Phim "Đèn âm hồn" cán mốc 100 tỷ đồng Bộ phim có sự xuất hiện của Song Hye Kyo chính thức ra rạp tại Việt Nam "Nhà gia tiên", phim mới của Huỳnh Lập tạo kỷ lục doanh thu khi vừa ra mắt |
Ra mắt khán giả Việt vào dịp Valetine 14/2, "Kẻ đồng hành" của đạo diễn Drew Hancock là một tác phẩm đáng chú ý khi khéo léo pha trộn nhiều thể loại từ hài đen, viễn tưởng đến giật gân. Bộ phim kể câu chuyện tình yêu đắng cay giữa Iris (Sophie Thatcher) - một robot AI và Josh (Jack Quaid).
Điểm mạnh của phim nằm ở cách khai thác đa chiều về mối quan hệ người - máy, cùng những thông điệp sắc bén về tình yêu độc hại và sự nguy hiểm khi công nghệ vượt tầm kiểm soát.
Sophie Thatcher gây ấn tượng mạnh với diễn xuất tinh tế, đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc từ sợ hãi, tuyệt vọng đến giận dữ và quyết liệt.
![]() |
Một cảnh trong phim "Kẻ đồng hành". |
Với thời lượng 97 phút gọn gàng, bộ phim mang đến trải nghiệm giải trí hoàn hảo cho người xem: Vừa lãng mạn, vừa hài hước, lại vừa giật gân. Không ngạc nhiên khi "Kẻ đồng hành" nhận được 89% đánh giá tích cực từ khán giả toàn cầu.
Mặc dù sở hữu nhiều ưu điểm, "Kẻ đồng hành" lại chìm nghỉm tại phòng vé Việt Nam với doanh thu chỉ hơn tỷ đồng.
Có thể nhận diện nguyên nhân chính gây thất bại là do thời điểm ra mắt không mấy thuận lợi. Bởi phim đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các “bom tấn” Việt Nam ra rạp dịp Tết Nguyên đán như "Bộ tứ báo thủ", "Nụ hôn bạc tỷ", "Đèn âm hồn"...
Đây là thời điểm khán giả Việt thường ưu tiên các tác phẩm nội địa với chủ đề gần gũi, đậm chất văn hóa truyền thống.
Thứ hai, chiến lược truyền thông yếu cũng là nguyên nhân gây thất bại. "Kẻ đồng hành" không được đầu tư quảng bá mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Số lượng bài viết, phỏng vấn và đánh giá về phim trên các nền tảng truyền thông và mạng xã hội còn hạn chế, khiến phim thiếu hiệu ứng truyền miệng - yếu tố then chốt để thu hút khán giả.
Cạnh đó, đề tài AI chưa thực sự hấp dẫn khán giả đại chúng Việt Nam. Mặc dù trên thế giới, các tác phẩm về trí tuệ nhân tạo luôn nhận được sự quan tâm, nhưng tại Việt Nam, chủ đề này vẫn chưa tạo được sức hút lớn với khán giả đại chúng, đặc biệt khi phim không có sự góp mặt của các ngôi sao Hollywood hạng A.
Không thể phủ nhận, "Kẻ đồng hành" thể hiện nhiều ưu điểm đáng ghi nhận với kịch bản thông minh dù đôi lúc dễ đoán, diễn xuất xuất sắc của dàn cast, và cách thể hiện mới mẻ về chủ đề robot AI.
Đặc biệt, Sophie Thatcher đã mang đến một Iris đầy sức sống và phức tạp, khắc họa sâu sắc quá trình chuyển biến từ cô bạn gái ngọt ngào sang kẻ truy sát đáng sợ.
Đạo diễn Drew Hancock, dù còn những hạn chế trong kịch bản, đã thành công trong việc xây dựng bầu không khí căng thẳng và lồng ghép những thông điệp sâu sắc về mặt tối của công nghệ và con người.
Đáng tiếc, những giá trị nghệ thuật này lại không đủ sức thu hút khán giả Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của mùa phim Tết. Với doanh thu khiêm tốn chỉ hơn 1 tỷ đồng, "Kẻ đồng hành" sẽ sớm rời rạp nếu không có đột biến về doanh số.
Dù thất bại về mặt thương mại tại Việt Nam, "Kẻ đồng hành" vẫn là một tác phẩm đáng xem với những ai yêu thích thể loại viễn tưởng, giật gân và quan tâm đến chủ đề AI.
Đây cũng là bài học cho nhà phát hành phim cần có chiến lược phát hành thông minh hơn, tránh các dịp lễ, Tết khi phim Việt thống trị, đầu tư mạnh vào truyền thông và tiếp thị, tận dụng mạng xã hội để tạo hiệu ứng truyền miệng.
Phương Bùi
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/vi-sao-ke-dong-hanh-that-bai-tai-viet-nam-du-duoc-danh-gia-cao-toan-cau-185112.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này