Tùng tùng lân trống rộn ràng

21:36 | 10/02/2015
Cứ mỗi độ xuân về, đường phố Sài Gòn ngập tràn không khí rộn ràng lân, trống. Nhưng ít ai biết, để có những vũ điệu uốn lượn như rồng bay là cả sự nhọc nhằn luyện tập của các võ sinh.

Có rất nhiều các môn phái võ thuật tham gia môn nghệ thuật đậm chất quần chúng, đường phố này. Nhưng tựu chung, các lò võ đều có nguồn gốc từ phái Thiếu Lâm và chia ra nhiều nhánh như Châu Gia, Bạch Mi, Hồng Gia, Đường Lang…, trong đó khá đông là thành viên của 2 dòng võ Châu Gia Quyền và Thái Lý Phật

Công phu lân sư rồng

Có lẽ, trong các đoàn lân sư rồng thì đoàn Nhơn Nghĩa Đường trội về kỹ năng lẫn danh tiếng. Võ sư Lưu Kiếm Xương, Trưởng đoàn Nhơn Nghĩa Đường bồi hồi nhớ lại thời điểm mới thành lập đoàn lân. Năm 1937, đội lân Nhơn Nghĩa Đường do cha ông là võ sư Lưu Hào Lương thành lập và chủ yếu phục vụ các dịp lễ tết và một số lễ hội truyền thống của các bang hội thuộc cộng đồng người Hoa tại TPHCM. Khi ấy, đoàn lân chỉ sử dụng đơn thuần hình tượng đầu lân và ông địa. Năm 1971, khi võ sư Lưu Kiếm Xương thay cha tiếp nhận đội lân, ông đã sáng tạo, tìm tòi và kết hợp những tinh hoa của đoàn lân Malaysia, Singapore với hình tượng sư tử và rồng được thể hiện bằng những động tác biểu diễn công phu cực kỳ khó như rồng leo sào tre, sư tử lăn địa cầu, lân, sư  tử lên giàn Mai Hoa thung ….

Việc vận dụng thuần thục các kỹ thuật biểu diễn này đã đưa tên tuổi đoàn lân của võ sư Lưu Kiếm Xương ra thế giới khi thực hiện nhiều chuyến lưu diễn thành công ở Nhật Bản (năm 1991) theo lời mời của Đài truyền hình Fuji với tiết mục “ Lân leo cột” (Cao không hái lộc) trong chương trình “Chuyện lạ”; Singapore (1997); Hongkong và Macau - Trung Quốc (1997-1998); Malaysia (1998-1999). Năm 2000, đoàn đã đoạt cúp bạc châu Á trong giải vô địch múa lân quốc tế tổ chức tại Thái Lan, Cúp Thái Hoàng với tiết mục múa "Lân lên Mai Hoa thung". Đặc biệt, ngoài những giải thưởng đỉnh cao, nhân dịp Sài Gòn 300 tuổi, Nhơn Nghĩa Đường đã thực sự  làm công chúng ngạc nhiên và thán phục khi huy động hàng trăm môn sinh của võ đường tham gia biểu diễn vũ điệu rồng uốn lượn như bay có chiều dài đến 300m. Không chỉ dừng lại đó, Nhơn Nghĩa Đường còn bổ sung nhiều tiết mục mới. Trong đó, tiết mục “Cao không hái lộc” (múa lân leo cột) đã đạt kỷ lục Việt Nam ở độ cao 15m và “Cổ vũ thăng bình thập nhị thời lệnh” đang được đề xuất kỷ lục Việt Nam.

Để đạt thành tích “Múa lân leo cột” 15m, Nhơn Nghĩa Đường đã bố trí 8 người giữ 8 dây ở 8 hướng để giúp cây tre đứng vững và 2 người múa lân. Ngoài ra còn có sự tham gia của 4 người cầm chiêng, 1 người đánh trống, 1 người đánh kẻng. Trong tiếng chiêng trống rộn ràng, dồn dập, đội lân đã thực hiện những động tác điêu luyện, làm say mê lòng người. Người cầm đầu lân là Lưu Hoán Phi, huấn luyện viên của đội lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường. Từ dưới đất, chỉ trong vòng 46 giây, anh đã đội con lân nặng 6kg leo lên cây tre cao 15m, và chỉ mất 3 phút 45 giây để quay trở lại mặt đất. Tiết mục “Múa lân leo cột” tuy diễn ra chớp nhoáng, nhưng Lưu Hoán Phi và các thành viên trong đội đã phải trải qua quá trình luyện tập bền bỉ và gian khổ. Lưu Hoán Phi là con trai võ sư Lưu Kiếm Xương. Anh thuộc thế hệ thứ 3 của họ Lưu, vì thế, ngay từ nhỏ, Lưu Hoán Phi đã theo học và nắm vững các chiêu võ tinh hoa của môn phái này.

58632

“Đây không chỉ là một loại hình văn hóa đơn thuần mà thực sự là một môn thể thao đòi hỏi thể lực. Do vậy, tất cả các hội viên cũng chính là võ sinh Châu Gia quyền - môn phái kết hợp sức mạnh đôi tay của Nam Thiếu Lâm và đôi chân của Bắc Thiếu Lâm. Võ đường của chúng tôi đã có rất nhiều người nước ngoài đã đến tham gia luyện tập, điển hình là võ sư người Pháp tên là Eric. Mặc dù Eric đang chủ trì 2 võ đường ở Paris nhưng vẫn kiên trì đến đây tập luyện thêm”, võ sư Lưu Kiếm Xương tự hào.   

Một tên tuổi khác trong làng lân sư rồng là đoàn Lân Minh của võ sư Âu Cẩm Cường từ lò Thái Lý Phật. Ra đời từ thời nhà Thanh, Thái Lý Phật là môn võ kết hợp tinh hoa và mang tên ghép của 3 đại võ sư: Mã tấn cước Thái Phước, danh quyền Lý Hữu Sơn và Phật chỉ chưởng của Hòa thượng Thanh Thảo. Môn phái Thiếu Lâm Thái Lý Phật thâm nhập vào Việt Nam từ  thập niên 30 thế kỷ trước và được chưởng môn đời thứ 4 Trần Nhất Minh phổ cập ở võ đường Chợ Thiếc (quận 11). Đến năm 1985, tại chùa Từ Đức (quận 5), chức chưởng môn đời thứ 5 được truyền cho võ sư Đường Chánh Quang. Đây là giai đoạn môn phái Thái Lý Phật phát triển rộng khắp ở quận 5, 11, 1 (TPHCM) và ở Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), Vũng Tàu, Đà Nẵng…

Võ sư Cường cho biết, dù khác nhau về môn phái, nhưng tất cả các vũ điệu của môn sinh đều phát huy trên nền tảng cương - nhu – dũng – trí – tịnh, với các đòn thế căn bản long, xà, hổ, báo, hạc. Những đòn thế này đều được các võ sinh Thái Lý Phật vận dụng nhuần nhuyễn. Đoàn Lân Minh của ông cũng đã tạo được danh tiếng và vị trí nhất định trong làng nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng và đã nhận được nhiều huy chương, giải thưởng ở các sân chơi ngày tết.

Múa hổ

Một đoàn lân khác có khởi nguồn liên quan đến… ẩm thực. Nói đến cơm gà không ai có thể quên hương vị thơm ngon của cơm gà xuất xứ Hải Nam. Nhưng đâu chỉ có vậy, góp phần vào giai điệu “cắc tùng cheng” mỗi độ xuân về người Việt gốc vùng này còn ghi dấu ấn của họ qua điệu múa hổ hình quyền. Võ sư  Phù Châu Tử, chưởng môn đời thứ 3 môn phái Thiếu Lâm Hồng Gia nói: “Môn phái Thiếu Lâm Hồng Gia phát triển phổ cập tại Việt Nam từ khi theo chân đại sư phụ Lâm Minh Hào du nhập vào năm 1952. Đến đời thứ 3, do tôi làm chưởng môn từ năm 1995, số võ sinh đã phát triển được hơn 100 người. Xa xứ, những cư dân Hải Nam lưu lạc ngoài việc phổ biến món cơm gà đặc sản đặc sắc, thì nghệ thuật múa hổ cũng được phát triển, góp phần làm phong phú nét văn hóa sắc màu phương Đông đa dạng ở khu Chợ Lớn. Cũng như các môn phái Thiếu Lâm khác, chúng tôi cũng có một đoàn lân sư rồng thành lập từ năm 1995 mang tên đại sư phụ là Minh Hào Đường. Việc lập và phát triển đoàn lân cũng là để tưởng nhớ đến cha ông, vừa để góp mặt với đời.”

58634

Nếu không chú ý sẽ rất khó phân biệt sự khác biệt giữa múa hổ và múa lân. Thật ra có 2 chi tiết khác biệt cơ bản, trong đó dễ nhận biết nhất là đầu hổ thường không sừng còn lân thì lộ rõ sừng ngay trên đỉnh đầu và thường thì múa hổ ngoài hình tượng ông địa, luôn có những tráng sĩ sử dụng đại đao để khống chế linh vật… Bàng Dũng Lực – một “hủ leng” dân chơi ở bến Hàm Tử, cho biết: “Điệu trống múa Hổ cũng khác biệt so với múa lân, giai điệu  luyến láy hơn. Đại khái một bên là tùng tùng cắc tùng cheng – cheng cheng cắc cheng tùng bên còn lại thì tùng cắc cheng – cheng cắc tùng - lung tung…xoè!. Tôi thích hảo múa hổ hơn vì vui nhộn hơn. Mùa xuân đến mỗi khi nghe tiếng trống hổ hình quyền là cảm thấy hưng phấn, chỉ muốn chạy ngay ra xem, nhiều khi  cũng múa may loạn xạ...”.

Phương Đình Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này