Nhân rộng các mô hình thiết chế Công đoàn

10:16 | 11/04/2024
(LĐTĐ) Các mô hình do tổ chức Công đoàn Thủ đô triển khai như: Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân… đang phát huy hiệu quả và được đông đảo công nhân lao động đón nhận. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn.
Thiết chế Công đoàn đầu tiên dành cho công nhân các khu công nghiệp và chế xuất đã sáng đèn Cần đầu tư hạ tầng cơ bản phục vụ người lao động tại những nơi thị trường lao động phát triển

Chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động công đoàn. Nhận thức rõ điều đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều mô hình để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, trong đó có mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, hiện toàn Thành phố có 61 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong doanh nghiệp và khu dân cư có đông công nhân lao động sinh sống. Đây vừa là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa thể thao để rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần vừa là nơi để Công đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho công nhân lao động.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Lao động Thủ đô cho thấy, tại các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong khu dân cư, nơi tập trung đông công nhân lao động thuê trọ, vào các buổi chiều và cuối tuần, có đông đảo người lao động đến để sinh hoạt, giao lưu văn hóa văn nghệ, tập luyện thể thao.

Tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong các doanh nghiệp, sau mỗi giờ tan ca hoặc giờ nghỉ giải lao giữa ca, người lao động lại đến Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân để nghỉ ngơi, đọc sách báo, giải trí, chơi thể thao…

Nhân rộng các mô hình thiết chế Công đoàn
Các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đang đáp ứng tốt nhu cầu của người lao động.

Nhận thấy rõ hiệu quả của Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, các cấp Công đoàn đã thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng phục vụ công nhân lao động. Với nhiều người lao động, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã trở thành điểm đến quen thuộc của họ, giúp họ giải tỏa căng thẳng, áp lực trong công việc và tái tạo sức lao động.

Chị Trần Thị Thúy, công nhân đang làm việc tại Khu Công nghiệp Thăng Long chia sẻ, bản thân chị nhận thấy Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân rất có ý nghĩ đối với việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Chị và các công nhân khác thường xuyên đến Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân để đọc sách, báo cập nhật tin tức và tra cứu tài liệu liên quan đến pháp luật lao động… và hào hứng tham gia các chương trình ca nhạc, hội thi và các hoạt động phong trào khác do tổ chức Công đoàn tổ chức tại đây.

Song song với việc triển khai mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an Thành phố xây dựng, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, nhằm tạo môi trường sống an toàn, giúp công nhân lao động ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 92 Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với trên 20.000 công nhân lao động. Đa số các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân đã xây dựng được Quy ước và lịch sinh hoạt hằng tháng, quý. Các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, góp phần trong công tác phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật.

Tiêu biểu như Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân tại gia đình của ông Hà Quang Kỉnh (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) đã ban hành nội quy của khu nhà trọ, trong đó nêu rõ: Người đến thuê trọ phải xuất trình giấy tờ tùy thân để làm thủ tục đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú với cơ quan Công an; không được có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự công cộng tại khu trọ; có ý thức phòng cháy chữa cháy; khu nhà trọ khóa cửa lúc 23h và mở cửa lúc 5h... Trong bảng nội quy cũng có số điện thoại của Công an xã Kim Chung và Đồn Công an Bắc Thăng Long để người thuê trọ có thể chủ động liên hệ khi cần thiết và thông báo khi phát hiện đối tượng nghi vấn.

Tại các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, LĐLĐ Thành phố đã bố trí các Tủ sách Công đoàn, Tủ sách pháp luật để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động.

Là một trong những công nhân thuê trọ tại Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân trên địa bàn xã Kim Chung - nơi có Tủ sách Công đoàn, anh La Văn Kình - công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, chia sẻ, sau những giờ lao động trong phân xưởng, công nhân trở về xóm trọ, tất cả mọi sinh hoạt gói gọn trong phòng trọ chật hẹp, ngoài ngủ thì công nhân chủ yếu làm bạn với chiếc điện thoại. Do đó, việc có Tủ sách Công đoàn tại khu trọ sẽ giúp công nhân có cơ hội đọc sách, báo miễn phí, tìm hiểu kiến thức pháp luật để có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động.

Được biết, để phát huy hiệu quả của các mô hình phục vụ đời sống người lao động, song song với việc tiếp tục xây dựng các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để đề xuất xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân nhằm xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động.

LĐLĐ Thành phố khuyến khích các cấp Công đoàn huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, nguồn kinh phí do doanh nghiệp hoặc địa phương hỗ trợ để xây dựng và duy trì hoạt động các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khảo sát, đăng ký, triển khai xây dựng mới, sửa sang, trang trí Tủ sách Công đoàn; vận động chủ nhà trọ, chủ doanh nghiệp dành địa điểm sinh hoạt chung cho công nhân để đặt Tủ sách với mục tiêu hầu hết Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trên địa bàn đều có Tủ sách phục vụ công nhân lao động.

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2023, LĐLĐ Thành phố đã xây dựng được 14 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân mới, duy trì hoạt động của các điểm đã thành lập theo đúng tiến độ đã đề ra. Đến nay toàn Thành phố có 61 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được trang bị tủ sách pháp luật về các lĩnh vực của đời sống, tài liệu về công nhân, Công đoàn Việt Nam; ghế ngồi, bàn, máy tính, màn hình led, loa, micro… để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các hoạt động văn hóa, thể thao của công nhân lao động. Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đang khai thác, quản lý hiệu quả 339 Tủ sách pháp luật tại các Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân, các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, trên 1.000 tủ sách pháp luật tại các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người lao động.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này