Quy định rõ chế độ, chính sách với người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

18:36 | 14/03/2025
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là lực lượng của các nước thành viên Liên hợp quốc được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình nhằm mục đích duy trì, gìn giữ hòa bình, an ninh ở quốc gia và khu vực đã tạm ngừng xung đột, có thỏa thuận ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình.
Việt Nam sẵn sàng tăng cường đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc là cần thiết

Có chính sách ưu đãi trong đào tạo, bố trí, sử dụng, tuyển dụng

Chiều 14/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết, Luật này quy định về nguyên tắc, đối tượng, hình thức, lĩnh vực; xây dựng, triển khai lực lượng; đảm bảo nguồn lực, chế độ, chính sách; hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Theo Luật, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là lực lượng của các nước thành viên Liên hợp quốc được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình nhằm mục đích duy trì, gìn giữ hòa bình, an ninh ở quốc gia và khu vực đã tạm ngừng xung đột, có thỏa thuận ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình, nhằm chấm dứt xung đột và xây dựng hòa bình, được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đặt dưới sự quản lý của Liên hợp quốc.

Quy định rõ chế độ, chính sách với người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương. Ảnh: Quốc hội

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 29 điều, trong đó về chế độ chính sách cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, ngoài hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tập trung huấn luyện ở trong nước, thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ ở nước ngoài và khi hoàn thành nhiệm vụ về nước, được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, đặc thù hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ quản có chính sách ưu đãi trong đào tạo, bố trí, sử dụng, tuyển dụng, tuyển chọn đối với các cá nhân đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.

Đồng thời, trong thời gian tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cá nhân, đơn vị có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc.

Cá nhân bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc. Chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam...

Quy định rõ chế độ, chính sách với người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Bổ sung thêm "Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước" tham gia

Thẩm tra dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban cơ bản cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Thường trực Ủy ban thẩm tra cũng nhất trí với việc bổ sung thêm đối tượng áp dụng là "Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước" tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật mới chỉ quy định đối với cá nhân là "Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước" mà chưa có quy định đối với đơn vị ngoài lực lượng vũ trang. Theo đó đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, làm rõ thêm lý do chưa quy định đối với đơn vị thuộc các Ban, bộ, ngành, địa phương; đồng thời nghiên cứu các ý kiến nêu trên để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi trong quy định của Luật.

Về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thể hiện rõ hơn chính sách của Nhà nước về vấn đề bình đẳng giới; bổ sung nội dung quy định về chế độ, chính sách mang tính ưu tiên, khuyến khích cao đối với lực lượng là nữ giới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Quy định rõ chế độ, chính sách với người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị rà soát, phân loại về thẩm quyền và quy trình cử đối với từng nhóm; có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về cơ chế đặc thù, quy trình, thủ tục rút gọn đối với quy trình cử mới, điều chỉnh, gia hạn nhiệm kỳ công tác, rút lực lượng trong trường hợp khẩn cấp.

Về chế độ, chính sách, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định về việc phong, thăng cấp bậc quân hàm; bổ nhiệm chức vụ đối với lực lượng vũ trang theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Đề nghị cân nhắc nội dung "khi hoàn thành nhiệm vụ về nước, được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, đặc thù hoạt động".

Đồng thời, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với cá nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị bệnh sau khi kết thúc nhiệm vụ, được xác định nguyên nhân do quá trình thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Theo đó, đề nghị bổ sung quy định về việc bảo vệ quyền lợi pháp lý cho lực lượng Việt Nam trong trường hợp gặp phải những tình huống xung đột pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; bổ sung quy định về hình thức, hiện vật khen thưởng; bổ sung quy định về chế độ, chính sách xây dựng lực lượng.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại thấy rằng, các ý kiến nêu trên là phù hợp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý vào dự thảo Luật.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này