Đôi vợ chồng có trái tim nhân hậu

09:38 | 05/12/2014
Nhiều người nghĩ, để cưu mang giúp đỡ được cả nghìn trẻ em mồ côi, sinh viên nghèo, trẻ em khuyết tật, gia đình bà Tôn Thị Thu Nguyệt phải giàu có lắm. Nhưng không, thực tế rằng, gia đình bà với 3 người chỉ sống trong căn nhà khoảng 14m2. Bằng tình thương yêu, chia sẻ, thấu hiểu, gần 20 năm nay, gia đình nhỏ ấy không chỉ dành cho nhau những điều tốt đẹp, hạnh phúc mà còn sẻ chia cho nhiều người không may mắn khác.

Đem tình yêu sưởi ấm những con người bất hạnh

Sinh ra trong một gia đình gia giáo, được nuôi ăn học đầy đủ và hưởng trọn tình yêu thương, đùm bọc của gia đình, cô giáo Tôn Thị Thu Nguyệt (nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN), không bao giờ tưởng tượng được rằng trên đời lại có nhiều

54892 người không may mắn đến thế. Để rồi, bằng tình yêu, lòng thương cảm cô đã làm được những điều phi thường giúp đỡ hàng nghìn người có số phận không may đó. Hai vợ chồng cô, người làm giáo viên, người công tác trong ngành quân đội, lương công chức chẳng đáng bao nhiêu, lại nuôi con gái nhỏ nên cuộc sống eo hẹp. Vậy mà, gia đình cô vẫn luôn rộn rã tiếng cười vui. Chính từ sự ấm êm, hạnh phúc của gia đình, nên khi chứng kiến những hoàn cảnh thiệt thòi khiến cô không đành lòng và quyết định đem tình yêu để sưởi ấm cho họ.

Câu chuyện bắt đầu vào khoảng năm 1996, khi cô đang dạy lớp cử tuyển dành cho sinh viên dân tộc thiểu số. Ngay từ buổi đầu tiên, khi vào lớp, chứng kiến cảnh học trò người nào cũng xanh xao, gầy gò, ốm yếu, cô cảm thấy xót xa, thương cảm. Tối về, cô không sao chợp mắt, nên đem câu chuyện kể cho chồng nghe. Dù thấu hiểu tình cảm mà vợ dành học sinh, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình trước mắt, chồng cô lúc ấy chỉ biết động viên vợ hãy cố gắng truyền dạy thật nhiều kiến thức cho học trò của mình là được.

Nghe chồng khuyên, cô cũng thấy hợp lý, nhưng trong tâm trí vẫn không khỏi suy nghĩ. Từ trăn trở ấy, cô đã tâm sự cho người bạn của mình là bà Mariatta, trưởng phòng dinh dưỡng của UNICEF tại Việt Nam. Và chính bà Mariatta cũng giật mình, thương cảm khi chứng kiến sự khó khăn thiếu thốn của những học sinh trong lớp cô Nguyệt. Ngay hôm gặp đầu tiên, bà Mariatta đã hỗ trợ 306 USD để mua thức ăn và chăn ấm cho học sinh, đồng thời tư vấn cô Nguyệt hãy viết thư kêu gọi những người bạn nước ngoài giúp đỡ. “Nghe bạn tư vấn, tôi vội vàng thực hiện ngay. Lá thư đầu tiên được gửi đi, tôi hồi hộp chờ đợi và cầu mong ước nguyện của mình thành hiện thực, nhưng mấy ngày sau vẫn “bặt vô âm tín”. Không nản, tôi quyết định viết thêm nhiều lá nữa, gửi cho những người bạn khác. Không ngờ lần này, tôi nhận được nhiều thư hồi âm, cùng với số tiền nho nhỏ hỗ trợ học sinh của mình. Từ đó, tôi có động lực để tiếp tục thực hiện ý nguyện…”, cô Nguyệt tâm sự.

Vợ chồng chị Nguyệt và những người bạn nước ngoài có tấm lòng từ thiện

Từ những thành quả ban đầu, ngày nào cũng vậy, sau giờ tan lớp, cô đều ở lại đến 7 - 8 giờ tối mới về để viết thư gửi cho mọi người kêu gọi hỗ trợ học sinh của mình. “Để có thời gian thực hiện tâm ước của mình, tôi phải cảm ơn người chồng luôn sát cánh yêu thương, quan tâm, hết lòng giúp đỡ và cô con gái hết sức ngoan ngoãn, thấu hiểu công việc của mẹ”, cô Nguyệt vui vẻ tâm sự.

Hiểu công việc của vợ đang làm, chồng cô bỏ ngoài tai việc thiên hạ đàm tiếu vợ “không chăm sóc gia đình”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Không những thế, chồng cô còn là “trợ thủ đắc lực”, giúp vợ đem những lá thư ra bưu điện gửi, rồi nhận quà về phân chia cho các học sinh nghèo. Chồng cô còn không ngại đi “vay nóng” chút tiền, đưa cho vợ hỗ trợ những “ca” ốm đau, cần tiền đóng học hay về quê nghỉ lễ, tết, lo chuyện gia đình của học sinh. Có lẽ hiểu được công việc nghĩa tình của bố mẹ, cô con gái duy nhất trong gia đình cũng luôn chi tiêu dè sẻn, chịu khó học tập, ngoan ngoãn và chung tay cùng bố mẹ làm việc thiện.

Hoa nhân từ mãi ngát hương

Quả thực, nếu không được gặp, không được nghe tâm sự của cô, cũng như chứng kiến cảnh gia đình cô đầm ấm, yêu thương, luôn dành cho nhau những điều tốt đẹp, tôi sẽ không thể cắt nghĩa được vì đâu, vì động lực gì mà một người con gái mảnh mai như cô có thể làm được những điều lớn lao đến thế. Từ tấm lòng thiện nguyện, yêu thương của mình, cho đến nay “mẹ Nguyệt” và gia đình đã giúp đỡ được hàng nghìn trẻ em, học sinh, sinh viên không may mắn. Trong đó, không ít người đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, giữ vị trí quan trọng trong cơ quan nhà nước, công ty, tập đoàn lớn, thậm chí là du học nước ngoài với tấm bằng thạc sỹ, tiến sỹ cao quý như: Nguyễn Sơn Lâm - diễn giả, doanh nhân thành đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tỏa Sáng; nhạc sĩ Hà Chương; luật sư Nguyễn Văn Thi; giám đốc Đặng Bình Phương; bác sĩ Thùy Mai; bác sĩ Nông Minh Hoàng, tiến sĩ Trương Quang Tri; thạc sĩ như Mã Diệu Linh, Nguyễn Tiến Dũng, Tráng Thị Din…

Gặp chúng tôi, Đặng Bình Phương, giám đốc một công ty kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ và nội dung cho người dùng điện thoại di động chia sẻ: Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Ở nơi tôi sống, cái đói, cái rét luôn thường trực. Những đứa trẻ ở quê tôi biết được “mặt chữ” đã được xem là may mắn lắm chứ đừng nói là học cao. Chẳng thế mà, ngày tôi xin được vào khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh Mỹ, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN, mẹ tôi dù vui nhưng cũng suy nghĩ nhiều lắm vì biết kiếm đâu ra tiền cho tôi ăn học?. Bằng mọi sự cố gắng, cuối cùng tôi cũng được gia đình cho đi học. Nhưng số tiền mà gia đình vay mượn, bán đồ đạc trong nhà cũng chỉ giúp tôi sống ki cóp chưa đầy nửa năm. Tôi đành phải đi làm thêm, lên lớp với cái bụng đói, cố lay lắt, bám trụ, cố gắng học thật tốt để “thoát ly”. May mắn cho tôi và 30 sinh viên khác, khi vào năm thứ 2, được “mẹ Nguyệt” đến giảng dạy và giúp đỡ với số tiền 200.000 đồng/ tháng. Nhờ số tiền mà “mẹ Nguyệt” kêu gọi giúp đỡ đã giúp tôi và các bạn hoàn thành khóa học.

Giờ đây, “mẹ Nguyệt” đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe yếu đi, nhưng bà vẫn tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Bà tâm niệm “còn sức khỏe, tôi còn làm việc thiện”. Và từ sự cố gắng không ngừng nghỉ ấy, danh sách “các con” trong cuốn sổ cũ kỹ của bà ngày một dài thêm. Cũng như thêm vào đó, ngày càng nhiều những thế hệ học sinh của bà thành đạt, nhớ đến ân tình của “mẹ” mà quay lại “đền ơn” bằng cách hỗ trợ những người không may khác.

Tuấn Trung

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này