu tiên thì Giọng hát Việt 2013 tỏ ra khá mờ nhạt và giảm dần sức nóng. Ngoài 2 giọng ca xuất sắc được khán giả yêu mến như Hoàng Tôn, Cát Tường, các gương mặt còn lại không tạo được nhiều dấu ấn. Không chỉ các thí sinh, băng ghế huấn luyện viên cũng đang khiến khán giả ngán ngẩm bởi những màn nhận xét nhạt nhẽo và phần nào kệch cỡm. Mặc dù đã có thay đổi đến ¾ thành viên giám khảo, tuy nhiên những kịch bản, cách thức "tung hứng” trong mỗi đêm thi vẫn là “bài cũ diễn lại”. Vẫn là những "công thức” quen thuộc trong việc tranh giành thí sính ở vòng thi Giấu mặt, hay những giọt nước mắt “khuyến mãi” của giám khảo ở những phần thi loại thí sinh. Câu nói được các huấn luyện viên luôn đem ra “đá xéo” nhau là “đến giờ rồi mà quên uống thuốc” nhắc đi nhắc lại quá nhiều đến mức nhàm chán và nhạt nhẽo. Thêm vào đó, những lời ngợi khen hào phóng được các huấn luyện viên dành tặng cho học trò không tương xứng với những gì họ trình diễn trên sân khấu làm mất đi sự hào hứng của khán giả và tạo cho họ cảm giác đang xem kịch, thay vì xem ca nhạc. Ở đêm công bố kết quả 4 thí sinh xuất sắc nhất, pa Hồng Nhung đã “giội gáo nước lạnh” vào khán giả khi chọn Cát Tường với tỉ lệ 100% dù thí sinh Phạm Hà Linh có số lượng tin nhắn bình chọn cao hơn. Đã thế chương trình lại liên tục gặp sự cố về âm thanh, có quá nhiều tạp âm xuất hiện trong các phần trình diễn, mic không được rõ tiếng, MC hậu trường - Yumi dẫn rất vô duyên và liên tục mắc lỗi.

Không chỉ có Giọng hát Việt, sự nhàm chán, mất dần tính hấp dẫn với khán giả truyền hình cũng đang được tái diễn ở khá nhiều cuộc thi khác. Thần tượng âm nhạc Việt Nam (Vietnam Idol) chuẩn bị bước vào mùa giải thứ 5 và đã tạo ra sức hút được hàng chục nghìn thí sinh dự thi, nhưng không phải mùa giải nào cũng tìm được sự hấp dẫn từ đầu cho đến cuối. "Vô duyên toàn tập, chán, không chuyên nghiệp, nhạt..." là nhận xét về cuộc thi Vietnam Idol 2012 của ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh - người từng ngồi trong vai trò giám khảo vòng loại của Giọng hát Việt.

Là một cuộc thi hát nhưng Cặp đôi hoàn hảo lại chuyên sử dụng chiêu trò để lấp đi các lỗi hát phô, hát hỏng và đôi lúc biến cuộc thi trở thành “thảm họa âm nhạc”. Khán giả truyền hình đã không còn đủ kiên nhẫn mà ngồi trước màn hình vào mỗi tối chủ nhật để xem những chiêu trò nhàm chán được lặp đi lặp lại và gọi đó là cuộc thi “Chiêu trò hoàn hảo”.

Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s Got Talent) mới lên sóng mùa thứ 2 nhưng cũng đã gây ngán cho khán giả truyền hình, vì thiếu những thí sinh độc đáo, đặc biệt, có hoàn cảnh khác thường hoặc những câu chuyện cảm động từ họ (kiểu như cô bé xương thủy tinh hay cô gái hát nhạc kịch năm ngoái) nên sự nhạt nhẽo.

Cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ cũng không khá hơn là bao, đến mùa thứ 3 cũng bắt đầu lao dốc. Vẫn với một format cũ, vẫn với các điệu nhảy và cách làm nhạc cũ, khán giả không hy vọng có “cơn bão” nào từ chương trình năm nay.

Không bao giờ hết lùm xùm?

Nếu theo dõi thường xuyên các chương trình truyền hình thực tế, khán giả có thể dễ dàng nhận ra là chương trình trở thành một cái đầu tàu kéo sau đó rất nhiều toa tàu mang tên scandal khiến nhiều người nhận định "không scandal không thể là truyền hình thực tế". Cuộc thi Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids) là một ví dụ điển hình.

Cũng giống với một số chương trình truyền hình thực tế ở nước ta hiện nay, xung quanh cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2013 xảy ra những ồn ào, như: vấn đề ăn, mặc, ở, đi lại của thí sinh và phụ huynh (được thể hiện rõ nét qua nhật ký “Tôi đưa con đi thi The Voice Kids” của anh Lương Quốc Thái - bố bé Lương Thùy Mai); sau khi Quang Anh bước lên bục vinh quanh lại xảy ra nghi vấn về sự sắp xếp kết quả của cuộc thi; rồi chuyện công văn kêu gọi bình chọn của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) vận động nhân dân, cán bộ, giáo viên và học sinh bình chọn cho Quang Anh…

Một cuộc thi khác dành cho người nổi tiếng xuất hiện lần đầu trong năm 2013 cũng vướng scandal là Gương mặt thân quen. Khi ca sĩ Khởi My chiến thắng và giành phần thưởng cao nhất lập tức rộ lên tin đồn về sự thiên vị của ban giám khảo dành cho cô. Thậm chí, trên các diễn đàn và mạng xã hội còn có những ý kiến cho rằng, nữ MC - ca sĩ này đã hát nhép trong đêm chung kết.

Cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo 2013 cũng không phải ngoại lệ: Bị nghi lộ kịch bản chọn thí sinh từ câu nói hớ hênh của giám khảo Siu Black, rồi chỉ sau một đêm khi cặp đôi Thanh Thúy và Dương Triệu Vũ được xướng tên giành giải vàng, bài trả lời phỏng vấn của Cát Phượng, người về nhì cuộc thi lại khiến “bão tố” nổi lên…
Trong lúc Giọng hát Việt bị tụt hạng thảm thương và không còn “hot” thì xuất hiện scandal tình thầy trò của Thu Minh và Hương Tràm rất có thể là chiêu trò giúp hâm nóng cuộc thi. Nhiều người cho rằng nhà sản xuất đã dùng scandal để tăng độ “hot” cho cuộc thi này. “Scandal là chiêu bài của ban tổ chức” - nữ nhạc sĩ Lưu Thiên Hương nhận định. Tuy nhiên, việc “chìm” trong biển scandal khiến cuộc thi sớm bị khán giả tẩy chay. “Ngay sau khi xuất hiện scandal “động trời” lộ clip nghi án dàn dựng kết quả của Giám đốc Âm nhạc Phương Uyên ở mùa đầu tiên em đã thấy chán cuộc thi Giọng hát Việt. Cứ mỗi khi tivi chiếu chương trình này là em chuyển sang xem kênh khác” - Nguyễn Bình An, SV năm nhất ĐH Bách Khoa HN cho biết.
Vietnam’s Next Top Model không ít lần dính tới nghi án dàn xếp kết quả và sắp đặt trước trong trận chung kết. Bước nhảy hoàn vũ dính vô vàn thị phi từ chuyện đạo nhạc, đạo bài nhảy, ăn cắp giọng… cho tới việc cho điểm lộ liễu để dàn xếp cặp đôi vào chung kết. Tại cuộc thi Vietnam Idol 2011, vì muốn gây ấn tượng với BTC nên đã khai báo rằng thí sinh đó mồ côi và được nuôi dưỡng bởi một… ngôi chùa. Rõ ràng, câu chuyện đó quá hay, quá hấp dẫn và chắc chắn khán giả sẽ “rụng rời chân tay” khi nghe hoàn cảnh nên nguyên êkíp kéo nhau đến ngôi chùa đó để ghi hình thì sự thật phơi bày: chẳng ai ở đó có tên khớp với thí sinh.

Lấy lại niềm tin nơi khán giả, cách nào?

Phát ngôn gây sốc, cãi nhau loạn xạ, khen chê tá lả… là những nội dung chính đọng lại trong các chương trình truyền hình thực tế. Lùm xùm đầy rẫy nhưng vì sao truyền hình thực tế vẫn thu hút rất đông khán giả? Bởi vì nó đánh đúng tâm lí tò mò, hiếu kỳ và nhu cầu tương tác của khán giả với giám khảo và thí sinh. Thế nhưng cũng có nhiều khán giả đã quay lưng với truyền hình thực tế vì họ không còn tin vào sự trung thực, vào tính thực tế của các cuộc thi. Kết quả của cuộc chơi nào cũng nhuốm màu dàn xếp khiến người xem không khỏi mất niềm tin. Rồi sẽ đến lúc, thí sinh, cả người bình thường lẫn người nổi tiếng, có tự trọng, sẽ cân nhắc trước những lời mời gọi của các chương trình thực tế. Họ sẽ không muốn mình là con rối hay quân cờ trong tay nhà sản xuất. Bởi họ sợ mình sẽ bị biến thành trò hề trên truyền hình. Vậy làm cách nào để lấy lại niềm tin nơi khán giả và thí sinh?

Trước hết, về phía nhà sản xuất, chỉ có cách sáng tạo để có được những chương trình có chất lượng một cách thực sự, chứ không chỉ dựa vào hiệu ứng chiêu trò, scandal mới là cách giúp các chương trình không bị đào thải. Ngoài tài năng đặc biệt và sự nổi tiếng của các thí sinh, những tiết mục dàn dựng công phu thì sử dụng “chiêu” (những màn tranh luận về điểm số, việc thí sinh bất mãn với giám khảo, đẩy những tình tiết phụ bên lề cuộc thi trở thành tình tiết chính gay cấn, cao trào…) cũng là một “gia vị” để tạo sự hứng thú cho khán giả. Tuy nhiên việc này đòi hỏi người sử dụng chiêu phải thật sự có tài năng và linh hoạt, cũng như nhà sản xuất phải có một “ngân hàng chiêu trò” để thường xuyên “đổi món” cho khán giả.

Do sự dễ dãi của nhà đài trong việc quản lý các chương trình dẫn đến tình trạng loạn các show truyền hình thực tế tại Việt Nam. Cho tới nay, số lượng chương trình theo thống kê sơ bộ đã lên tới con số 30. Thiết nghĩ, theo phương châm “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (quý chất lượng, không quý số lượng), các công ty và nhà đài nên hợp sức nhau để tập trung chăm chút cho vài chương trình vẫn còn sức hấp dẫn với khán giả. Một quốc gia có nền công nghiệp âm nhạc phát triển nhất thế giới như Mỹ mỗi năm cũng chỉ có 3 cuộc thi lớn là American Idol, The Voice và The X-Factor.

Còn một lý do nữa khiến khán giả quay lưng lại với các chương trình truyền hình thực tế đó là bởi sự “tra tấn” của quảng cáo. Trong khoảng 2 giờ đồng hồ chương trình diễn ra mà có tới 60, 70 mẫu quảng cáo khiến cho khán giả mệt mỏi, thất vọng là điều dễ hiểu. Việc giải quyết vấn đề này nằm trong tầm tay của nhà sản xuất và nhà đài, có điều họ có vì khán giả mà chịu chấp nhận “ăn ít” đi không mà thôi.

HUYỀN LINH – MINH CHÍNH

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này