Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền từ chối tiếp xúc cử tri

21:34 | 25/02/2025
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ chức Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng Cử tri đặc biệt quan tâm đến Tổng kết Nghị quyết 18, sắp xếp tổ chức bộ máy

Theo Nghị quyết, tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là việc đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gặp gỡ cử tri thông qua phương thức trực tiếp và trực tuyến để thu thập ý kiến, kiến nghị, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tuyên truyền, phổ biến, vận động cử tri và nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật; thông tin kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; báo cáo với cử tri về hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Việc tiếp xúc cử tri phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiếp xúc cử tri; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, khách quan, công khai minh bạch, hiệu quả; phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, của cử tri và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở trung ương, địa phương.

Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền từ chối tiếp xúc cử tri
Một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề của Hội đồng nhân dân quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Lê Thắm

Việc tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, ghi nhận, giải trình, trả lời kiến nghị của cử tri phải bảo đảm ngắn gọn, trung thực, chính xác, khách quan, kịp thời. Không lợi dụng hoạt động tiếp xúc cử tri để tuyên truyền trái chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, không làm cản trở, gây khó khăn đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tiếp xúc cử tri; không gây mất an ninh, trật tự tại nơi tiếp xúc cử tri.

Nghị quyết cũng nêu rõ, không được lợi dụng hoạt động tiếp xúc cử tri để vận động tài trợ, quyên góp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân mình hoặc tác động, gây ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, cá nhân để trục lợi...

Nghị quyết liên tịch cũng quy định rõ quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chủ động, tích cực trong tiếp xúc cử tri; gợi mở, khuyến khích cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị về những vấn đề mà cử tri quan tâm; chuẩn bị nội dung, tài liệu cho việc tiếp xúc cử tri; nghiên cứu kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; thông tin đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kịp thời giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền từ chối tiếp xúc cử tri nếu không bảo đảm an ninh, an toàn cho đại biểu hoặc không bảo đảm các nguyên tắc quy định.

Cũng theo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền và trách nhiệm tiếp xúc cử tri nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đại biểu Quốc hội ứng cử, ngoài đơn vị bầu cử của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cử tri có quyền được thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức, nội dung tiếp xúc cử tri và dự hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định; nêu ý kiến, kiến nghị về vấn đề mà mình quan tâm; có thể góp ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Đồng thời, có trách nhiệm thực hiện các quy định về tiếp xúc cử tri; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn cho hoạt động tiếp xúc cử tri.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này