Quê hương luôn ở trong tim

07:52 | 08/02/2015
Nỗi nhớ quê hương luôn hiện hữu trong sâu thẳm những người con xa xứ, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về, không được đoàn tụ bên gia đình. Hãy nghe tâm sự của một số du học sinh đang học tập ở nước ngoài không được đoàn tụ đón tết cùng gia đình.

58447
Nguyễn Quỳnh Trang (giữa) cùng các bạn học ở Mỹ

Nguyễn Quỳnh Trang (Mercyhurst University, Mỹ): Quê hương luôn ở trong tim

Tết đến, nhìn những dòng trạng thái cập nhật trên mạng của bạn bè, gia đình, người thân ở Việt Nam, du học sinh chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì cô đơn. Nhớ nhà nhất là khi tết đến, xuân về. Để cho bằng bạn bằng bè, và cũng để xóa đi khoảng cách với quê hương ở rất xa, chúng tôi quyết định tự tổ chức một cái tết cho riêng mình trên đất Mỹ.

Tết của du học sinh là có gì ăn nấy. Chúng tôi vừa nấu cỗ, vừa hí hửng mừng vui vì đem được những hộp mứt, kẹo, ô mai, những gia vị hết sức Việt Nam sang tận Mỹ để cùng nhau chia sẻ cho quên nỗi nhớ nhà. Vừa luộc gà, vừa nghe nhau lẩm bẩm: “Nhớ bà, nhớ mẹ ghê! Ở nhà mẹ dạy phải luộc gà thế này…”.

Tết của du học sinh là những chương trình truyền hình xem trên mạng Internet. Chúng tôi đợi chương trình Táo quân, thời sự tổng kết năm, đợi truyền hình trực tiếp bắn pháo hoa, rồi cùng nhau bật cười giòn giã. Thấy sao quê hương ở thật gần.
Tết của du học sinh là những cuộc gọi về cho bố mẹ, ông bà vào giữa trưa để chúc mừng năm mới. Là biết rằng ở nhà đã sang năm mới, là bố mẹ đi xem bắn pháo hoa, là chú bác mua mía hái lộc, là nhận ra rằng mình đã quá tuổi nhận lì xì, nhưng vẫn háo hức…

Tết của du học sinh là vội vã giữa guồng quay học hành, rồi chợt giật mình nhận ra rằng năm mới âm lịch đang ở gần. Là sực hỏi nhau: “Ô, hôm nay giao thừa à?” khi đang bộn bề bài vở. Là nhớ nhung mưa phùn, hoa đào hồng thắm, và cái rét ngọt rất Hà Nội giữa trời bão tuyết băng giá…

Tết của du học sinh là những lời tự hứa với bản thân. Là phải cố học thật tốt, để những khoảng thời gian xa quê hương là không uổng phí. Là phải mạnh mẽ, để gia đình ở nhà không lo lắng. Là phải biết mình may mắn khi có cơ hội được mở mang tầm mắt, được nhìn thấy thế giới khi còn rất trẻ…

Dù có đi xa thế nào đi nữa thì quê hương vẫn luôn ở trong tim những du học sinh như tôi…

Đinh Lương Minh Anh (Đại học Tổng hợp Grenoble, Pháp): Tết này nhà mình sắm sửa nhiều không?

Anh Minh Anh cùng chị họ, cũng là du học sinh, ở Pháp

58446

“Mẹ à, Tết năm nay nhà mình sắm sửa nhiều không? Cả nhà chắc là vui lắm. Con ở đây vẫn khỏe mạnh, con vừa đi làm về. Bây giờ là 11h đêm. Ngày mai, 8h30 con có bài kiểm tra nên bây giờ con phải ngủ một chút, đặt đồng hồ 4h sáng còn dậy ôn lại bài cho yên tâm. Chúc bố mẹ, các em năm mới…”. Năm ngoái, mẹ của một người bạn cho tôi đọc đoạn tin nhắn đó, gửi vào ngày 30 tháng chạp. Một vài giọt nước lăn trên má tôi... Tết của du học sinh ở nước ngoài là vậy…

Chuyện đi làm thêm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và có thể “sinh tồn” được ở nơi đất khách quê người là câu chuyện thường thấy của nhiều du học sinh. Tôi cảm phục những bạn sinh viên, khi vừa học vừa làm và phải làm cả hai thật tốt. Vì nếu không đi làm thì không có tiền tiêu, mà học không tốt để bị đúp đồng nghĩa với gánh nặng kinh tế lại đè lên gia đình. Vậy nên chẳng có gì lạ khi tết của những sinh viên là những giờ vật lộn trên thư viện, sự căng thẳng trước kì thi, hay những buổi tăng ca làm thêm giờ… Không bánh chưng, không hoa, không lì xì và nhất là… không gia đình.

Hai tiếng “quê hương” có lẽ vẫn rộn ràng trong tim tôi và trong các bạn Việt Nam nơi đất khách quê người. Hai tiếng “gia đình” vẫn ấm áp yêu thương hiện hữu trên mỗi bước đi của sinh viên xa nhà. Tết đến là lúc người ta nhớ quê hương và gia đình da diết. Nhưng nỗi nhớ buộc phải nhường chỗ thật nhanh cho quyết tâm học hành hay sự cật lực lao động ở các nhà hàng sang chảnh, các cửa hàng bán đồ lưu niệm, các vườn nho, vườn ớt…  Bạn của tôi, và rất nhiều bạn sinh viên khác mà tôi không quen biết, nếu có ngày đọc được những tâm sự này và tìm thấy mình trong đó, mong các bạn hãy cố  lên. Nỗ lực và sự chắt chiu sẽ được đánh đổi bằng những điểm số khách quan, công bằng của giáo sư nước ngoài. Không lâu nữa, những buổi bảo vệ kết thúc trong tràng pháo tay, những tấm bằng chuẩn quốc tế vinh danh các bạn cũng sẽ là lúc đưa những đứa con trở về với quê hương, đón một cái tết cổ truyền theo đúng nghĩa: Có bánh chưng, hoa, lì xì và quan trọng nhất là được đón tết bên gia đình.

Trần Thu Hà (Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Tula, Nga): Nhớ phong vị tết quê hương

Trần Thu Hà

58448

Tháng 12 mang theo cái lạnh giá của thời tiết, người ta trao nhau những cái ôm ấm áp, tặng nhau những món quà nhỏ xinh kèm theo những lời chúc  năm mới. Ở khắp các nơi trên đường phố hay trong các nhà hàng, quán ăn, siêu thị đã được trang trí để đón Noel và năm mới. Nhìn khung cảnh dưới ánh đèn trang trí buổi tối thật lung linh, không khí nhộn nhịp đón tết của người châu Âu khiến những người con xa xứ nhớ về cái tết đoàn viên ở nhà. Ở Việt Nam, cứ đến tết là mọi người sẽ đi chợ hoa sắm đào sắm quất. Còn khi đi xa gia đình để đến một vùng đất mới, một xứ sở lạnh lẽo băng giá ở nước Nga như du học sinh chúng tôi thì phải chặt những cành cây táo về để làm cây đào giả. Chọn cành phải có dáng, tán đẹp, sau đó về cắt giấy màu rồi ghép lại thành những bông hoa đào nhỏ xinh gắn lên cành, gắn thêm những dây đèn nhấp nháy. Thật kỳ diệu, từ 1 cành táo khô trơ trọi của mùa đông Nga mà trở thành cành đào Việt lung linh huyền ảo.

Thật may mắn khi năm nào mà trùng lịch nghỉ đông với lịch nghỉ tết ở quê nhà, chúng tôi sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Cũng đi chợ  mua gà trống, mua đồ về bầy mâm ngũ quả, ra cửa hàng người Việt mua thực phẩm và đồ khô về làm bánh chưng, giò lụa, giò xào, măng khô, nem... Tất tần tật mọi thứ để cho một mâm cơm tất niên trọn vẹn như ở nhà.  Giống như ở Việt Nam, sau khi cúng cơm tất niên, chúng tôi đón chờ khoảnh khắc giao thừa, rồi gõ cửa từng phòng khác để chúc tết. Chúng tôi cũng trao nhau những phong bao lì xì. Năm ngoái, chúng tôi đã có dịp tổ chức một hội chợ mini ở ngay trong kí túc xá. Chỉ 1 gian phòng 40m2 nhưng đủ tái hiện được khung cảnh nhộn nhịp, kẻ bán người mua, người đi sắm tết những ngày cuối năm như ở quê nhà. Chúng tôi cũng có những gian hàng bán thực phẩm tết, bán hoa đào, có ông đồ bên mực tàu giấy đỏ...

Còn nhớ cái tết đầu tiên, khi xa bố mẹ xa gia đình để đi học, chúng tôi được nghe bài “Xuân này con không về” mà không ai kìm nổi nước mắt. Năm mới sắp đến, mọi người lại đang rục rịch chuẩn bị cho một chợ hoa xuân mang phong cách du học sinh thật ấn tượng như để chia sẻ với nhau nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ cái phong vị của ngày tết.

Võ Hoàng Duy

 

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này