Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân, doanh nghiệp lo lắng về điện

22:12 | 20/04/2024
(LĐTĐ) Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong năm 2024, phải tập trung cho công tác điều hành và củng cố năng lực truyền tải điện; tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc, không để tình trạng "nước đến chân mới nhảy".
Nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam Bộ Công Thương hoàn thành xây dựng cơ chế mua bán điện khí

Ngày 20/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và thời gian tới, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng 2024.

Giá điện phải phù hợp, có cạnh tranh lành mạnh

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi, thời tiết đang chuẩn bị bước vào cao điểm nắng nóng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.

Nhắc lại tình trạng thiếu điện cục bộ trong năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm nay phải tập trung cho công tác điều hành và củng cố năng lực truyền tải điện; tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc, không để tình trạng "nước đến chân mới nhảy".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân, doanh nghiệp lo lắng về điện
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải xây dựng các phương án ứng phó với mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất; phát huy trách nhiệm cao nhất; đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hợp lý, kịp thời, hiệu quả.

"Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện", Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp với từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện.

Về nguồn, cần tính toán bảo đảm nguồn điện cho tất cả các vùng miền, lưu ý các tháng cao điểm ở miền Bắc (tháng 5, 6, 7, đặc biệt dự kiến phụ tải tăng lên tháng 6 khoảng 2.500 MW). Đa dạng hóa các nguồn điện, rà soát lại tất cả các nguồn có thể huy động, thúc đẩy các nguồn điện lớn.

Để bảo đảm nhiên liệu (than, nước, dầu, khí) cho sản xuất điện, các nhà máy nhiệt điện than mua tối đa than sản xuất trong nước, hạn chế tối thiểu mua than nhập khẩu (điều này vừa giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, vừa tạo sinh kế, việc làm cho người dân, vừa tiết kiệm ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay, đồng thời phòng chống tiêu cực).

Các tập đoàn, tổng công ty than đẩy mạnh khai thác tối đa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan vận hành các hồ thủy điện tiết kiệm, giữ mực nước cao nhất có thể để đáp ứng cho các tháng cao điểm. Tập đoàn Dầu khí bảo đảm cung ứng khí, dầu cho sản xuất điện.

Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đáp ứng điện từng tháng; chỉ đạo vận hành các nhà máy điện bảo đảm cân đối chung, lợi ích tổng thể, cũng như bảo đảm công suất tối thiểu của các nhà máy điện.

Về cơ chế, chính sách mua bán điện, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách với điện rác, điện sinh khối…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân, doanh nghiệp lo lắng về điện
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng giá điện với lộ trình phù hợp, không "giật cục". Ảnh: VGP

Về truyền tải điện, Thủ tướng yêu cầu, trước mắt hoàn thành đường dây 500kV mạch 3, rà soát từng khâu, bảo đảm tiến độ, dứt khoát hoàn thành trước ngày 30/6; đề nghị lãnh đạo các tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, động viên cán bộ, công nhân trên công trường làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ.

Về giá điện, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định, thẩm quyền, với lộ trình phù hợp, không "giật cục"; ngành điện đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Giá điện phải phù hợp, có cạnh tranh lành mạnh và điều tiết của Nhà nước.

Việc cung ứng điện cơ bản sẽ được bảo đảm

Nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong bối cảnh diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, để thực hiện mục tiêu tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, các nguồn nhiệt điện, nhất là nhiệt điện than đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải; đồng thời tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc.

Mặc dù nhu cầu điện tăng cao hơn so với dự báo, tuy nhiên, hệ thống điện quốc gia đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thực tế 3 tháng đầu năm, đặc biệt là các dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Quý I/2024, sản lượng điện lũy kế đạt 69,34 tỷ kWh, tăng 11,77% so cùng kỳ năm 2023; sản lượng điện bình quân ngày đạt 762 triệu kWh, tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân, doanh nghiệp lo lắng về điện
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Để bảo đảm cung ứng điện năm 2024, đặc biệt là cao điểm mùa khô, ngay từ tháng 11/2023, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2024; xây dựng các phương án phân phối điện; kịch bản cân đối sản lượng điện; cân bằng công suất các nhà máy điện; thực hiện các giải pháp về vận hành các nhà máy điện; thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng các công trình điện. Bộ Công Thương khẳng định, việc cung ứng điện cho năm 2024 về cơ bản sẽ được bảo đảm.

Những năm tới, sau khi đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối được đi vào vận hành với đầy đủ các điều kiện kỹ thuật cần thiết, hệ thống điện miền Bắc sẽ được bổ sung tăng cường công suất/điện năng từ miền Trung và miền Nam.

Tuy nhiên, với tỷ trọng nguồn thủy điện chiếm hơn 32%, cung - cầu nội miền của khu vực miền Bắc nhiều thời điểm sẽ xuất hiện tình trạng mất cân đối trong trường hợp tình hình thủy văn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố các tổ máy nhiệt điện than. Do đó, việc bổ sung sớm nguồn điện mới, đặc biệt là các nguồn điện chạy nền cho miền Bắc là hết sức cần thiết…

Cũng tại cuộc họp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã báo cáo về tình hình hoạt động các nhà máy điện, các biện pháp bảo đảm các nhà máy vận hành ổn định, đặc biệt không bố trí lịch bảo dưỡng, sửa chữa trong các tháng mùa khô, nắng nóng.

Các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực dầu, khí, than cũng cam kết bảo đảm cung ứng đủ nhiên liệu cho sản xuất điện. Đơn cử, Tập đoàn Than - Khoáng sản dự kiến kế hoạch năm 2024 cung cấp than cho sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn, tăng khoảng 1,735 triệu tấn so với biểu đồ của Bộ Công Thương.

Theo EVN, trong quý I/2024, đã huy động tối đa nguồn nhiệt điện than, khí (vượt kế hoạch 1,98 tỷ kWh), còn các thủy điện được huy động theo tình hình nước về để giữ nước cho các tháng cao điểm mùa khô. Sản lượng điện tương ứng lượng nước tích trong các hồ đến cuối quý I là 11,3 tỷ kWh, cao hơn 1,5 tỷ kWh so với kế hoạch. Các hồ thủy điện lớn tại miền Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu vẫn duy trì mức nước cao.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này