Những điều ít biết về gốm Chu Đậu

23:03 | 05/04/2014
LĐTĐ -Bấy lâu nay người ta chỉ biết đến gốm Bát Tràng, Phủ Lãng, Thổ Hà... Nhưng ít ai biết, gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp nhất Việt Nam, được phát triển rực rỡ trong suốt thời gian dài vào thời Lý, Trần, Lê, Mạc.

Gốm Chu Đậu được biết đến là gốm sứ cổ truyền Việt Nam đã được sản xuất tại vùng mà nay thuộc làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá, thuộc các xã Minh Tân (làng Mỹ Xá) và Thái Tân (làng Chu Đậu), huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Năm 1997 sau khi tìm được rất nhiều gốm Chu Đậu trong con tàu đắm ở Cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) của người Bồ Đào Nha, dòng gốm này mới được biết đến và nổi tiếng.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sau hơn 500 năm thất truyền Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã và đang phục hưng lại làng nghề, vùng nghề gốm cổ Chu Đậu với mong muốn làm hồi sinh, làm sống lại tầm cao của gốm Chu Đậu - một dòng gốm đẹp của Việt Nam và Quốc tế, đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo quý khách hàng trong và ngoài nước.

Năm 2001, nhận thấy vai trò quan trọng trong việc khôi phục làng nghề gốm cổ Chu Đậu kết hợp với du lịch làng nghề, Hapro đã đầu tư giai đoạn 1 là 24 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để khôi phục lại dòng gốm cổ đã thất truyền. Năm 2003, gốm Chu Đậu đã xuất công hàng đàu tiên sang Tây Ban Nha. Năm 2004, gốm Chu Đậu đã khánh thành gian trưng bày với 1000m2 để trưng bày giới thiệu các sản phẩm phục chế các mẫu mã cổ.

Với những nỗ lực của mình gốm Chu Đậu đã được đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tặng cho 9 chữ vàng: "Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hoá Việt Nam".

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam

Theo các tài liệu nghiên cứu thì gốm Chu Đậu đã từng được xuất sang 32 nước trên thế giới, các hiện vật gốm Chu Đậu hiện còn lưu ở 46 bảo tàng trong và ngoài nước. Gốm Chu Đậu từng được xuất khẩu đi các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng Đông Nam Á từ thế kỷ 15. Phong cách gốm Chu Đậu đã đưa gốm sứ Việt Nam lên đến đỉnh cao vinh quang của nghệ thuật mà nhiều nước trên thế giới đến nay vẫn còn khâm phục. Lọ gốm hoa lam cổ của Chu Đậu từng được bán đấu giá với giá trúng thầu lên tới 521.000 USD. Điều đó cho thấy giá trị nghệ thuật văn hóa của gốm Chu Đậu đã được người quan tâm đón nhận như thế nào.

Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn. Hoa văn cổ của Chu Đậu phần nhiều là sen, cúc, dưới nhiều dạng khác nhau và hàng chục loại hoa văn cách điệu khác. Người thợ gốm xưa đã thổi hồn dân tộc vào những nét hoa văn phong phú, phản ánh sinh động thiên nhiên vào cuộc sống dân dã. Gọi gốm Chu Đậu là gốm đạo vì hoa văn tinh xảo của những sản phẩm này đều mang đậm những giá trị nhân văn của Phật giáo và Nho giáo. Chính những hoa văn độc đáo đó đã khiến cho gốm Chu Đậu không thể lẫn với các loại gốm khác. Sản phẩm gốm Chu Đậu kế thừa sự thanh thoát, uyển chuyển của gốm thời Lý, vóc dáng khỏe khoắn của gốm thời nhà Trần. Thiên nhiên và cuộc sống của cư dân sông Hồng được phản ánh thông qua các hình vẽ nghệ thuật trên bình gốm rất phong phú.

Đôi bình âm dương và đĩa 1000 chữ Long đạt kỷ lục Việt Nam

Hoa văn tinh xảo

Nói về gốm Chu Đậu, người ta hay nhắc đến đôi bình âm dương. Nếu chưa nhìn thấy nó coi như chưa về thăm gốm du lịch Chu Đậu. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu mô tả: “Bình gốm tiêu biểu đặc sắc nhất của gốm Chu Ðậu là đôi bình: bình hoa lam và bình tỳ bà. Hai bình này còn được gọi là bình cha, bình mẹ, tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực âm dương -  trời đất - vợ chồng”.

Đôi bình gốm âm dương đặc sắc

Nói đến sản phẩm gốm Chu Đậu chúng ta không thể không nhắc đến những nghệ nhân như Đặng Huyền Thông, Bùi Thị Hý, Vương Quốc Doanh đã khai sinh ra dòng gốm Hoa lam, đặc trưng cho gốm thời Hậu Lê và cũng là thành tựu huy hoàng của mỹ nghệ nước nhà. Họ là những người con quê hương Chu Đậu có trái tim đầy nhiệt huyết và bàn tay tài hoa đã thổi hồn vào đất để đất hoá thành các sản phẩm gốm mang hồn thiên của quê hương xứ sở.

 

Nhà thờ tổ nghề

Để tạo ra một sản phẩm gốm đạt chất lượng, ngoài kỹ thuật nung, người thợ Chu Đậu đã thổi hồn vào từng sản phẩm bằng những nét vẽ đơn giản nhưng rất tinh xảo, thanh thoát, uyển chuyển mà vẫn khỏe khoắn. Nét khác biệt của gốm Chu Đậu so với các loại gốm khác là các công đoạn sản xuất được làm thủ công 100%, với phương pháp chế tạo và kỹ thuật đã đạt trình độ cao: chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều đoạn rồi lắp ghép lại, gia công bằng cách đắp nối, vẽ, khắc, vạch, nặn, đúc. Mỗi sản phẩm là một nét vẽ mang đậm dấu ấn cá nhân. Chả thế mà những người thợ ở đây cho hay, để 100 sản phẩm cạnh nhau họ vẫn có thể nhận biết được đâu là sản phẩm của mình. Mẫu hoa văn giống nhau, nhưng nét vẽ trên mỗi sản phẩm gốm không cái nào giống cái nào, đây chính là nét độc đáo khiến du khách rất thích thú khi thưởng lãm cũng như chọn mua các sản phẩm gốm Chu Đậu.

Vẽ thô

Người thợ Chu Đậu tỉ mỉ trong công đoạn vẽ vàng kim

Theo sử sách, dòng gốm sứ này có thể đã được hình thành và phát triển trong khoảng từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18. Có nguồn nói, nó bị hủy diệt do chiến tranh Lê-Mạc cuối thế kỷ 16. Vào thề kỷ XV đến XVII, có một loại gốm đã đạt đến mức tinh hoa nghệ thuật và phát triển hết sức rực rỡ, đó là gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Nét đặc trưng của gốm Chu Đậu được thể hiện ở kiểu dáng, mầu men và các hoa văn họa tiết tinh xảo, một bản sắc thuần Việt biểu trưng cho nền văn minh đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Hương Quế - Tuấn Dũng

 

 

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này