Sông Cầu Bây ô nhiễm nghiêm trọng

10:23 | 16/06/2014
LĐTĐ -Ô nhiễm sông Cầu Bây vốn là nỗi ám ảnh của người dân xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm suốt nhiều năm qua. Càng ngày, mức độ ô nhiễm càng nghiêm trọng.

Có thâm niên nuôi cá gần 20 năm nay, nhưng chưa bao giờ anh Nguyễn Văn Đông (đội 8B, thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn)  phải bất lực nhìn cá chết như đầu tháng 5 vừa qua. Chăm chỉ thầu hơn 4.000m2 ao thả cá ở cánh đồng Ré, thôn Ngọc Động, với khoảng 2 tấn cá giống, thu hoạch hàng tạ cá thịt hàng tháng chủ yếu là cá trôi, mè, chép, rô phi… Tuy nhiên, giờ đây công việc chính mỗi buổi sáng của anh là vớt cá chết. Sáng nào ra ao, anh cũng vớt hàng kg cá chết. Sau khi nhóm cán bộ xã đến tận ao tìm hiểu, anh Đông mới biết cá chết là do anh bơm nước sông Cầu Bây vào ao.

Anh Nguyễn Văn Đông thất thần nhìn cá chết hàng loạt

Ngoài anh Đông, theo phản ánh của một số người dân thôn Ngọc Động, nước sông ô nhiễm khiến lúa và hoa màu cũng bị ảnh hưởng. Mỗi lần bơm nước từ sông Cầu Bây, cây trồng của các xã ven sông bốc mùi xú uế nồng nặc. Trước kia, nhiều vụ lúa bị thất thu, không cho hạt, cây ăn quả còi cọc vì bị tưới nước sông Cầu Bây. Chính vì nguồn nước phục vụ tưới tiêu rau quả bị ô nhiễm trên diện rộng nên xã Đa Tốn là một trong những địa phương không đủ điều kiện để trồng rau an toàn, muốn nuôi cá phát triển kinh tế cũng không dám làm. Ông Dương Văn Khang – Phó Chủ tịch xã Đa Tốn cho biết: Mong muốn thoát khỏi cảnh sống ô nhiễm, những năm qua, chính quyền xã Đa Tốn và các xã lân cận chạy dọc sông như thị trấn Trâu Quỳ, xã Đông Dư, Kiêu Kỵ… đã kiên trì gõ cửa nhiều cấp, ngành để “kêu cứu”. Chính quyền xã đã phản ánh rất nhiều lần lên các cuộc họp cử tri, họp HĐND, song vẫn không thấy biến chuyển gì. Bấy lâu nay, sông Cầu Bây trở thành “sông chết”...

Theo Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, nước thải của những doanh nghiệp sản xuất trong khu dân cư và nước thải sinh hoạt ở hai bên bờ sông chỉ là nguyên nhân rất nhỏ trong vấn đề ô nhiễm sông Cầu Bây. Nguyên nhân chính được xác định là nước thải chưa qua xử lý của hàng chục doanh nghiệp KCN Sài Đồng B đổ thẳng ra sông. Cuối năm 2013, Đoàn thanh tra Sở TN&MT Hà Nội kiểm tra 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn quận Long Biên, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 16 cơ sở. Đoàn thanh tra đã yêu cầu các cơ sơ khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo nước thải, khí thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên cho đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn tồn tại.

Đ.D.N

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này