Không chủ quan với bệnh dại

08:43 | 02/04/2024
(LĐTĐ) Dù đã được các chuyên gia y tế, các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian qua, số ca mắc bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước. Đáng lo ngại, phần lớn những ca tử vong do bệnh dại là vì người dân chủ quan không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó cắn.
Gia tăng ca tử vong do bệnh dại Gia tăng dịch bệnh phức tạp đầu năm 2024

Gia tăng ca bệnh

Hiện bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Cụ thể, theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, số mắc và tử vong vì bệnh dại lại tăng vọt lên 27 ca, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 30/63 tỉnh thành, phố ghi nhận ca bệnh dại.

Không chủ quan với bệnh dại
Nên tiêm vắc xin phòng bệnh dại hiệu quả.

Nguyên nhân gây tử vong cao là do 100% số ca tử vong dại không đi tiêm vắc xin phòng dại, tiêm muộn hoặc tiêm không đúng chỉ định.Trước cao điểm mùa nắng nóng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và bệnh viện ở các địa phương ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại tử vong và nhập viện điều trị do bị chó, mèo,… cắn. Trong đó, phần lớn nạn nhân là trẻ em, còn vật nuôi không được tiêm phòng.

Đơn cử, vừa qua các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho một bé gái bị chó cắn thương tâm. Theo đó, bé gái tên H.A (5 tuổi, ở Hà Giang) đang đi chơi với bạn thì bị chó chưa được tiêm phòng dại bất ngờ lao ra tấn công, cắn tới tấp vào vùng vai, tay, môi. Khi bị chó cắn, bé khóc kêu cứu, mọi người xung quanh nghe thấy đã chạy ra hỗ trợ kịp thời. Sau khi được sơ cấp cứu và tiêm huyết thanh, tiêm vắc xin phòng dại tại bệnh viện địa phương, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương xác định bệnh nhi có tổn thương xây xát nông lẫn vài điểm vết thương nhỏ sâu vùng cánh tay, vai, cạnh mắt và vùng môi trên bên phải. Bệnh nhi được bác sĩ truyền dịch, dùng kháng sinh để dự phòng nhiễm trùng, giảm đau và tiến hành phẫu thuật để cắt lọc làm sạch các vết thương. Đồng thời, bệnh nhi được tiêm phòng các vắc xin phòng dại theo kế hoạch và theo dõi tiếp theo để phát hiện kịp thời các biến chứng sau chó cắn.

Trước đó, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào. Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công.

Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, thông thường số ca mắc bệnh dại thường tăng mạnh vào mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Song số người dân tiêm vắc xin dại tăng mạnh trong thời điểm này cho thấy bệnh dại vào mùa sớm hơn mọi năm và tăng cao ngay cả khi chưa phải cao điểm mùa nắng nóng.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh dại gia tăng là do chưa quản lý được đàn chó, mèo, tình trạng chó thả rông còn phổ biến; công tác rà soát, thống kê số lượng chó, mèo tại các địa phương chưa chính xác dẫn đến tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vắc xin phòng bệnh dại thấp; vi rút dại còn lưu hành trên động vật; lực lượng thú y cơ sở còn thiếu, hạn chế.

Chủ động tiêm phòng ngay khi bị vật nuôi cắn

Bác sĩ Chính cho biết, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100% và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

“Dại có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể chỉ từ 7-10 ngày hoặc kéo dài đến vài tuần, thậm chí vài năm, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn. Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ hoặc đầu mút các chi như ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục… có thời gian ủ bệnh càng ngắn”- bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Bệnh dại có thể hung dữ và thể liệt, trong đó thể hung dữ phổ biến hơn với 80% ca mắc. Dấu hiệu điển hình của thể hung dữ là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, rối loạn tri giác, co giật toàn thân, co thắt cơ hô hấp, sặc, khó thở, ngưng tim, hôn mê, tử vong nhanh trong vòng 2-4 ngày kể từ khi khởi phát. Với thể liệt, bệnh nhân bị tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu và đại tiện, liệt tay, chân và tử vong ngay khi liệt cơ hô hấp. Người mắc bệnh dại thể liệt vẫn tỉnh táo hoàn toàn và đau đớn cho đến lúc tử vong.

Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, trẻ em là đối tượng nguy cơ dễ bị các động vật như chó, mèo tấn công và gây mắc bệnh dại cao hơn.Bởi trẻ em bản tính hiếu động, thường xuyên chơi với chó mèo và có những tương tác như đùa giỡn, khiêu khích, kéo đuôi hoặc tiếp cận chó lạ khiến chúng nổi giận tấn công.

“Hơn nữa, trẻ em có cơ thể thấp nên khi bị chó cắn thường sẽ bị ở đầu, mặt, cổ nhiều hơn là người lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến vi rút dại di chuyển nhanh hơn lên hệ thần kinh trung ương và gây bệnh nhanh”, bác sĩ Chính phân tích.

Mặt khác, trẻ cũng chưa ý thức về bệnh nên giấu vết thương, không thông báo cho gia đình, làm lỡ cơ hội điều trị. Do đó, trẻ em thường xuyên tiếp xúc với động vật nhưng thiếu sự giám sát của người thân và các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh dại cao có thể tiêm vắc xin dự phòng dại trước khi bị cào, cắn.

Các nhóm nguy cơ cao gồm: Khu dân cư lưu hành bệnh dại, ít được tiếp cận đầy đủ và kịp thời với điều trị sau phơi nhiễm; người thường xuyên tiếp xúc với động vật có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh như bác sĩ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm, người xử lý, giết mổ động vật, kiểm lâm; người di chuyển đến các khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh dại hoặc các khu vực xa xôi, khó tiếp cận điều trị dự phòng.

Bệnh dại rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Bệnh dại trên người hoàn toàn có thể điều trị dự phòng bằng vắc xin hay huyết thanh kháng dại. Bác sĩ Chính cho biết, hiện nhận thức của người dân về bệnh ngày càng cao. Bên cạnh nhiều người chủ động chích ngừa ngay khi bị vật nuôi cắn, cào, nhiều người còn chủ động tiêm trước khi phơi nhiễm (trước khi bị cắn, cào)

Bác sĩ Chính cho biết thêm, việc tiêm dự phòng vắc xin dại trước phơi nhiễm có nhiều lợi ích vì chỉ cần tiêm 3 mũi, khi có vết thương do bị vật nuôi cắn, cào chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh. Trường hợp chưa tiêm dự phòng vắc xin dại, người dân cần tiêm 5 mũi và có thể phải tiêm huyết thanh tùy theo tình trạng vết thương.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này