Ảnh hưởng an toàn, mỹ quan đô thị

09:40 | 04/07/2014
LĐTĐ -Thời gian qua, để chuẩn bị cho việc chống ngập mùa mưa bão, hệ thống cống thoát nước ngầm trên nhiều tuyến phố đang được Ban Quản lý dự án(QLDA) cấp thoát nước Hà Nội giao cho các đơn vị thầu cải tạo, tu bổ nhiều tuyến đường. Chưa biết tình trạng ngập lụt khắc phục được bao nhiêu, nhưng nhiều người dân phản ánh, nơi nào dự án thoát nước đi qua, nơi đó mặt đường bịđào xới ảnh hưởng không nhỏ tới ATGT và mỹ quan đô thị.

Hơn 1 tháng gần đây, khi đi trên đường Lê Duẩn, đoạn gần ga Hà Nội, người dân đều phải bịt khẩu trang, giảm tốc độ và đi dạt sang hai bên trái lề đường. Nguyên nhân là do thời gian này, dự án cấp thoát nước Hà Nội tiến hành tu bổ đoạn cống ngầm trên đường Lê Duẩn khiến đoạn đường dài hàng chục mét đoạn qua ngã ba Lê Duẩn – Lý Thường Kiệt trở nên nham nhở, gồ ghề. Nằm giữa ngã ba đông người qua lại, những miếng chắp vá vội vàng với đá dăm, những tấm thép lớn trải đường.

Một người dân phản ánh: “Mấy hôm trời nắng nóng, đường xá bụi mù, đêm đêm tiếng ồn từ công trình thi công khiến nhiều người dân mất ngủ”. Anh Mai Thế Anh (Khâm Thiên, Đống Đa) bức xúc: Ngày nào tôi cũng đi qua khu vực ga Hà Nội, đoạn đường tu sửa nằm ngay trước khu vực ga, đông người ra vào nên trong quá trình thi công việc đi lại của các phương tiện ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng nói là nhiều người đi đường cố tránh đoạn đường xấu gây nên tình trạng lạng lách, nhốn nháo rất nguy hiểm. Đặc biệt, khi thi công xong con đường lại trở nên gồ ghề, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Một đoạn đường Lê Duẩn gồ ghề, nham nhở

Bức xúc của anh Thế Anh cũng là phản ánh của nhiều người dân trên những con phố có dự án cải tạo cống thoát nước ngầm đi qua. Cũng như tuyến phố Lê Duẩn nhiều tháng qua, mỗi lần đi lại trên con phố Lê Trọng Tấn, chị Hàn Thị Hà không khỏi ngán ngẩm. Từ ngày con đường bị đào xới để cải tạo cống thoát nước, việc đi lại với chị như cực hình. Đường đã bớt bụi nhưng nhà thầu không thảm lại mặt đường như trước, ổ gà ổ trâu vẫn còn nhiều trở thành cái bẫy cho người đi đường. Chị Hà phản ánh: “Mỗi lần trời mưa, đi giữa đường phố thủ đô mà như đi ở một vùng núi nào đó, nhấp nhô, lồi lõm. Đoạn đường này vốn hẹp, nhiều xe qua lại, giờ cũng “nát” theo dự án, cứ có ô tô đi qua là nhà rung như động đất”.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (nguyên hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội): Việc giải quyết vấn đề thoát nước Hà Nội trong tình trạng đô thị hiện nay cần phải có cách làm, tính trách nhiệm, tính tổ chức rất chặt chẽ. Tuy nhiên hiện tại, việc thi công cống ngầm do sự thiếu trách nhiệm của các nhà quản lý nên không những kéo dài cả năm như trường hợp trên phố Lò Đúc, còn gây nên tình trạng đường ngổn ngang và cuối cùng cản trở giao thông đi lại, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Tình trạng đào đi đào lại, đào nhiều lần sẽ khiến đường xuống cấp rất nhanh, gây tốn kém, lãng phí rất lớn cho xã hội. Chúng ta đang cải cách hành chính, việc quản lý đô thị cũng phải quy về một mối, không để tình trạng mỗi đơn vị quản lý một phần, để rồi ai cũng đào xới không ai nhận trách nhiệm thu dọn. Có quy trách nhiệm về một mối mới đảm bảo tính trọn vẹn và trách nhiệm công việc. Ngoài ra, trách nhiệm quản lý, nghiệp vụ quản lý phải được đề cao, phải có sự thanh tra kiểm tra tốt hơn.

Đến giờ, khi mùa mưa bão đã và đang diễn ra, người dân lại thấp thỏm vì nỗi lo tai nạn trên những đoạn đường chắp vá, gồ ghề. Được biết, gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước trên 44 tuyến phố do đặc thù thi công trên đường nên chỉ được phép thi công vào ban đêm (từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau). Thời gian thi công ngắn, khối lượng công việc nhiều, nên trung bình đơn vị thi công được 5m cống/đêm. Chỉ sau khi hoàn thành khoảng 50m dài thì mới trải nhựa vì vậy không tránh khỏi có đoạn phải rải đá tạm, gây tình trạng bụi bẩn, ảnh hưởng đến giao thông đi lại.
 

Thu Trang

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này