Bỏ con sau ly hôn

14:08 | 13/05/2014
LĐTĐ -Khi tình cảm vợ chồng còn mặn nồng thì con cái là vàng, là ngọc nhưng đến lúc hôn nhân đổ vỡ, nhiều người lại có những toan tính và cuộc sống riêng, bỏ quên luôn con mình.


Tiền cấp dưỡng: tính đếm từng đồng

Quá hiểu tính người chồng chặt chẽ đến mức keo kiệt và không muốn con phải chịu khổ với cảnh mẹ ghẻ, con chồng, nên dù công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, chị Hồng (quận Cầu Giấy) vẫn nhận quyền nuôi con sau khi ly hôn (cách đây 2 năm).Anh Toản- chồng cũ của chị- người có công việc ổn định, thu nhập khá tốt cũng tự nguyện nhường quyền nuôi con cho vợ cũ, nhận trách nhiệm cấp dưỡng  nuôi con với mức 1,5 triệu đồng/tháng. “Đành rằng tôi muốn con ở với mình, nhưng thấy anh ta không có một chút níu kéo, giành quyền nuôi con thì tôi cũng thấy chạnh lòng, bởi thấy anh ta dường như không còn, dù chỉ một chút, tình cảm cha con với con mình nữa”. Nỗi buồn của chị Hồng ngày càng lớn hơn khi chứng kiến cách hành xử của chồng đối với con sau này. 3 tháng đầu, chị Hồng được nhận tiền cấp dưỡng nuôi con đầy đủ, nhưng tháng thứ 4, sau khi cho con đến ở nhà nội vài ngày thăm ông bà, chị  Hồng  sững người khi nhận được phong bì tiền cấp dưỡng gồm một mớ tiền lẻ và tờ giấy bạc của gói thuốc lá, trên đó ghi: “Khấu trừ tiền nuôi con tháng 5”. Anh ta gạch đầu dòng các khoản: “Mua cặp sách 200.000 đồng, mua bánh 50.000 đồng, mua đồ chơi: 50.000 đồng, mua mũ: 50.000 đồng, mua đồ dùng học tập: 100.000 đồng. Tổng cộng: 450.000 đồng, còn lại 1.050.000 đồng”. Đọc hết tờ giấy, chị  Hồng choáng váng, phải ngồi thụp xuống đất. “Tôi nhắn tin cho anh ta, bảo nếu tính toán chi ly như vậy thì không cần gửi tiền nữa. Nhưng anh ta nhắn lại: “Tôi không muốn sau này nó trách tôi vô trách nhiệm. Ăn ở nhà tôi mấy bữa đã không tính rồi”- chị Hồng kể. 

Từ đó, tháng nào chị cũng nhận được vài trăm nghìn kèm theo một tờ khấu trừ. Mỗi lần đón con về chơi, ngoài tiền ăn sáng, ăn trưa, còn lại khoản gì mua cho con anh ta đều cộng lại và trừ vào tiền cấp dưỡng. Tháng trước, anh ta đi họp phụ huynh, đóng tiền học, cũng trừ 345.000 đồng. Tiền ủng hộ đồng bào bão lụt, con trai xin bố, anh ta cũng trừ 20.000 đồng… Hơn 2 năm qua, chị Hồng đã bươn chải đủ thứ việc để có tiền nuôi con ăn học. Đứa con cũng luôn ngoan ngoãn, hiếu thảo, học hành giỏi giang khiến chị hài lòng, nhưng nỗi đau sau lần đổ vỡ với chồng cũ dường như không thể xóa mờ khi hàng tháng chị phải nhận từ tay chồng cũ một phong bì có tờ giấy đề: “Khấu trừ tiền nuôi con”!

Tìm đủ cách thoái thác

Một thẩm phán thuộc TAND quận Hoàng Mai- người từng xử lý nhiều vụ án ly hôn cho biết có những vụ án ly hôn, cuộc chiến giành con cái còn khốc liệt hơn cả tranh giành tài sản. Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ khi nhắc đến con cái, cha mẹ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Chuyện cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn thì càng khó thực hiện. Nhiều người tìm đủ mọi cách thoái thác hoặc chỉ làm được vài tháng đầu rồi lờ đi. Đáng nói, sự thoái thác, vô trách nhiệm không phải chỉ có từ phía người cha mà cả từ phía người mẹ. Vị thẩm phán kể, một lần  có một phụ nữ trẻ đẹp, ăn mặc sang trọng đến tìm ông để trình bày những khó khăn dẫn đến việc cô không thể cấp dưỡng nuôi con. Người phụ nữ này cho biết cô ta phải sống nhờ nhà cha mẹ đẻ, không nghề nghiệp, không có thu nhập ổn định nên nhờ thẩm phán tư vấn xem làm thế nào để lúc ra tòa có thể thuyết phục được nhà chồng là cô đang rất khó khăn, nghèo khổ, không thể mỗi tháng bỏ ra tiền triệu để cấp dưỡng hai đứa con 3 và 7 tuổi. Sau một hồi nghe cô ta kể lể dông dài, thẩm phán buột miệng khen: “Tóc của cô đẹp quá, chắc phải chăm sóc cầu kỳ lắm?”. Người phụ nữ ấy liền vui vẻ khoe: “Em mới làm tóc hơn 1,5 triệu đồng. Mỗi tháng phải đi đổi kiểu, hấp dầu bảo dưỡng một lần tốn cả triệu nữa...”. “Khi tôi hỏi sao không tiết kiệm số tiền làm tóc hàng tháng mà lo cho con thì cô ấy im lặng. Tôi không hiểu nổi tại sao có nhiều người tính toán, chi ly ngay cả với con cái của mình - những đứa trẻ rất thiếu thốn tình cảm vì sống trong một gia đình đổ vỡ” – vị thẩm phán  băn khoăn.

Vị thẩm phán này cũng cho biết thêm, có nhiều vụ ly hôn mà cha mẹ không lo đến việc chăm sóc đứa con đang bị tổn thương tình cảm, chỉ lo cãi cọ nhau, mặc cả từng đồng nuôi con . Thông thường, khi xử lý ly hôn, tòa án sẽ căn cứ vào thu nhập và sự thỏa thuận của vợ - chồng để quy định mức cấp dưỡng nuôi con hàng tháng. “Nhưng tòa lại chưa có căn cứ để xử những lối hành xử thiếu văn hóa, thiếu tình người của những người làm cha mẹ vô trách nhiệm” – vị thẩm phán nói. Nhiều chuyên gia tâm lý thì cho rằng, tâm lý của một số người cha, người mẹ luôn muốn rũ sạch trách nhiệm với quá khứ để đi tìm hạnh phúc mới. Hoặc họ thù hận người chồng (vợ) đến mức sợ họ tiêu lẹm vào phần tiền mà mình cấp dưỡng cho con nên tìm đủ mọi cách tính toán cho sòng phẳng. Nhưng nuôi dạy một đứa trẻ không chỉ cần tiền mà còn cần rất nhiều tình yêu và trách nhiệm. Bởi vậy, các bậc cha mẹ hãy biết gạt cái tôi ích kỷ của mình mà ứng xử bằng tình cảm và trách nhiệm với con cái để con trẻ đỡ thiệt thòi sau khi bố mẹ “đường ai nấy đi”.

Ngọc Trúc
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này