Dấu hiệu phạm tội đã rõ

10:14 | 07/03/2014
LĐTĐ -Những ngày gần đây, người dân tại thôn Cựu Quán (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) luôn tập trung quanh ngôi đình này để bày tỏ sự bức xúc liên quan đến việc một số người được giao nhiệm vụ trông coi đình Cựu Quán đã tự ý dỡ gỗ sưa của ngôi đình này đem bán.

Bà Nguyễn Thị Trọng, một người dân ở thôn Cựu Quán cho biết: Vào khoảng 18h ngày 2/3, khi cả nhà đang ăn cơm, bà Trọng nhận được tin có người báo là gỗ sưa của đình làng bị bán trộm. Lúc này, bà Trọng chạy ra đình với mục đích để giữ lại gỗ sưa. Tuy nhiên khi đến nơi thì bà Trọng phát hiện mái đình đã bị phá dỡ trước đó, đồng thời 4 thanh gỗ sưa quý được mang sang chùa Cựu Quán. Tại ngôi chùa này đang thực hiện việc cân gỗ để bán mua. Tại sân chùa lúc này có một nhóm người gồm: Ni sư Thích Nữ Diệu Bản (trụ trì chùa Cựu Quán), ông Nguyễn Phú Lực (Trưởng thôn Cựu Quán), ông Nguyễn Ích Chắt (Trưởng ban Khánh tiết), ông Nguyễn Ích Bạ (Phó ban Khánh tiết) và ông Nguyễn Hữu Thắng (người trông coi đình) và một số người khác…

Hà Nội: Tự tiện phá dỡ đình cổ, lấy gỗ sưa đem bán - Ảnh 1

Người dân tập trung phản đối vụ dỡ đình bán gỗ sưa

Cùng chứng kiến sự việc trên với bà Trọng, ông Nguyễn Đình Bảo, ở thôn Cựu Quán cho biết: “Có một số điện thoại lạ gọi vào số máy của tôi bảo ra chùa gấp vì có người bán trộm gỗ sưa, tôi chạy ra thì thấy nhóm người trong Ban Khánh tiết đang cân gỗ sưa để bán. Tôi ngăn không cho bán vì chưa được sự nhất trí của các cụ và người dân trong làng thì ông Chắt (Trưởng ban) có cầm biên bản bán gỗ sưa đọc cho tôi và bà Trọng nghe”.

Ông Bảo cho biết, theo giấy tờ mua bán, tổng số 4 thanh gỗ sưa có trọng lượng là 127,5kg được bán với giá 10 triệu đồng/kg. Sau khi thực hiện xong việc mua bán, số gỗ sưa này được một ôtô chở đi ngay.

Trước sự việc trên, Chi hội người cao tuổi và các cụ bô phụ lão thôn Cựu Quán đã đứng ra tổ chức họp dân làm rõ việc nhóm người đã tự ý phá dỡ mái đình lấy gỗ sưa đem bán, đồng thời gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Theo ý kiến của các bô lão trong làng, việc mua bán lén lút trên là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. "Chúng tôi rất bức xúc nên đã tổ chức một buổi họp dân, chúng tôi có mời nhóm người tổ chức bán gỗ sưa đến họp, nhưng chỉ có ông Nguyễn Phú Lực, Trưởng thôn và ông Nguyễn Phú Ngà đến họp thì được biết 4 thanh gỗ sưa được bán cho Ni sư Thích Nữ Diệu Bản, trụ trì chùa Cựu Quán", ông Nguyễn Xuân Phong, hội viên Chi hội người cao tuổi thôn Cựu Quán cho hay.

Còn ông Trương Văn Thảo, Trưởng Công an xã Đức Thượng xác nhận, 4 thanh gỗ sưa có khối lượng 127,5kg được bán cho trụ trì chùa Cựu Quán với giá 10 triệu đồng/kg. "Bước đầu, vị trụ trì này thừa nhận là mua gỗ sưa để làm kỉ niệm, nhưng không rõ là đã chuyển gỗ sưa đi đâu, hiện tại vị sư này cũng không có mặt ở chùa. Chúng tôi đang phối hợp với Công an huyện Hoài Đức để làm rõ", ông Thảo cho biết.

Theo luật sư Trịnh Khánh Toàn (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Các cụ, ban khánh tiêt.. không phải là người có quyền, nếu tự ý tu sửa chữa, xâm phạm đến di tích lịch sử, văn hóa... (đối với trường hợp cụ thể này là hủy hoạt dẫn đến không thể khắc phục được) là có dấu hiệu phạm tội " vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 272 BLHS. Ngoài ra hành vi mua bán gỗ sưa của cả hai bên mua và bán cũng cần được xem xét xử lý, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm như: nhằm mục đích thu lợi có thể bị truy tố về tội " sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm" theo Điều 155 BLHS do gỗ sưa thuộc nhóm IA, cấm buôn bán.

Ngọc Lựu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này