Giải pháp đột phá trong quản lý dạy thêm, học thêm

09:48 | 13/02/2025
Kể từ ngày 14/2/2025, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới. Khi “đi vào cuộc sống” và thực hiện một cách nghiêm túc, Thông tư được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tích cực đến chất lượng giáo dục, điều chỉnh hành vi của học sinh và giáo viên.
Quy định mới về dạy thêm, học thêm 8 điểm mới về dạy thêm, học thêm

Vẫn còn băn khoăn

Từ học kỳ II năm học 2024 - 2025, Trường Trung học phổ thông Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) dừng tổ chức dạy học tăng cường cho học sinh nhà trường, thực hiện theo quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Việc này khiến nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn bởi nhu cầu học sinh cần học thêm là có thật. Trong khi, học phí dạy tăng cường của các thầy cô trong trường rất thấp.

Giải pháp đột phá trong quản lý dạy thêm, học thêm
Kể từ ngày 14/2/2025, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm sẽ chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới.

“Nhà trường tổ chức dạy tăng cường cho đối tượng học sinh có nhu cầu nâng cao, bồi dưỡng kiến thức. Con gái tôi học tăng cường các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Vật lí, Hoá học mà học phí chỉ khoảng gần 200.000 đồng/tháng. Giờ nhà trường không tổ chức dạy tăng cường nữa, tôi chưa biết cho con học thêm ở đâu”, chị Nguyễn Thị Hoài (phụ huynh có con học lớp 10 tại Trường Trung học phổ thông Đại Mỗ) chia sẻ.

Chị Bùi Thùy Linh (có con đang học lớp 9 tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Hà Đông) cho biết, trong buổi họp phụ huynh cuối học kỳ II, nhà trường đã thông tin đến cha mẹ học sinh về việc dừng tổ chức dạy thêm tại trường khiến tất cả phụ huynh trong lớp đều rất lo lắng vì chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trường dừng dạy thêm thì con biết học như thế nào. “Đại diện lớp đã đề xuất với giáo viên chủ nhiệm về việc viết đơn xin tự nguyện để thầy cô giáo tiếp tục dạy thêm trong trường, giúp các con ôn luyện chuẩn bị thi nhưng cô giáo cho biết phải báo cáo với nhà trường, khi nào có quyết định sẽ báo lại với phụ huynh”, chị Linh thông tin.

Ở một góc nhìn khác, anh Mai Xuân Tuyên (quận Hà Đông) cho hay, từ nhỏ đến lúc đi học, con trai anh chưa từng đi học thêm các môn chính khóa nào. Theo anh Tuyên, việc học thêm, dạy thêm là tùy thuộc vào nguyện vọng của gia đình và năng lực của con. Sau vài tuần không học theo lịch học ở trường như trước, anh nhận thấy con mình có vẻ… hạnh phúc hơn.

“Bản thân tôi cảm thấy rất đồng tình với các quy định tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Con có khả năng thế nào thì học như thế ấy, chứ không gây áp lực. Tôi đã từng có dịp tiếp xúc với chuyên gia tư vấn, nhiều cháu bây giờ áp lực quá, thành ra stress, chẳng làm được việc gì. Bây giờ làm sao tinh thần của các cháu thoải mái, vui tươi và hạnh phúc”, anh Tuyên bày tỏ.

Cần thay đổi trong nhận thức

Vấn đề dạy thêm, học thêm lâu nay luôn là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Từ năm 2012 đến 2024, quy định dạy thêm học thêm được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGD&ĐT ngày 16/5/2012 và Quyết định số 2499/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/8/2019 bãi bỏ một số nội dung của Thông tư số 17/2012/TT-BGD&ĐT ngày 26/8/2019.

Dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường; nhu cầu lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nên văn bản đã tồn tại được hơn một thập kỷ chưa đủ chế tài quản lý. Ngày 10/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 41/TTg-QHĐP giao Bộ GD&ĐT xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGD&ĐT về dạy thêm, học thêm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu thực tế, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu và ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGD&ĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2025; quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức học sinh. Bộ GD&ĐT cũng giao các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo hiệu quả; giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh. Như vậy, về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã bảo đảm cho học sinh lượng kiến thức đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT hướng tới việc các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định: Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp…

Quy định mới nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm. Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài nhà trường là hoàn toàn tự nguyện.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này