Giải mã tảng đá dịch chuyển là người dân sinh bệnh

08:32 | 29/11/2014
Từ lâu người dân thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội quen thuộc với sự hiện diện của một khối đá lớn được đặt tên là đá Sơn Tinh. Sẽ không có gì đặc biệt nếu không kèm theo đó là những lời đồn thổi về những tai ương từ trên trời rơi xuống nếu “trót dại” dịch chuyển khối đá này ra khỏi vị trí cũ.

Những lời đồn vô căn cứ

Tìm về địa chỉ thôn Tiến Tiên (Chương Mỹ - Hà Tây), không khó để mục sở thị tảng đá kì lạ này. Tọa ngay bên vệ đường dẫn vào thôn, một tảng đá khá nhẵn nhụi với chiều rộng khoảng hơn 80 cm nằm dưới bóng cây lộc vừng tỏa bóng mát. Điểm đặc biệt của tảng đá này chính là 5 vết lõm nhỏ ở phía dưới. Theo cụ Trần Thụ - một cao niên trong vùng cho biết, tương truyền từ bao đời nay tảng đá này chính là vũ khí mà Sơn Tinh dùng để ngăn bước Thủy Tinh trong cuộc giao tranh giành con gái vua Hùng năm xưa.  5 vết lõm đó tượng trưng cho vết tay của Sơn Tinh khi cầm ném xuống dòng nước chảy xiết. Từ đó tảng đá vô tri được gọi với cái tên đá Sơn Tinh. Dường như nhuốm màu sắc thần thoại từ bao đời nên những “sự cố” xảy ra đối với người dân trong làng đều ít nhiều liên quan đến tảng đá này tạo nên những đồn thổi nửa hư nửa thực khiến cả làng ai cũng sợ không dám động vào.

Theo người làng kể rằng trước đây nguồn nước dành cho sinh hoạt của người dân là bến nước đầu làng. Để tiện cho việc giặt giũ, lại thấy tảng đá có bề mặt nhẵn nhụi nên mọi người đều nhất trí sẽ chuyển tảng đá này xuống gần bến nước để làm bàn giặt. Mặc dù xét về trọng lượng thì tảng đá cũng không phải quá nặng cùng với việc làng đã cử những chàng trai khỏe mạnh để chuyển đá nhưng dường như có lực cản vô hình nào đó mà công tác vận chuyển này phải mất gần một tuần mới hoàn thành. Cụ Thụ trầm ngâm cho biết: “Có lẽ ý ngài không muốn đi nên sức nặng như dồn lên khiến những người khỏe mạnh nhất khi tham gia vận chuyển xong cũng đều than quá sức dẫn đến đau mình mẩy...”.  Ngay sau đó thì dân trong làng đều sinh bệnh không rõ nguyên nhân, mặc dù chữa nhiều thuốc thang nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Chỉ đến khi mọi người hợp nhất chuyển tảng đá về nguyên vị trí cũ và kết hợp làm lễ tạ tội thì dần dần những căn bệnh mà thầy thuốc cũng không gọi được tên cứ thế giảm dần đi. Điều kỳ lạ ở chỗ trong quá trình vận chuyển lại vị trí cũ chỉ mất 01 ngày và mọi việc đều diễn ra thuận lợi.

Cụ Trần Thụ  - một bậc cao niên thôn Tiến Tiên

Một câu chuyện khác cũng khá bí ẩn vẫn được mọi người trong làng kể lại. Đó là vào thời điểm cuối năm 2008 có trận mưa to kéo dài nhiều ngày dẫn đến tình trạng ngập lụt khắp Hà Nội và thôn Tiến Tiên cũng không tránh khỏi. Tảng đá vì thế cũng phải “ngâm” mình trong nước mất vài ngày. Sau khi nước rút thì tảng đá có hơi xê dịch khỏi vị trí cũ vài chục cm còn người dân trong làng thì đột nhiên mắc dịch đau mắt đỏ tràn lan. Một số người cho rằng do ngâm mình trong nước bẩn nên khi nước rút mà không ai nghĩ tới việc vệ sinh, kì cọ cho bề mặt tảng đá nên “ngài” giận và trách phạt dân làng. Từ đó không ai bảo ai người dân tự giác vệ sinh sạch sẽ cho tảng đá rồi kê lại đúng vị trí ban đầu thì bệnh đau mắt cũng dần biến mất.

Dường như quan niệm về sự linh thiêng của tảng đá đã trở thành “nếp nghĩ” của người dân nơi đây nên mỗi khi có những phát sinh tai họa, bệnh tật... thì người ta đều nghĩ ngay đến tảng đá này. Thời gian gần đây đột nhiên trong làng có nhiều người bị tai nạn giao thông lại trùng lặp với sự cố tảng đá một lần nữa bị dịch chuyển khỏi vị trí cũ do xe ô tô của đội công nhân làm đường đi qua va quệt phải. Số người dân ở làng bi tai nạn giao thông cứ dồn dập, còn bản thân những người công nhân trực tiếp làm đường tự nhiên ốm yếu không rõ nguyên nhân. Nghe lời dân làng khuyên bảo, chủ thầu xây dựng vội vã cho người chuyển lại tảng đá về vị trí cũ và làm lễ tạ tội thì mới thoát nạn” – một người dân kể lại.

Tai họa chỉ là ngẫu nhiên

Chứng kiến nhiều sự không hay xảy ra mỗi lần tảng đá bị dịch chuyển mà mọi người đều cho rằng phải có sự chăm sóc về mặt tâm linh để “ngài” phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, tránh được nhiều tai ương. Thời gian gần đây, các bậc cao niên trong làng đã họp nhau lại và quyết định viết đơn lên chính quyền địa phương xin lập miếu thờ ngay bên cạnh phiến đá để hàng ngày hương khói cầu bình yên, thịnh vượng cho làng.

54452Để tìm hiểu thực hư những đồn thổi có phần thiếu căn cứ này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Đạo, bí thư thôn Tiến Tiên và được biết những lần vận chuyển “gây họa” đều được tương truyền lại từ thời xa xưa nên không tránh khỏi việc “tam sao thất bản”. Bản thân ông Đạo là người gốc ở đây nên tận mắt chứng kiến lần vận chuyển gần đây nhất vào khoảng đầu những năm 70, khi đường xá được nâng cấp lên cao hơn thì tảng đá vốn là một di vật cổ gắn bó với người dân từ nhiều đời này cũng được thống nhất chuyển lên nơi cao ráo, ngay bên vệ đường, dưới tán cây lộc vừng. “Trong suốt quá trình vận chuyển đều thuận lợi, không thấy hiện tượng gì bất thường...” ông Dao cho biết. Khi được hỏi về hiện tượng đau mắt đỏ tràn lan trong vùng lại trùng lặp với sự cố dịch chuyển của tảng đá vào năm 2008 ông Đạo cho hay thời điểm đó làng chưa có nước sạch mà phần lớn vẫn sử dụng nước giếng, nước sông... Do ngập lụt nặng nên không tránh khỏi nguồn nước bị ô nhiễm nên việc sử dụng trực tiếp nguồn nước đó cho sinh hoạt cũng không tránh khỏi việc sinh bệnh. Vì thế lời đồn “thần đá” nổi giận là hoàn toàn không có căn cứ.

Ông Đạo cũng cho biết thêm việc lập bát hương đã được các cụ cao niên đề đạt nhưng hiện tại Ban văn hóa xã không đồng tình bởi sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, vô tình lại tuyên truyền mê tín dị đoan chưa kể đến nạn đốt vàng mã bừa bãi được dịp phát triển vừa tốn kém lại ô nhiễm môi trường.

Cần tuyên truyền để những di vật cổ trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi địa phương.

Theo giáo sư Lê Quý Đức - (nguyên cán bộ viện văn hóa phát triển -  học viện hành chính - chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho ý kiến: “Ở những vùng nông thôn Bắc Bộ thường trải qua thời gian phát triển cũng như bề dày lịch sử khá lâu đời nên việc lưu giữ những di vật cổ quen thuộc như: cây đa, giếng nước, sân đình hay một ngôi chùa, ngôi miếu... từ đời này qua đời khác không phải hiếm.

Do tâm lý người dân gắn bó với những thứ quen thuộc, cổ kính đó nên nảy sinh tâm lý tôn sùng cũng là lẽ tự nhiên. Với hiện tượng cụ thể về tảng đá với những lời đồn thổi mỗi lần dịch chuyển lại gây tai họa cho người dân theo tôi được biết những thông tin này từ rất lâu rồi, khi đó điều kiện về trang thiết bị y tế cũng như đời sống của người dân chưa cao nên việc sinh bệnh là chuyện thường.

Trong bất kỳ một quá trình chữa bệnh nào cũng cần đến sự hỗ trợ của yếu tố tâm lý nên việc một bộ phận người dân có hiểu biết hạn chế “bám víu” và đề cao khả năng phục hồi bệnh tật của tảng đá thì ở một giới hạn nào đó cũng là mặt tích cực. Tuy nhiên niềm tin này cần được các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương có sự tuyên truyền hợp lý để những di vật cổ của địa phương mình trở thành một nét đẹp văn hóa đáng tự hào như việc biến không gian quanh di vật đó thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng chứ không phải là một cái cớ để phát triển các hoạt động mê tín dị đoan...”.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này