Điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để được hưởng lương hưu

15:55 | 25/02/2025
Người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 5 năm thì được đóng cho đủ 15 năm để hưởng lương hưu.
Điều kiện để người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản Đề xuất tăng mức hỗ trợ với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa chuyển hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH tự nguyện đến Bộ Tư pháp để thẩm định.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định này là điều chỉnh số năm đóng BHXH còn thiếu được đóng một lần để hưởng ngay lương hưu.

Theo các quy định hiện hành, người tham gia BHXH tự nguyện khi đủ tuổi nghỉ hưu mà còn thiếu tối đa không quá 10 năm (120 tháng) đóng BHXH tự nguyện (điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là 20 năm (240 tháng), thì được đóng một lần cho số năm (tháng) còn thiếu để được hưởng lương hưu ngay. Trong giai đoạn 2016-2023 đã có hơn 60 nghìn người lựa chọn phương thức đóng này để được hưởng lương hưu ngay.

Luật BHXH 2024 đã quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm. Do vậy, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc xác định số năm còn thiếu mà người tham gia BHXH được đóng một lần để hưởng lương hưu ngay cũng cần phải được điều chỉnh cho phù hợp.

Điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để được hưởng lương hưu
Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng 1 lần cho những năm còn thiếu, tối đa không quá 5 năm để hưởng lương hưu. (Ảnh: VGP)

Tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH nêu rõ: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

Theo định hướng này sẽ tiến tới việc sửa đổi quy định của pháp luật về BHXH về điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là 10 năm.

Do vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức đóng của phương thức đóng một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu như sau: Người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 5 năm thì được đóng cho đủ 15 năm để hưởng lương hưu.

Theo đó, số năm (tháng) đóng BHXH của người lao động còn thiếu của người lao động được đóng một lần để hưởng lương hưu ngay được điều chỉnh giảm xuống còn tối đa 5 năm (60 tháng). Người lao động vẫn phải đảm bảo điều kiện khi đến tuổi nghỉ hưu phải có từ đủ 10 năm đóng BHXH trở lên theo đúng quan điểm tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Qua đánh giá tác động, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, do số năm còn thiếu đối đa được đóng một lần giảm từ 10 năm xuống còn 5 năm, cho nên số tiền người lao động phải đóng một lần cho những năm còn thiếu sẽ giảm đi. Với phương án này, người lao động sẽ dễ tiếp cận và thực hiện hơn.

Chế độ hưu trí được thực hiện theo nguyên tắc “đóng - hưởng”, mức lương hưu của người nghỉ hưu được xác định trên cơ sở thời gian đóng và mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Do đó, việc đảm bảo thời gian đóng BHXH tối thiểu đối với người tham gia để được hưởng chế độ hưu trí là rất quan trọng.

Điều này giúp quỹ hưu trí và tử tuất đảm bảo được cân đối thu, chi quỹ và hiệu quả của việc đầu tư quỹ.

“Việc giữ nguyên điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 10 năm trở lên và giảm số năm còn thiếu đối đa được đóng một lần từ 10 năm xuống còn 5 năm đối với người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu sẽ đảm bảo cân đối quỹ BHXH tốt hơn so với quy định hiện nay”, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo dự thảo Nghị định, mức đóng một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng của năm trước liền kề với năm đóng do BHXH Việt Nam công bố.

Người bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 1/1/2021 và có từ đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên nếu có nguyện vọng thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này