Xẩm hồi sinh giữa lòng Hà Nội

09:37 | 22/01/2015
Chương trình “Xẩm và đời” ra mắt công chúng Hà Nội vào đêm 20/1 đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên để bảo vệ, gìn giữ và phát huy loại hình âm nhạc dân tộc này, cần giải quyết khó khăn, đảm bảo cuộc sống ổn định cho những nghệ sỹ theo đuổi bộ môn nghệ thuật này.

Nghệ sĩ trẻ tỏa sáng

Thưởng thức đêm “Xẩm và đời”, được trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, công chúng mãn nguyện bởi sự đột phá ngoạn mục của loại hình biểu diễn quen thuộc nơi xóm chợ này. Đêm diễn thể hiện thái độ trân trọng của các nghệ sĩ trẻ với các loại hình nghệ thuật dân gian.

Điểm sáng trong đêm diễn được nhiều người mong đợi là nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa – cô học trò cưng của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Với bài xẩm Lỡ bước sang ngang, Tuyết Hoa đã mạnh dạn nhấn câu, nhả chữ tạo sắc thái riêng. Bên cạnh đó khán giả đã trầm trồ với Xuân Hoạch cùng với cây đàn nhị tự chế tác có âm thanh trầm đục, kết hợp với giọng nam trung của anh đã tạo nên màn biểu diễn độc đáo...  

Với tài dẫn dắt, nhà thơ Vũ Quần Phương đã khéo léo dùng sự hiểu biết của mình để giới thiệu, phân tích về lịch sử ra đời đầy thăng trầm cũng như nét đẹp của xẩm để bộ môn nghệ thuật này tiếp cận với công chúng được tự nhiên hơn. Lối dẫn dắt mộc mạc kết hợp với những màn biểu diễn hết mình của các nghệ sỹ đã góp phần làm nên sự hoàn hảo của đêm diễn.

Dường như với “Xẩm và đời”, bất kỳ một sự kết hợp nào cũng nhằm dụng ý gửi gắm những thông điệp đầy ý nghĩa đến công chúng. Trước đêm diễn, không ít người tỏ ra lo ngại thậm chí pha chút bức xúc khi biết “nữ hoàng scandal” Trà Ngọc Hằng là người dẫn chương trình cùng nhà thơ Vũ Quần Phương. Tuy nhiên, khi đêm diễn kết thúc, khán giả có thể thở phào. Dù không thực sự xuất sắc nhưng Trà Ngọc Hằng đã làm khá tốt vai trò cầu nối khi đóng vai một cô gái trẻ miền Nam mong muốn tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật đặc biệt này.

Gian nan giữ nghề

 Chương trình “Xẩm và đời” gồm 3 phần:  Xẩm xưa, Xẩm đương đại, Xẩm thử nghiệm kết hợp với một số loại hình âm nhạc khác. Một số bài xẩm nổi tiếng được trình diễn như: "Xẩm ba bậc, vợ chồng cờ bạc", "Nghĩa mẹ sinh thành", "Quyết chí tu thân", "Thập ân (10 điều)", "Mục hạ vô nhân"… cùng một số bài mới như: "Tiễu trừ cướp biển", "Xẩm rau má"… Đặc biệt, phần xẩm thử nghiệm có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ, nhằm kết hợp những ưu điểm của âm nhạc  xẩm với dòng chảy của âm nhạc thế giới.

Hiện nay trên các trang mạng xã hội, những bài xẩm thường thu hút hàng triệu lượt người xem, trong đó có những bình luận của nhiều bạn trẻ bày tỏ mong muốn tìm hiểu, thậm chí theo học bộ môn nghệ thuật này. Điều đó chứng tỏ xẩm đã và đang âm thầm đứng vững trong lòng công chúng.

GS Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc cho biết, hầu hết các hoạt động liên quan đến xẩm đều được các nghệ sỹ, công chúng yêu nghệ thuật đóng góp. Vì thế, sân chơi cho bộ môn nghệ thuật này chỉ bó hẹp trong khoảng không gian nhỏ với lượng người hạn chế, chủ yếu dưới hình thức “hát cho nhau nghe”. Đối với những nghệ sỹ xẩm thực sự thì gánh nặng về kinh tế luôn là một bài toán khó tìm lời giải đáp. Đó chính là lý do rất khó để tổ chức đêm diễn cho môn nghệ thuật này.

Theo GS Hoàng Chương, nghệ thuật hát xẩm rất cần sự ủng hộ về vật chất từ công chúng, cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn, phát huy loại hình âm nhạc dân tộc này. Những đêm diễn của xẩm vừa qua tại Nhà hát Lớn được công chúng đặc biệt chú ý, quan tâm, sẽ là động lực lớn để xẩm trở lại với công chúng.

Đồng quan điểm với GS Hoàng Chương, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, người phụ trách kịch bản của “Xẩm và đời” cho biết để chương trình diễn ra thành công ekip thực hiện đã cố gắng hết mình. Khó khăn nhất vẫn là nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Nhờ sự yêu mến của một số nhà tài trợ và sự đóng góp của các ca sĩ, chương trình mới có thể thực hiện. Tuy nhiên để có sức sống bền vững xẩm vẫn rất cần sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ công chúng.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này