Tâm tình người lính đảo

16:35 | 08/02/2015
Nơi tuyến đầu Tổ quốc, dù phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, khó khăn và thử thách, song những người lính đảo vẫn ngày đêm bám trụ, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

Tự hào người lính Trường Sa

Cuộc gặp gỡ giữa tôi và thượng tá Vũ Văn Cường tuy ngắn ngủi nhưng đong đầy cảm xúc. Cuộc sống gian khổ, ý chí kiên cường của những người lính biển hiển hiện qua lời kể của người chỉ huy can trường này. 27 năm trong quân ngũ, thượng tá Vũ Văn Cường có đến 16 năm sống và làm việc ngoài đảo xa. Niềm vinh dự với anh là được nhận nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, giữ chức chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây. Gần 5 năm trên đảo để lại cho anh nhiều kỷ niệm. Anh nhớ tình đồng chí, đồng đội luôn giúp đỡ nhau trong mọi lúc khó khăn, ốm đau, hoạn nạn; nhớ những lần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó; nhớ những đêm đón giao thừa trong cái tết xa nhà... Tất cả được anh gói gém trong tâm trí như một kỷ vật quý báu của Trường Sa.

58229

Cuộc sống người lính đảo tuy gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng đó là một niềm vinh dự và tự hào, bởi được làm một người lính đảo không dễ. Lính đảo phải là những người có năng lực, có phẩm chất đạo đức, là những người được rèn luyện kỹ càng trên đất liền mới được giao trọng trách đặc biệt này. Với mỗi chiến sĩ, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, họ luôn quyết tâm cao. Sẵn sàng chiến đấu là trọng trách thường trực trong bất kỳ người lính nào.

Không chỉ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cứu hộ, cứu nạn cũng là một nhiệm vụ được những người lính đảo đặt lên hàng đầu. Thượng tá Vũ Văn Cường nhớ lại, do gặp thiên tai bão gió, một tàu đánh cá gặp nạn chạy vào đảo Song Tử Tây cấp cứu, chủ tàu bị thương rất nặng. Với vai trò của người chỉ huy, thượng tá Cường đã nhanh chóng huy động toàn bộ chiến sĩ trên đảo hiến máu để cứu sống nạn nhân.

Thượng tá Vũ Văn Cường

Huyện đảo Trường Sa được Đảng, Nhà nước, cùng với nhân dân cả nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ tối đa. Cơ sở vật chất trên rất nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Song Tử Tây được xây dựng đồng bộ, vững chắc. Vì vậy đời sống lính đảo không còn khó khăn như trước. Nếu như trước đây rau và nước sạch là những thứ xa xỉ thì giờ đây những người lính đảo đã có máy lọc nước, tự trồng rau, tăng gia sản xuất. Phương tiện đi lại giờ cũng dễ dàng hơn, thông tin liên lạc giữa đảo và đất liền được thông suốt. Công tác bảo đảm an toàn hậu cần cơ bản ổn định, giúp anh em trên đảo hoàn toàn yên tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Ngày tết trên đảo, các anh cũng có bánh chưng, có giò, có mứt tết. Tuy không đầy đủ bằng đất liền nhưng tình cảm luôn ấm áp và thân thương. Thượng tá Cường kể những đêm giao thừa, các chiến sĩ quây quần bên nhau cùng đàn, cùng hát. Thư chúc tết của Chủ tịch nước trong thời khắc thiêng liêng nhất của năm luôn làm cho các chiến sĩ rưng rưng và tự hào. Ở đảo, cán bộ và chiến sỹ thương yêu nhau như người cùng một nhà. Bởi với người lính, vật chất không quan trọng bằng tinh thần, bằng sự động viên an ủi kịp thời của lãnh đạo chỉ huy các cấp trong đơn vị.

“Phải yêu người lính đảo mới hiểu được nỗi vất vả, nhớ nhung tận cùng của tình yêu”, câu nói vui nhưng thật lòng của anh Cường khiến tôi xúc động. 10 năm anh và chị Vũ Thị Tố Nga nên duyên vợ chồng, có với nhau 2 người con trai nhưng thời gian anh ở bên chị chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở nhà vợ anh vừa làm mẹ vừa làm cha, thay anh dạy dỗ các con, chăm sóc bố mẹ già. Quãng thời gian anh nhận nhiệm vụ ngoài Song Tử Tây cũng là lúc vợ anh mang bầu cậu con trai út, đến khi trở về thì con đã biết chạy. Nhớ nhung, vất vả là thế nhưng vợ anh chưa một lần than vãn, chỉ động viên anh bằng một câu nói: "Anh còn sức khỏe, còn công việc của Đảng và Nhà nước giao cho. Anh cứ yên tâm công tác. Chỉ mong sao anh hiểu tấm lòng mẹ con em là được rồi".

Lớp cha trước, lớp con sau

Năm nay vừa tròn 21 tuổi, song chiến sĩ pháo thủ tăng -  đảo Song Tử Tây Vũ Tuấn Anh - con trai thượng tá Vũ Văn Cường rất chín chắn và can trường. Thi đỗ 3 trường đại học nhưng Tuấn Anh vẫn quyết khoác lên mình màu áo lính để theo nghiệp bố. "Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố luôn là tấm gương cho tôi noi theo và tự hào tiếp bước theo con đường của bố" , Tuấn Anh tâm sự.

58230

Hơn 1 năm xa nhà, quân đội đã tôi luyện cho Tuấn Anh thành một người lính có nghị lực và hoài bão. Tuấn Anh xúc động kể với tôi lần bố mẹ lên thăm con trai sau ba tháng xa nhà. Mẹ thực sự bị bất ngờ khi gặp Tuấn Anh. Tuy có gầy hơn, làn da sạm nắng nhưng con trai bé bỏng của mẹ ngày nào đã trưởng thành. Bố đã khóc khi thức giấc thấy con trai ngồi lặng lẽ giặt cho bố bộ quần áo trước lúc chia tay về đất liền. Giọt nước mắt của tình cha con. Tuấn Anh nhớ cái tết đầu tiên xa nhà trên đảo đầy bỡ ngỡ, bâng khuâng với bức thư bố gửi đong đầy cảm xúc vì nhớ nhà, vì biết ơn sự nuôi nấng, dạy dỗ của đấng sinh thành. Nhờ tình cảm, đùm bọc của tình đồng chí, đồng đội trên đảo nên mọi khó khăn, vất vả ban đầu của người lính trẻ cũng dịu bớt đi.

Thời gian Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 ngoài quần đảo Trường Sa, các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây phải trực cả ngày lẫn đêm không nghỉ. Nhiều cuộc huấn luyện ban đêm thậm chí mặc trời mưa bão, 2 giờ đêm Tuấn Anh và đồng đội phải dậy luyện tập  phương án sẵn sàng chiến đấu, không để bất ngờ trong mọi tình huống. Cuộc sống nơi đảo xa càng vất vả, khó khăn càng hun đúc lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong người lính trẻ để Tuấn Anh thêm quyết tâm dồn sức cùng đồng đội bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuấn Anh thuộc lòng lời dặn của bố: "Làm một người đàn ông cần có bản lĩnh tiếp bước truyền thống gia đình." Tự anh ý thức được rằng, muốn bảo vệ Tổ quốc trước tiên bản thân phải yêu nước. Khi đã có tình yêu rồi thì mới hiểu được sâu sắc nếu mất đi đất nước, mất đi Tổ quốc thì chúng ta cũng chẳng còn gia đình, chẳng còn quê hương. Và để có được bản lĩnh như lời căn dặn của bố, Tuấn Anh phải dành nhiều thời gian để tu dưỡng nghị lực, ý chí quyết tâm để xứng đáng với niềm tin của người cha.

Thời phút chuyển giao năm cũ và năm mới sắp đến, Tuấn Anh đang háo hức chờ đợi giây phút được gặp bố mẹ và em trai, được sum vầy bên gia đình, quê hương với một cái tết đoàn viên của người lính Trường Sa.

Nguyễn Hoài

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này