Giá vàng sẽ còn tăng?

08:21 | 12/03/2024
(LĐTĐ) Thời gian qua thị trường chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của giá vàng, khi vàng miếng SJC vẫn đang vượt mốc 82 triệu đồng/lượng - mức cao chưa từng có trong lịch sử. Nhiều người không tin vào mắt mình khi nhìn bảng giá vàng điều chỉnh tăng liên tục trong ngày.
Giá vàng nhẫn lập đỉnh mới vẫn đông khách hàng tìm mua Giá vàng "phi mã": Nên mua hay bán chốt lời?
Giá vàng sẽ còn tăng?
Ảnh minh họa

Sáng 11/3, giá vàng vẫn đứng vững ở quanh mức 82 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp này giao dịch ở mức mua vào 79,70 triệu đồng/lượng và bán ra 81,90 triệu đồng/lượng. Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang giao dịch ở mức mua vào 79,65 triệu đồng/lượng và bán ra 82,10 triệu đồng/lượng. Doji niêm yết ở mức 79,45 triệu đồng/lượng mua vào và 81,95 triệu đồng/lượng bán ra.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại liên tục phá đỉnh cũ, lập đỉnh mới với mức mua vào 69,82 và bán ra 71,12 triệu đồng/lượng tại Bảo Tín Minh Châu. So với một tuần trước đó, giá vàng nhẫn đã tăng thêm 3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 3,14 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

So với hồi đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng gần 8 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng ròng 13%. Và hiện người mua vàng nhẫn từ đầu năm đang có khoản lãi hơn 6 triệu đồng/lượng. Còn trong vòng một năm qua, giá vàng nhẫn trơn hầu hết đã tăng gần 16 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng ròng gần 30%. Đây là mức sinh lời hiếm thấy của loại vàng này trong 5 năm qua.

Giá vàng dường như chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi vàng thế giới lại tiếp tục đà tăng. Sáng 11/3, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở mức 2.179 USD/ounce, tăng 2 USD/ounce so với đầu giờ sáng 10/3. Như vậy, giá vàng thế giới lại tiếp tục xác lập mức giá cao mới lên 2.179 USD/ounce, đây là ngưỡng cao nhất từ trước đến nay. Tuần qua, giá vàng thế giới đã liên tục phá đỉnh để thiết lập các cột mốc lịch sử mới ở cả thị trường giao ngay và thị trường tương lai.

Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5h00 sáng 11/3 theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.179,105 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 64,065 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 15,435 triệu đồng/lượng.

Nhìn lại giá vàng 10 năm qua, không khỏi kinh ngạc khi nó đã tăng gần gấp đôi. Cụ thể, tại ngày 1/1/2013, giá vàng SJC được mua vào với 45,7 triệu đồng/lượng và bán ra 46,3 triệu đồng/lượng. Tại thời điểm ngày 29/12/2019, giá vàng mua vào 42,05 triệu đồng/lượng và bán ra 42,45 triệu đồng/lượng. Nhưng từ đầu năm 2020, giá vàng đã tăng từ 42 triệu đồng lên mức 52 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2020, và mỗi năm lại đạt một kỷ lục mới, cho đến mức hơn 80 triệu đồng/lượng vừa qua.

Với đà “phi mã” như hiện nay, nhiều người còn cho rằng, vàng vẫn chưa “đạt đỉnh”. Tuy nhiên, nên mua hay nên bán vẫn luôn là câu hỏi khó và phần trả lời tùy thuộc vào khả năng phán đoán hướng đi của thị trường. Lời khuyên do các chuyên gia kinh tế đưa ra bao giờ cũng là thận trọng và cân nhắc thật kỹ lưỡng trước mỗi quyết định.

Trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng (Nghị định 24) ra đời vào ngày 3/4/2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/5/2012, vàng được thị trường ngầm coi như một loại tiền tệ đặc biệt. Người dân mua từ chiếc xe đạp tới chiếc ti vi, xe máy, đặc biệt là mua bán nhà đất đều quy đổi bằng vàng. Sau hơn 10 năm kể từ khi ban hành đến nay, Nghị định này vẫn chưa được sửa đổi cho phù hợp với thị trường, trong khi giá vàng vẫn “nhảy múa” không ngừng trong suốt nhiều năm qua.

Nhiều người cho rằng khi Nghị định 24 được sửa, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tiếp tục “phi mã”.

Mới đây, Tổng cục Thuế có công văn yêu cầu các Cục thuế địa phương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý. Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế, Chi cục thuế thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng, bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng.Thực tế, tình trạng người tiêu dùng không lấy hóa đơn khi mua vàng, bạc, đá quý là tương đối phổ biến. Đây là lỗ hổng khiến thất thu thuế trong lĩnh vực này khá lớn.

Bảo Thoa - Phương Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này