Cty luật cho lao động nghỉ việc…trái luật

11:20 | 19/02/2014
LĐTĐ -Bà Nguyễn Thị Vương Hoa - nguyên là nhân viên chi nhánh TPHCM của Cty luật Kelvin Chia Partnership (gọi tắt là Cty) - cho biết: “Tôi đang làm việc bình thường thì nhận được thông báo cho nghỉ việc, với lý do cắt giảm nhân sự do thay đổi cơ cấu tổ chức; thế nhưng Cty đã không thực hiện đúng trình tự thủ tục luật định”.

Bà Hoa (trái) trình bày vụ việc

Chỉ là thư ký nên không đào tạo lại?

Theo hồ sơ, tháng 7.1999, bà Hoa và Cty giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn, theo đó công việc bà Hoa phải làm là thư ký. Đến tháng 1.2003, hai bên có ký lại HĐLĐ, nhiệm vụ của bà Hoa lúc này là thư ký kiêm trợ lý kế toán. Ngày 14.5.2012, Cty ra quyết định số 28/QĐ “về việc cắt giảm nhân sự do thay đổi cơ cấu”; theo đó, Cty giải thể bộ phận hành chính và cho bà Hoa cùng một nhân viên khác nghỉ việc.

Bà Hoa phải nghỉ ngay trong ngày 14.5.2012 và được hưởng lương đến hết ngày 17.7.2012. Phía Cty sau đó đã trả cho bà Hoa khoảng 340 triệu đồng các khoản tiền lương đến hết ngày 17.7.2012, tiền trợ cấp mất việc, tiền những ngày phép chưa nghỉ... Cho rằng lý do Cty chấm dứt HĐLĐ với mình không thỏa đáng và không thực hiện đúng trình tự pháp luật, bà Hoa khởi kiện ra TAND Q.1, TPHCM - nơi Cty đóng trụ sở, yêu cầu tòa hủy quyết định.

Ngày 23.9.2013, TAND Q.1 đã xét xử, viện dẫn một số quy định và cho rằng Cty thay đổi cơ cấu, dẫn đến bà Hoa là người đã làm việc thường xuyên trên 12 tháng bị mất việc làm. Tuy nhiên, Cty là tổ chức hành nghề luật sư, trong lúc đó, bà Hoa chỉ là thư ký nên việc đào tạo lại không thể thực hiện được; do đó Cty chọn phương án cho bà Hoa nghỉ việc, trợ cấp mất việc làm là phù hợp pháp luật; đồng thời, bác các yêu cầu khởi kiện của bà Hoa.

"Ăn cơm trước kẻng"

Do thời điểm Cty ra quyết định số 28/QĐ là ngày 14.5.2012, nên theo luật định phải áp dụng Bộ luật Lao động (BLLĐ) 1994, có sửa đổi, bổ sung các năm 2002, 2006, 2007 để giải quyết vụ việc. Tại Điều 17 BLLĐ 1994 quy định: “Trong trường hợp do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà NLĐ đã làm việc thường xuyên trong DN từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm, thì người sử dụng LĐ có trách nhiệm đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới...”.

Bà Hoa cho rằng, ngoài nhiệm vụ thư ký, bà còn làm trợ lý kế toán nhiều năm, lẽ ra Cty có thể đào tạo lại bà để thay thế cho kế toán trưởng vừa nghỉ việc trước đó ít ngày, nhưng Cty lại tuyển dụng người khác thay thế. Ngoài ra, cũng theo quy định của pháp luật LĐ, chỉ sau 30 ngày kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về LĐ địa phương biết, thì người sử dụng LĐ mới được quyết định cho NLĐ thôi việc.

Đối với trường hợp bà Hoa, ngày 14.5.2012 Cty có quyết định 28/QĐ, trong đó ghi rõ căn cứ vào thông báo gửi Sở LĐTBXH TPHCM. Phía Cty cho rằng ngày 27.3.2012 và ngày 25.4.2012 đã có gửi thông báo về việc cắt giảm nhân sự do thay đổi cơ cấu cho Sở LĐTBXH TPHCM. Tuy nhiên, theo xác nhận của Sở LĐTBXH TPHCM thì mãi đến ngày 16.5.2012 (tức là sau hai ngày kể từ ngày Cty có quyết định 28/QĐ cho bà Hoa nghỉ việc), sở này chỉ nhận được thông báo không số đề ngày 25.4.2012 của Cty.

Đáng nói, trong thông báo này, Cty cho biết sẽ cắt giảm 2 thư ký và ghi rõ: “Thời điểm ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ là sau 30 ngày kể từ ngày của thông báo này”. Mặc dù ghi thế, nhưng ngày 14.5.2012, Cty đã ra quyết định cho bà Hoa nghỉ việc. “Cty đã "ăn cơm trước kẻng" khi quyết định cho tôi nghỉ việc chỉ sau 20 ngày ra thông báo là trái quy định của pháp luật và chính thông báo của Cty” - bà Hoa bức xúc phân tích.

Nguồn LĐO

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này