Khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng

22:53 | 17/04/2024
(LĐTĐ) Tối 17/4, tại Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba.
Lan tỏa niềm đam mê đọc sách và phát triển kỹ năng thuyết trình Nhiều hoạt động đa dạng, phong phú tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba Hội sách trực tuyến phục vụ kiều bào Việt Nam ở nước ngoài

Dự lễ khai mạc có các đồng chí lãnh đạo: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành...

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Ngày sách và Văn hóa đọc không chỉ tôn vinh những người viết sách, làm sách, mà sâu sắc hơn là tôn vinh bạn đọc, chấn hưng văn hóa đọc. Năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc mong muốn ngành xuất bản sẽ góp sức mình xây dựng hệ tri thức dân tộc, phát triển đội ngũ trí thức, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lễ khai mạc tại Thủ đô sẽ khởi đầu cho chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc trên cả nước để đem đến tinh thần mới: Người dân ở đâu, văn hóa đọc phát triển đến đó, bạn đọc ở đâu, sách phải đến đó.

Khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ Ba.

Để ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị trong toàn ngành cần đổi mới hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trên tinh thần: Xuất bản trước hết là lĩnh vực văn hóa - chính trị, nhưng đồng thời cũng là một ngành kinh tế. Chính trị thì có sự trợ giúp của Nhà nước; văn hóa thì có sự trợ giúp của nhân dân; kinh tế thì có sự trợ giúp của thị trường. Kết hợp hài hòa 3 yếu tố: Chính trị, kinh tế, văn hóa là chìa khóa dẫn ngành xuất bản đến thành công.

Chuyển đổi số đặt yêu cầu mới cho ngành xuất bản, muốn phát triển phải hoạt động đồng thời ở cả 2 không gian cũ và mới. Không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Không gian mới sẽ giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển mới trong dài hạn; muốn xuất bản phát triển, cần tăng cường truyền thông, quảng bá về sách và văn hóa đọc, để văn hóa đọc lan tỏa, trở thành sức mạnh nội sinh, nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ Ba. Ảnh: Việt Linh - Thế Bằng

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Nhằm phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai các hoạt động, phong trào phát triển văn hóa đọc, hoạt động tôn vinh sách, đưa Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) thực sự có ý nghĩa trong đời sống xã hội, với mong muốn lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách trong cộng đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, những năm gần đây, văn hóa đọc Thủ đô đã có những bước phát triển rõ rệt, chuyển biến thực chất. Đọc sách trở thành thói quen và nét đẹp trong đời sống xã hội. Ngành xuất bản đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng trong việc góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Việt Linh - Thế Bằng

Nhận thức rõ vai trò của sách và văn hóa đọc trong phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh việc ban hành Nghị quyết số 18 về chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh, Hà Nội còn là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và triển khai Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó, xuất bản và văn hóa đọc là một trong những lĩnh vực đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần từng bước thực hiện quan điểm xuyên suốt theo Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã đề ra “văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô”.

Khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Ngày hội. Ảnh: Việt Linh - Thế Bằng

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc tiếp thu, bồi đắp tri thức, nâng cao kiến thức, rèn luyện nhân cách con người; chú trọng đầu tư, hỗ trợ, thành lập các thiết chế, hoạt động khuyến đọc trong nhà trường, cơ quan, đơn vị các cấp; tăng cường, vận động sáng tác các tác phẩm sách, công trình có giá trị cao, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của bạn đọc; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách, tạo giá trị mới; mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác, tham gia các hoạt động quốc tế về sách.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba diễn ra từ ngày 17/4 - 1/5 với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng nhằm tôn vinh sách và cổ vũ phát triển văn hóa đọc. Các chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024, với các thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”.

N.Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này