Vợ khiếm thị giúp chồng tật nguyền vượt qua khốn khó

09:54 | 13/12/2014
Từ ngày có bàn tay của chị, căn nhà nhỏ của người đàn ông khuyết tật ấy trở nên sạch sẽ, tinh tươm hơn. Không những vậy, bằng tình yêu, sự thương mến của mình chị đã giúp anh có được niềm tin trong cuộc sống.

Chàng trai bất hạnh

Anh Lê Đình Chính (SN 1972) sinh ra trong một gia đình nghèo đông con ở huyện Yên Thành, Nghệ An. Tuổi thơ của anh Chính là những chuỗi ngày vất vả theo bố mẹ kiếm cái ăn cho cả nhà. Lao động vất vả quanh năm nhưng cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám gia đình anh. Thương con, bố mẹ Chính tằn tiện cố gắng cho các con ăn học. Ngay từ nhỏ, anh Chính học rất giỏi nên cả nhà đều hi vọng vào một tương lai sáng sẽ đến với anh. Kết thúc 12 năm đèn sách, với lực học khá, Chính mơ đến ngày bước vào cánh cửa của giảng đường đại học. Để theo đuổi giấc mơ đó, Chính lao vào học ngày học đêm để chờ ngày ứng thí. Oái oăm thay nỗi bất hạnh của Chính cũng bắt đầu vào cái ngày mà anh cùng bạn bè háo hức ra Hà Nội dự thi.

Anh Chính cho biết: “Một ngày cuối tháng 6/1990, tôi đến nhà bạn để chuẩn bị để ngày mai cả hai lên đường ra Thủ đô thực hiện hoài bão lớn trong đời. Xong việc thì trời cũng đã tối, tôi đạp xe về nhà. Bình thường, tôi vẫn đi qua chiếc cầu hẹp và không có lan can ấy nhưng không hiểu sao hôm đó tôi bỗng dưng mất phương hướng. Cả người và xe rơi xuống lòng sông đang mùa cạn nước. Tỉnh dậy, tôi thấy toàn thân mình đau buốt, chân tay không cử động được.”. Do gặp nạn, anh Chính bỏ lỡ kỳ thi vào đại học. Những ngày sau đó quả là một bi kịch đối với anh và gia đình. Vừa đau đớn, tủi thân nên anh Chính buông xuôi tất cả. Nhớ lại thời điểm đó, bà Phan Thị Vinh (mẹ của anh Chính) tâm sự: “Thương con quằn quại trong những cơn đau chúng tôi như đứt từng khúc ruột. Trong nhà có đồ đạc gì giá trị chúng tôi đều bán để chữa bệnh cho con. Thế nhưng, bao nhiêu của nả đội nón ra đi, cảnh nhà rơi vào khánh kiệt mà bệnh tình con vẫn không hề thuyên giảm. Hơn 5 tháng trời Chính nằm bẹp trên giường, chúng tôi nghĩ rồi con mình làm sao mà sống được”.

Công việc hàng ngày của anh Chính là sửa chữa đồ điện tử

55231Và rồi, phép màu nhiệm đã xảy ra, anh Chính giữ được mạng sống nhưng một chân bị liệt, một chân phải cắt bỏ. Các bác sỹ cho biết do cú ngã ngồi quá mạnh, anh Chính bị chùn xương sống nên nửa thân dưới tê liệt hoàn toàn. Biết rõ bệnh tình của mình, anh Chính suy sụp hẳn. Bố mẹ thương con nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, không khí trong nhà luôn nặng nề, u uất. Một lần mang cơm cho con, nhưng anh Chính nhất quyết không ăn, bà Vinh nghẹn ngào nói: “Con mà có mệnh hệ gì thì mẹ cũng sẽ không sống được đâu …”. Nghe vậy, anh Chính chỉ còn biết ôm mẹ òa khóc. Đêm hôm đó, Chính nằm suy nghĩ miên man và anh chợt bừng tỉnh với ý tưởng mạnh mẽ sẽ vươn lên giúp gia đình, giúp xã hội. Muốn kiếm tiền để tự nuôi sống mình nên anh đã viết đơn xin vào trường dạy nghề khuyết tật để học nghề sửa chữa điện tử. Hai năm sau, anh Chính ra trường về nhà dựng một quán nhỏ để sửa đồ cho người dân trong vùng. Tay nghề giỏi lại tận tình nên khách đến với quán sửa chữa điện tử của anh Chính ngày một đông. Từ đó, cuộc sống của anh cũng vơi phần nào nỗi vất vả.

Mối duyên trời định

Mỉm cười nhớ đến giây phút gặp người vợ của mình bây giờ anh Chính chia sẻ: “Sinh hoạt của mình chỉ dựa vào chiếc xe lăn, vì lẽ đó mình không dám đi đâu xa. Có lần, đám bạn cùng trang lứa đưa mình đi đám cưới một người ở xã bên. Trong đám cưới đó mình đã gặp Huệ, cô bạn gái hồi còn đi học. Ngày trước, Huệ nổi tiếng là xinh đẹp nhưng cũng gặp bất hạnh giống mình. Cô ấy đã mất đi một bên mắt sau tai nạn. Dù vậy, cô ấy vẫn rất xinh đẹp”. Vốn luôn tự ti với mọi người và nhất là trước người khác giới, anh Chính chỉ dám lén nhìn cô bạn gái, trong lòng khi ấy bỗng dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Trước khi ra về, anh Chính lấy hết can đảm mời chị Huệ hôm nào có thời gian thì sang cửa hàng của anh chơi. Từ hôm đó, dù biết rằng sẽ rất khó để một cô gái xinh đẹp như Huệ để ý đến nhưng anh Chính vẫn chờ đợi. Còn chị Huệ, sau lần gặp đó, hình ảnh của anh Chính lúc nào cũng trong tâm trí của cô. Ánh mắt sáng rực như hút hồn người khác của Chính khi ngồi trên xe lăn đã khiến chị không thể nào quên được. Chị Huệ mạnh dạn tìm đến cửa hàng để gặp anh.

Thương người bạn cũ giỏi giang nhưng bất hạnh, chị Huệ đã chủ động qua lại quán của anh Chính để đỡ đần công việc. Lâu dần, tình cảm giữa hai người chớm nở nhưng gia đình chị Huệ kiên quyết phản đối. Bởi một người như chị Huệ, dù bị mất đi một mắt nhưng vẫn có nhiều chàng trai lành lặn theo đuổi. Hơn nữa, nếu anh Chính và chị Huệ đến với nhau, chồng tật nguyền, vợ mất một mắt liệu có đảm bảo nuôi sống gia đình không. Vì yêu anh, chị Huệ đã bảo vệ tình yêu của mình đến cùng và bố mẹ chị cũng phải đồng ý. Có lẽ đám cưới của họ là đám cưới khiến cho nhiều người dân ở ở vùng quê nghèo xúc động nhất vì chú rể ngồi xe lăn, cô dâu đẩy xe cho chồng, khuôn mặt bừng sáng, nụ cười rạng rỡ. Từ ngày có vợ, sức khỏe của anh Chính tốt hẳn lên. “Vợ tôi đã khiến tôi thấy cuộc sống này còn ý nghĩa. Từ ngày có cô ấy, tôi không còn nỗi buồn của người khuyết tật, đơn côi. Tôi nghĩ trên đời này chỉ có cô ấy mới đủ dũng cảm để yêu tôi, một người đàn ông không lành lặn…”, anh Chính chia sẻ thêm.

Ngồi bên cạnh âu yếm nhìn chồng, chị Huệ tiếp lời: “Cuộc sống bây giờ còn rất nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi sẽ cố gắng vượt qua. Tôi thực sự hạnh phúc khi lấy được anh làm chồng. Anh ấy không có đôi chân nhưng tôi thì còn, tôi sẽ dùng đôi chân của mình để giúp anh đi đến những nơi mà anh mong muốn”. Hàng ngày, anh Chính vẫn cần mẫn sửa chữa điện tử, còn chị Huệ thì làm thêm ở tiệm cắt may, sửa áo quần. Anh Lê Đình Quyết người hàng xóm của vợ chồng anh Chính cho biết: “Ở cái xóm chợ nghèo này không ai là không biết đến vợ chồng anh Chính. Chúng tôi đều rất khâm phục tình cảm mà vợ chồng anh ấy dành cho nhau”. Trước khi rời căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng tật nguyền, chúng tôi cảm nhận được hạnh phúc đong đầy trong ánh mắt và nụ cười mà anh dành cho chị.

Phước Long

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này